Được mùa tuyển sinh hệ 9+
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh hệ 9+ năm nay. Nhiều ngành học hút thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao cho thấy xu hướng chủ động chọn học nghề của thí sinh ngày nay.
Trường cao đẳng (CĐ) Công nghệ Quốc tế LILAMA 2, Đồng Nai thông tin với hệ trung cấp (TC), nhà trường đã cán đích với hơn 1.200 học sinh. Với hệ CĐ, trường đã tuyển được hơn 600 trên tổng số 700 chỉ tiêu.
Tương tự, ông Lê Phước Triều - Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nhà trường đã hoàn thành nhiệm vụ tuyển sinh tuyển 1.495 chỉ tiêu. Trong đó hệ TC tuyển được hơn 1.100 chỉ tiêu, CĐ hơn 300 chỉ tiêu. Trong đó, các ngành thu hút thí sinh là Công nghệ ô tô, Điện Công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh, Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa.
Trường CĐ nghề công nghiệp Hà Nội có tổng chỉ tiêu năm học 2022-2023 là 1.500. Đến thời điểm này, hệ TC đã tuyển đủ với 360 chỉ tiêu. Còn hệ CĐ đã có 970 thí sinh nhập học. Như vậy, nhà trường đã hoàn thành 95-96% chỉ tiêu tuyển sinh. Các ngành thu hút nhiều thí sinh nhất vẫn là Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Điện - Điện tử, Kỹ thuật Máy lạnh Điều hòa không khí và Cơ điện tử.
Tại Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, năm học này nhà trường đã đạt chỉ tiêu tuyển sinh đề ra với gần 1.400 học sinh, sinh viên khóa mới (trong đó có trên 1.000 sinh viên CĐ và 384 học sinh TC, học song bằng). Bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết thời gian qua, nhà trường đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, có kỹ năng tay nghề cao cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên cả nước như Vinfast, Daikin, Viettel, Samsung và nhiều công ty, doanh nghiệp khu vực phía Bắc phục vụ cho phát triển Thủ đô và đất nước… Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho chiến lược đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đào tạo gắn với doanh nghiệp được nhà trường đặt ra là đúng đắn và được người học tin tưởng lựa chọn.
Theo bà Hường, ở những lớp chất lượng cao, nhà trường phối hợp rất chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, thực hành. Đây gần như là những lớp đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Do vậy, hệ thống máy móc cũng được đầu tư hiện đại, tương đồng với dây chuyền thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, trong 70% khối lượng đào tạo là thực hành, sinh viên cũng được thực tập làm việc từ rất sớm tại doanh nghiệp nên sau khi ra trường có thể làm việc được ngay mà không cần đào tạo lại. “Xác định doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt là hoàn toàn chính xác” - bà Hường nhấn mạnh.
Kinh nghiệm từ các cơ sở GDNN để tuyển sinh đạt hiệu quả đó là bên cạnh giải pháp gắn kết với doanh nghiệp và thị trường lao động thì đội ngũ nhà giáo (giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý GDNN) được coi là chìa khóa then chốt, đóng vai trò quyết định để nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường CĐ nghề trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hiện nay, cả nước có 1.909 cơ sở GDNN với 83.959 giảng viên, giáo viên dạy nghề. Bên cạnh việc phấn đấu đạt chuẩn và vượt chuẩn đặt ra về trình độ đào tạo, đạt chuẩn chức danh nghề theo quy định... các trường đặc biệt chú trọng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, phương pháp dạy học hiện đại, tích hợp các kỹ năng cốt lõi mà thế kỷ 21 đòi hỏi cùng kỹ năng mềm, kỹ năng số, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp. Đồng thời xây dựng và triển khai cơ chế định kỳ thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng năng lực để thầy cô không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn giỏi thực hành, trở thành chuyên gia trong ngành nghề của mình.