Vụ 3 người con gái đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên: Góc nhìn pháp lý và đạo đức
Khoảng 9h30 ngày 30/10, tại thôn Thiên Lộc (xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) xảy ra vụ cháy: 3 người con gái của bà Đ. (62 tuổi) đã dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ, khiến 4 người bị bỏng nặng phải cấp cứu tại bệnh viện. Hiện cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý và đạo đức thì đây là sự việc rất đáng quan tâm và rất đau lòng.
Nguyên nhân được cho là khi người cha mất (ông Đ.Đ.Đ., sinh năm 1963) không để lại di chúc thừa kế; người mẹ (bà V.T.Đ.) không chia phần đất ngoài mặt đường cho con gái, mà cho con trai, người sống cùng bà.
Theo lãnh đạo xã Trung Hòa, kể từ năm 2020 con gái thứ 3 của bà Đ. đã đi kiện và xã cũng đã 3 lần tiến hành hòa giải, nhưng bất thành. Tuy nhiên, việc 3 người con gái mang xăng tới đốt nhà mẹ đẻ là hết sức bất ngờ và khủng khiếp.
Được biết, tài sản sau khi người cha qua đời để lại gồm 2 mảnh đất: mảnh thứ nhất ở trong ngõ, cách đường trục chính của làng khoảng 200m, có nhà cấp 4. Mảnh thứ hai sát mặt đường chính của làng, nay đã xây nhà 2 tầng bà Đ. và con trai ở.
Cả 3 chị em gái đều đã có gia đình riêng, có con và theo chồng.
Đến tháng 4/2022 trong lần hòa giải thứ 3, bà Đ. nêu quan điểm: gia đình có 2 thửa đất thì thửa đất hiện tại (ở sát mặt đường) bà và con trai đang ở, nếu sau này bà mất đi sẽ để lại cho con trai thờ cúng. Còn thửa đất phía trong bà sẵn sàng cho 3 cô con gái.
Nhưng người con gái thứ 3 không đồng ý nhận thửa đất phía trong và bày tỏ mong muốn mẹ chia thửa đất phía ngoài cho 3 chị em để còn kinh doanh, sinh sống.
Theo Luật sư Đinh Thị Nguyên, đây là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng. Nếu hành vi đổ xăng đốt nhà có thể dẫn đến chết người hoặc để thực hiện hành vi giết người, cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 để tiến hành điều tra, xử lý những người vi phạm theo quy định của pháp luật; kể cả trong trường hợp nạn nhân không chết do được cấp cứu kịp thời.
Luật sư Nguyên cũng cho rằng, trường hợp không đủ căn cứ xử lý hình sự về tội “giết người”, cơ quan điều tra vẫn có thể xử lý những người thực hiện hành vi về tội “cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 hoặc tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự.
“Nếu vì mâu thuẫn tranh chấp đất đai mà 3 người con gái đổ xăng đốt nhà để sát hại mẹ đẻ của mình, thì đây là hành vi rất tàn nhẫn, cần phải lên án, hành vi này sẽ được xác định là vì động cơ đê hèn. Dù là nguyên nhân gì chăng nữa, hành vi này cũng là hành vi không thể chấp nhận được” - Luật sư Nguyên nêu quan điểm.
Cũng từ việc này, câu hỏi đặt ra là việc tặng cho tài sản được pháp luật quy định thế nào?
Theo quy định tại Điều 457 Bộ luật Dân sự, tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho. Việc tặng cho tài sản theo nguyên tắc tự nguyện, người có tài sản thực hiện ý chí và mong muốn tặng cho ai, tặng cho giá trị bao nhiêu hoặc không tặng cho ai… đó hoàn toàn là quyền và ý chí quyết định của người tặng cho, không bị chi phối ảnh hưởng bởi người được tặng cho.
Như vậy, trong trường hợp nêu trên, căn cứ vào các quy định của pháp luật, người mẹ (bà Đ.) cho con trai đất mặt đường, con gái được chia đều đất trong ngõ là quyền của người mẹ, những người con không có quyền can thiệp.
Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, tranh chấp phát sinh, người tặng cho tài sản có thể tặng cho tài sản có điều kiện theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể người tặng (người có tài sản) hoàn toàn có quyền yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ, thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.