Điểm sáng trong cuộc khủng hoảng năng lượng

Hà Anh 03/11/2022 07:00

Theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu trên toàn thế giới đối với mọi loại nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh trong tương lai gần. Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có khả năng làm tăng tốc hơn là làm chậm quá trình chuyển đổi toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch và hướng tới các công nghệ sạch hơn.

Khủng hoảng năng lượng đang góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Ảnh: NYTimes.

Thúc đẩy năng lượng sạch

Lý do chính khiến dự báo lượng khí thải sẽ sớm đạt đỉnh là nhiều quốc gia đang phản ứng với việc giá nhiên liệu hóa thạch tăng vọt vào năm 2022 bằng cách sử dụng tuabin gió, tấm pin mặt trời, nhà máy điện hạt nhân, nhiên liệu hydro, xe điện và máy bơm nhiệt điện.

Tại Mỹ, Quốc hội đã thông qua hơn 370 tỷ USD chi tiêu cho các công nghệ sạch. Nhật Bản cũng đang theo đuổi một chương trình “chuyển đổi xanh” mới sẽ giúp tài trợ cho năng lượng hạt nhân, hydro và các công nghệ phát thải thấp khác. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đều đã tăng cường các mục tiêu quốc gia về năng lượng tái tạo và điện hạt nhân.

Dựa trên các chính sách hiện hành của các quốc gia, việc sử dụng than toàn cầu dự kiến sẽ bắt đầu giảm trong vài năm tới, nhu cầu khí đốt tự nhiên có khả năng đạt mức cao vào cuối thập kỷ này và việc sử dụng dầu dự kiến sẽ chững lại ở giữa những năm 2030. Trong khi đó, đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch hiện dự kiến sẽ tăng từ 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022 lên hơn 2 nghìn tỷ USD (2,81 nghìn tỷ USD) hàng năm vào năm 2030, một sự thay đổi đáng kể.

Tiến sĩ Fatih Birol - Giám đốc Điều hành của IEA - cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Đáng chú ý là nhiều mục tiêu năng lượng sạch mới không được đưa ra chỉ vì lý do biến đổi khí hậu. Rất nhiều quốc gia muốn trở thành người dẫn đầu trong các ngành công nghiệp năng lượng trong tương lai với các động lực lớn là an ninh năng lượng cũng như chính sách công nghiệp”.

IEA ước tính, các chính sách năng lượng hiện tại đưa thế giới đi đúng hướng để đạt mức phát thải carbon dioxide cao nhất vào năm 2025 và ấm lên khoảng 2,5 độ C vào năm 2100 so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Điều đó phù hợp với các dự báo riêng biệt được Liên hợp quốc đưa ra tuần trước, trong đó đã tính đến cả những lời hứa của các quốc gia về việc giải quyết lượng khí thải nhà kính.

Ngược lại, nhiều nhà lãnh đạo thế giới hy vọng hạn chế sự nóng lên trung bình của trái đất ở mức khoảng 1,5 độ C để tránh một số rủi ro nghiêm trọng và không thể đảo ngược từ biến đổi khí hậu, chẳng hạn như mất mùa trên diện rộng hoặc hệ sinh thái sụp đổ. Các nhà khoa học cho biết, điều đó sẽ đòi hỏi việc cắt giảm lượng khí nhà kính mạnh hơn nhiều, để lượng khí thải không đạt đỉnh trong vài năm tới mà giảm gần một nửa vào cuối thập kỷ này.

Tiến sĩ Birol cho biết: “Nếu muốn đạt được các mục tiêu khí hậu tham vọng hơn, chúng ta cần phải có khoảng 4 nghìn tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch vào năm 2030, hoặc gấp đôi những gì IEA hiện đang dự kiến”.

Vẫn cần tăng tốc

Vào năm 2022, lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch dự kiến sẽ tăng khoảng 1% và đạt mức cao kỷ lục, một phần là do sự gia tăng sử dụng than ở châu Âu, nơi các quốc gia đang tìm mọi nguồn cung thay thế lượng khí đốt từ Nga. Than là chất gây ô nhiễm nhất trong tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, đó là một mức tăng nhỏ hơn nhiều so với những gì mà một số nhà phân tích đã lo ngại ngày từ khi xung đột ở Ukraine bắt đầu. IEA cho biết, sự gia tăng lượng khí thải sẽ lớn gấp 3 lần nếu thế giới không triển khai nhanh các tuabin gió, tấm pin mặt trời và xe điện trên toàn thế giới. Giá năng lượng tăng cao và tăng trưởng kinh tế yếu ở châu Âu và Trung Quốc cũng góp phần làm giảm lượng khí thải.

Và sự gia tăng sử dụng than gần đây có thể chỉ là thoáng qua bởi các quốc gia châu Âu hiện đang có kế hoạch lắp đặt khoảng 50 gigawatt năng lượng tái tạo vào năm 2023, quá đủ để thay thế sự gia tăng sản xuất than vào năm 2022. Và trên toàn cầu, cơ quan này không kỳ vọng đầu tư vào các nhà máy than mới sẽ tăng vượt mức dự kiến.

Mặc dù cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại được cho là sẽ mang lại lợi ích cho các công nghệ sạch hơn trong thời gian dài, nhưng nó cũng gây ra một hậu quả đau lòng hiện nay.

Các chính phủ trên thế giới đã cam kết bỏ ra khoảng 500 tỷ USD vào năm 2022 để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá năng lượng tăng cao. Và trong khi các quốc gia châu Âu dường như có đủ lượng khí đốt tự nhiên dự trữ để vượt qua một mùa đông năm 2022 một cách nhẹ nhàng, báo cáo cảnh báo rằng, mùa đông tới ở châu Âu có thể sẽ khó khăn hơn khi lượng dự trữ giảm và các nguồn cung cấp mới để thay thế khí đốt của Nga, chẳng hạn như các lô hàng tăng từ Mỹ hoặc Qatar, chậm được đưa vào trực tuyến.

Tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở các nước đang phát triển như Pakistan và Bangladesh, những nước đang phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng do việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng được chuyển hướng sang châu Âu. Báo cáo cho biết, gần 75 triệu người trên thế giới đã được tiếp cận với điện có khả năng mất điện trong năm nay.

Bên cạnh đó, vẫn có khả năng giá năng lượng tăng cao có thể gây ra bất ổn xã hội và tác động ngược trở lại chính sách khí hậu và năng lượng sạch ở một số quốc gia.

IEA cho biết, việc chuyển hướng sang các nguồn năng lượng sạch vẫn chưa diễn ra mạnh, trừ khi các chính phủ có hành động mạnh mẽ hơn nhiều để giảm lượng khí thải carbon dioxide đang làm ấm hành tinh trong vài năm tới.

Hà Anh