Tuyển sinh kéo dài: Kế hoạch năm học mới của trường đại học có bị ảnh hưởng?
Thời gian tuyển sinh năm nay kéo dài gần 1 tháng, làm ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch tổ chức đào tạo, hoạt động đầu khóa của nhiều trường đại học.
Công tác tuyển sinh, đào tạo bị ảnh hưởng
Mùa tuyển sinh năm 2022 tới thời điểm này cơ bản đã hoàn tất. Năm nay là năm hoạt động tuyển sinh có nhiều điều chỉnh về mặt kỹ thuật để hướng đến minh bạch hóa và đảm bảo công bằng cao nhất cho thí sinh.
Nhìn lại công tác tuyển sinh năm 2022, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, về tổng thể, công tác tuyển sinh năm 2022 có những điều chỉnh tích cực, đặc biệt là sự chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ. Việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến không chỉ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm thiểu số lượng thí sinh ảo mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó đảm bảo việc minh bạch hóa công tác tuyển sinh của cả hệ thống.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, quá trình triển khai công tác tuyển sinh năm 2022 cũng đã giúp phát hiện những vấn đề còn bất cập trong thực tiễn. Ví dụ như: Có trường tổ chức xét tuyển sớm theo học bạ dành tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ quá nhiều; có trường không chủ động xác định được số lượng thí sinh nhập học dẫn đến vượt chỉ tiêu, vì vượt chỉ tiêu nên phải giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, dẫn tới điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng.
Về công tác tuyển sinh năm nay, các trường đại học cũng đánh giá nhiều điều chỉnh tích cực. Tuy nhiên, có bất ổn là năm nay thời gian tuyển sinh kéo dài gần 1 tháng, làm ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch tổ chức đào tạo của một số trường đại học.
Năm nay, theo quy định của Bộ GDĐT, tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh của đợt xét tuyển đợt 1 sẽ được đăng ký và ghi nhận vào Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Việc đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh được thực hiện trong một đợt thay vì nhiều đợt như trước đây.
Thời điểm này, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã khai giảng năm học 2022-2023 từ ngày 6/10. TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, do nắm rõ quy định về các mốc thời gian tuyển sinh năm nay nên nhà trường đã chủ động sắp xếp thời gian khai giảng, triển khai kế hoạch giảng dạy năm học mới phù hợp.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng cho rằng, thời gian đăng ký nguyện vọng trong khoảng 1 tháng là quá dài, dễ khiến thí sinh dao động với các lựa chọn của mình.
Về phía các cơ sở đào tạo, thời gian tuyển sinh kéo dài khiến các trường phải chờ đợi, thực hiện theo đúng quy định của Bộ. Bên cạnh đó, việc thí sinh dao động với các lựa chọn của mình cũng làm ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh của các trường đại học.
Cần lộ trình tuyển sinh sớm
Do công tác tuyển sinh kéo dài cũng kéo theo kế hoạch đào tạo của nhiều trường đại học phải có sự điều chỉnh. Theo ghi nhận của phóng viên, tới thời điểm này, không ít trường đại học chưa chốt thời gian tổ chức lễ khai giảng năm học mới.
Trao đổi về vấn đề này, ThS Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng kéo dài cả tháng. Điều này đã ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch đào tạo, hoạt động đầu khóa của các trường đại học.
Bên cạnh đó, nhiều trường tổ chức khai giảng muộn, bị động trong kế hoạch đào tạo, đặc biệt có trường gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Cụ thể tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh, ông Nguyên cho biết, căn cứ lộ trình kế hoạch xét tuyển, nhập học do Bộ GDĐT quy định, Trường Đại học kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, không để xảy ra sự xáo trộn hoặc ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng đào tạo của nhà trường. Tân sinh viên của trường học chính thức từ ngày 3/10/2022.
Theo thống kê, năm nay thí sinh nhập học vào trường đạt mức điểm khá cao. Số lượng thí sinh có mức điểm từ 21 đến 22 điểm trở lên chiếm hơn 70%/tổng sinh viên nhập học. Số thí sinh đạt chứng chỉ Tiếng Anh IELTS 7.0, IELTS 8.0 cũng tăng; số thí sinh đạt IELTS 6.0 trở lên chiếm khoảng 20%/tổng số sinh viên nhập học.
Năm nay, nhà trường chú trọng đầu tư mạnh về cơ sở vật chất hiện đại, chương trình đào tạo tiên tiến, đội ngũ giáo viên chất lượng, gắn kết với thực tiễn hoạt động doanh nghiệp, trang bị cho sinh viên nhiều kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, ngoại ngữ...
Tuy nhiên, ông Nguyên cho biết, mặc dù kế hoạch đào tạo chung của trường không bị ảnh hưởng nhưng nội dung tổ chức kiểm tra tiếng Anh và mở lớp tiếng Anh dự bị miễn phí như những năm trước nhà trường không thực hiện kịp trong thời gian thí sinh nhập học. Bên cạnh đó, thời gian sinh hoạt đầu khóa cũng ngắn hơn mọi năm.
“Thực tế, chỉ cần các trường biết lộ trình kế hoạch tuyển sinh của Bộ GDĐT sớm hơn thì sẽ chủ động có kế hoạch đào tạo và hoạt động sinh hoạt đầu khóa phụ hợp”, TS Phạm Doãn Nguyên cho hay.