Chủ động thành lập đoàn giám sát trước khi dự án được thực hiện
Những năm qua, để cuộc sống miền núi “theo kịp” miền xuôi, thành phố Hà Nội đã có nhiều chương trình, dự án nâng cao đời sống kinh tế, xã hội của bà con. Nổi bật nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn I từ năm 2021-2025. Ủy ban MTTQ thành phố đã tổ chức Đoàn giám sát thực hiện Chương trình để bảo đảm các dự án thành phần phát huy hiệu quả, lắng nghe ý kiến từ thực tiễn để đề xuất điều chỉnh các chính sách.
Quốc Oai là huyện có đông đồng bào DTTS với 7.143 người, chiếm 3,71% dân số trên toàn huyện, chủ yếu sống tập trung tại 12 thôn thuộc 2 xã miền núi Phú Mãn, Đông Xuân. Việc phát triển kinh tế của 2 xã vùng dân tộc và miền núi chủ yếu là sản xuất nông nghiệp từ cây trồng, vật nuôi. Nhiều chương trình, chính sách về dân tộc được quan tâm đầu tư cho 2 xã. Năm 2017, 2 xã miền núi Đông Xuân, Phú Mãn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của xã Đông Xuân đạt 54 triệu đồng/người/năm, toàn xã còn 4 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,3%. Thu nhập bình quân đầu người của xã Phú Mãn đạt 51 triệu đồng/người/năm, xã không còn hộ nghèo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết, thực hiện các chương trình dự án thuộc nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, theo kế hoạch số 253/KH-UBND, kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản bố trí cho huyện giai đoạn 2021-2025 là 386 tỷ đồng (25 dự án). Đến nay, huyện đã được bố trí 241,5 tỷ đồng. Trong đó, 20/21 dự án huyện ủy quyền cho UBND các xã làm chủ đầu tư đang triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo tiến độ, đã giải ngân 157,783 tỷ đồng, đạt trên 65%. Có 3 dự án đã nghiệm thu đưa vào sử dụng đạt hiệu quả tốt, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, ông Ưng cũng cho biết, huyện vẫn còn khó khăn, như một số dự án được bố trí nguồn vốn nhưng vẫn còn bất cập nên phải điều chỉnh, một số dự án thuộc nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân chưa cao...
Còn tại huyện Ba Vì, được biết toàn huyện có 7 xã khu vực miền núi gồm: Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Vân Hòa, Tản Lĩnh, Ba Trại. Những năm qua, huyện Ba Vì luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là đầu tư cho hạ tầng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng núi một cách tích cực...
Trong 2 năm 2021-2022, riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội đã bố trí 384,5 tỷ đồng cho 29 dự án thuộc 4 lĩnh vực: Trường học, y tế, giao thông, thủy lợi. Tổng dự án được khởi công trong 2 năm là 29 dự án. Tổng số nguồn vốn đã được giải ngân tính tới 6/10/2022 là 326 tỷ 838 triệu đồng. Hiện đã có 5 dự án nghiệm thu, đưa vào sử dụng hiệu quả tốt, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ba Vì cho biết, ngoài việc đầu tư cơ bản, công tác sinh xã hội cũng thường xuyên được huyện quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo tại 7 xã miền núi tới cuối năm 2021 còn 177 hộ, cận nghèo còn 640 hộ. Liên quan tới giám sát đầu tư cộng đồng tại 7 xã miền núi, MTTQ huyện đã thành lập mỗi xã một Ban Thanh tra nhân dân, mỗi công trình thành lập một Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Qua khảo sát của Ban Thường trực MTTQ huyện cho thấy công tác giám sát còn gặp khó khăn về kinh phí hỗ trợ, dẫn đến ảnh hưởng tới tổ chức triển khai khi thực hiện các công trình.
Đánh giá về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, đây là chương trình quan trọng nên các địa phương cần tập trung triển khai bài bản, chỉ đạo các phòng, ban phụ trách dự án rà soát toàn bộ các chủ trương, Nghị định để cập nhật, điều chỉnh, tạo thống nhất trong triển khai; tiếp tục rà soát hồ sơ, thủ tục đảm bảo đồng bộ, hạn chế vướng mắc sau hậu kiểm. Để thực hiện giai đoạn 2 của Chương trình (giai đoạn 2026-2030), huyện cần chú trọng khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, các công trình dự án được đầu tư. Chỉ đạo các ngành giải quyết vấn đề phát sinh trong triển khai thực hiện đề án thuộc thẩm quyền. Đồng thời quan tâm chuẩn bị những dự án đầu tư mới, đảm bảo khi triển khai không xảy ra các vướng mắc.
Để thực hiện các hoạt động giám sát tốt hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đề nghị, cần tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách về đồng bào DTTS, đặc biệt là các chương trình, mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. Đồng thời, Ủy ban MTTQ các huyện cần tiếp tục phát huy vai trò giám sát trong thực hiện các dự án; hướng dẫn cơ sở phát huy, khơi dậy lòng dân nhằm tăng cường tiếng nói dân chủ, tạo sự đồng thuận. Đặc biệt cần chủ động thành lập đoàn giám sát trước khi dự án được thực hiện...