Chú trọng bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng đội ngũ cán bộ nữ
Sáng 1/11, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Yên Bái.
Tiếp và làm việc với đoàn có bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Yên Bái, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh.
Báo cáo của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Yên Bái cho biết, những năm qua, Ban và các sở, ngành đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cụ thể hóa, ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, đoàn thể và các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành trên 230 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện các kế hoạch, đề án, hoạt động góp phần thực hiện Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Ngoài các hoạt động truyền thông, tập huấn do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện, đã có 9/9 huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Thánh hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Cung cấp các dịch vụ về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Yên Bái tiếp tục duy trì mô hình “Địa chỉ tin cậy- Nhà tạm lánh” tại phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ; duy trì hoạt động đường dây nóng 18001776 của tỉnh bảo vệ phụ nữ và trẻ em (miễn phí) đặt tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội. Đến nay, 100% các xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có địa chỉ tin cậy.
Cùng với đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, có sự phát triển về cả số lượng và chất lượng. Vai trò, vị trí của phụ nữ trong hệ thống chính trị, gia đình và xã hội từng bước được khẳng định.
Tại buổi làm việc các đại biểu đã thảo luận, làm rõ kết quả đạt được cũng như chia sẻ kinh nghiệm về những cách làm sáng tạo, mô hình hay trong công tác thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tỉnh Yên Bái đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tăng cường bố trí nguồn lực ưu tiên hỗ trợ ngân sách từ Trung ương cho địa phương; quan tâm hướng dẫn và hỗ trợ việc xây dựng mô hình thúc đẩy bình đẳng giới đặc thù theo vùng, miền, dân tộc để triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, trong thời gian tới lãnh đạo tỉnh Yên Bái quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với công tác bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực, chủ động thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới mà trọng tâm là: Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thông báo kết luận của Ban Bí thư về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030…
Cùng với đó, cần quan tâm, bố trí nguồn lực tiếp tục triển khai và cam kết duy trì các mô hình về bình đẳng giới nhằm hỗ trợ thúc đẩy phụ nữ trong các lĩnh vực. Đặc biệt chú trọng hơn nữa tới công tác bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát huy năng lực của mình.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng đề nghị, tỉnh Yên Bái quan tâm thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và triển khai chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cho các cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân. Đa dạng các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng để phát huy hiệu quả công tác truyền thông, đặc biệt là việc thu hút sự tham gia của nam giới vào các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.