Đừng chủ quan khi bị chó mèo cắn

Đức Trân 03/11/2022 07:03

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận một trường hợp tử vong vì bệnh dại.

Tiêm vaccine phòng dại cho động vật là cách tốt nhất để ngăn chặn bệnh dại. Ảnh: TTXVN.

Cụ thể, bệnh nhân nam, 50 tuổi, địa chỉ Yên Nội, Vạn Yên, Mê Linh, Hà Nội. Theo người nhà bệnh nhân, trong vòng 2 tháng nay bệnh nhân tham gia giết mổ chó cùng một số người họ hàng trong thôn (2 con chó đều khỏe mạnh được nuôi hơn 5 tháng trong thôn, không được tiêm phòng), không rõ có bị cắn hay vết thương khi mổ chó.

Bệnh nhân chưa tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại. Cách đây vài ngày, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt (không rõ nhiệt độ), mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng kèm cảm giác khó thở. 2 ngày sau, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Mê Linh khám, được test cúm B, trong quá trình điều trị bệnh nhân kích thích, nói nhảm, không hợp tác.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân vào điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng kích thích vật vã, nôn khan nhiều, tim loạn nhịp, co thắt khi uống nước hoặc quạt gió.

Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (nước bọt, dịch não tủy, mảnh sinh thiết da gáy) gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Bệnh nhân tử vong lúc 19h20 phút cùng ngày và được gia đình làm thủ tục đưa về quê mai táng. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương chỉ ra rằng, bệnh nhân dương tính virus dại.

Theo thống kê của CDC Hà Nội, trong năm 2022, thành phố đã ghi nhận 2 ca mắc bệnh dại và đều tử vong. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2021, Hà Nội chỉ ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Theo một báo cáo mới đây của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế địa phương, tính từ đầu năm, cả nước ghi nhận 41 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (12 ca), Kiên Giang (5 ca) và Gia Lai (4 ca).

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM, một trong những nguyên nhân khiến bệnh dại có chiều hướng tăng là do nhận thức của người dân về căn bệnh này còn hạn chế, bên cạnh đó, có các nguyên nhân khác như việc quản lý đàn chó còn lỏng lẻo, tỷ lệ tiêm vaccine dại trên chó thấp…

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 - 70.000 người và hàng triệu loài động vật. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).

Nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại vi khuẩn có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác. Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương. Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Đáng lo ngại, theo đánh giá từ Bộ Y tế, tỷ lệ bệnh nhân tử vong khi lên cơn dại hầu như là 100%. Tuy nhiên, người dân vẫn rất chủ quan và ngộ nhận về bệnh dại cũng như vaccine phòng dại. Khi bị động vật, đặc biệt là chó cắn, vẫn còn nhiều nạn nhân không đi tiêm vaccine phòng dại, một số người chỉ đi “lấy nọc” theo phương pháp dân gian.

Đơn cử trường hợp chị T. (35 tuổi, Cao Bằng) đã tử vong sau 2 ngày lên cơn dại. Theo gia đình chị T., chị có mua một con chó về làm thịt, không may bị chó cắn vào cẳng chân phải. Vết cắn nông, chảy ít máu. Nghe lời mách bảo, chị T. nhờ chồng đưa tới nhà ông lang thử chó dại. Thầy lang nói chị T. không bị dại.

Do tin lời thầy lang và lo sợ nếu tiêm phòng vaccine dại sẽ không có sữa cho con bú nên chị T. đã từ chối và nhảy khỏi xe máy của chồng khi đang trên đường đi tiêm phòng.

Hơn 10 ngày trước khi mất, chị T. bị đau chân, chóng mặt, buồn nôn và lên cơn co giật. Khi đưa chị T. lên bệnh viện địa phương, các bác sĩ cho biết dấu hiện của chị T. là dấu hiệu lên cơn dại. Sau khi xuất hiện triệu chứng co giật do bị nhiễm virus dại 2 ngày, chị T. đã tử vong.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, không như những virus khác đi theo đường máu, virus dại đi theo dây thần kinh tấn công lên thần kinh trung ương, ngăn chặn hoạt động của hệ thần kinh xuống cơ thể khiến người bệnh tắc thở và tử vong. Một khi bệnh bộc phát là không còn cách nào cứu được. Đã từng có bệnh nhân phát bệnh dại sau 2-3 năm, lúc đó hoàn toàn quên mình đã từng bị chó cắn hay mèo cào.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM, thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh dại là do người bệnh không đi tiêm vaccine phòng ngừa sau khi bị cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương. Nhiều người nghĩ chó, mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao hoặc theo dõi động vật cắn trước, nếu nó có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Đây là các quan niệm không đúng vì tiêm ngừa dại đặc biệt cần thiết, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị cắn, nhất là những trường hợp bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ… Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng thuốc đông y, đi lấy nọc là những biện pháp sai lầm, nguy hiểm, dẫn đến tử vong.

Đức Trân