Chi phí tăng cao, nhà thầu xây dựng bi quan

Lê Trang (tổng hợp) 03/11/2022 06:50

Hồi phục sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chi phí nhân công, vật liệu, tài chính ở mức cao khiến doanh nghiệp xây dựng tiếp tục gặp khó khăn trong quý III năm nay.

Báo cáo tài chính quý III/2022 của Công ty CP Xây dựng Coteccons cho thấy, doanh thu tăng gấp gần 3 lần quý III năm ngoái, đạt 3.113 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại giảm từ 1,57% xuống còn 1,05% khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 32,8 tỷ đồng.

Coteccons cho biết, giá nhân công và nguyên vật liệu tăng cao cùng với việc Ban điều hành chủ động đánh giá và trích lập dự phòng đối với các dự án có rủi ro cao là nguyên nhân khiến biên lãi gộp giảm.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp tăng cao khiến Coteccons ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 36,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 8,2 tỷ đồng.

Nhờ ghi nhận khoản thu nhập khác 41,4 tỷ đồng, con số lỗ trước thuế quý III/2022 của “ông lớn” ngành xây dựng này còn khoảng 3 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Coteccons ghi nhận 8.306 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 34,2% và 8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chưa bằng 1/10 con số thực hiện cùng kỳ năm ngoái (116,8 tỷ đồng).

Một số doanh nghiệp khác trong top 10 nhà thầu xây dựng uy tín năm 2022 do Vietnam Report công bố như: Công ty CP Hưng Thịnh Incons, Công ty CP FECON… cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý III/2022.

Đối với Hưng Thịnh Incons, doanh thu quý III tăng tới 53,8% lên 1.004 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ bằng 1/5 cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,7 tỷ đồng.

Đối với FECON, doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý III đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu chỉ đạt 664,2 tỷ đồng, giảm 23,5%; lợi nhuận trước thuế vỏn vẹn 4,7 tỷ đồng, giảm tới 80%.

Một doanh nghiệp lớn khác trong lĩnh vực xây dựng dân dụng là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2022 tương đối khả quan với 3.778 tỷ đồng doanh thu (tăng 80,5% so với quý III/2021) và 25,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 65,5%).

9 tháng đầu năm, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt ở mức 10.904 tỷ đồng và 113 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 44,7% và 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, sức khỏe tài chính của Xây dựng Hòa Bình lại cho thấy nhiều gam màu xám với dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.331 tỷ đồng do các khoản phải thu tăng thêm 1.823 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Bên cạnh đó, kinh doanh không thu được tiền mặt cũng khiến nợ phải trả của Xây dựng Hòa Bình phình to thêm 2.393 tỷ đồng, lên mức 14.913 tỷ đồng, gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay tăng thêm 1.465,6 tỷ đồng, thành 6.563 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình giảm trên 30%, từ mức 32.400 đồng vào đầu năm, xuống quanh mức 10.200 đồng/cổ phiếu.

Theo khảo sát hàng quý với 6.799 doanh nghiệp ngành xây dựng được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê, trong quý vừa qua, tình hình kinh tế - chính trị thế giới phức tạp, khó lường khiến giá xăng dầu thế giới và trong nước tăng cao.

Có những thời điểm giá xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá nguyên vật liệu đầu vào, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

Cũng theo khảo sát trên, dự báo về triển vọng kinh doanh quý IV/2022 so với quý trước đó, có tới 38,9% số doanh nghiệp ngành xây dựng tham gia khảo sát nhận định tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn, 35% số doanh nghiệp cho rằng giữ ổn định và 26,1% số doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách bình ổn giá và bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, đồng thời giảm bớt các điều kiện, thủ tục trong vay vốn và giảm lãi suất cho vay.

Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt đối với chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn kinh doanh; giải ngân vốn và bổ sung vốn kịp thời cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Lê Trang (tổng hợp)