Mẹ, người truyền cảm hứng sống
Mỗi khi nghĩ về mẹ, tôi nghĩ đến sự tảo tần của một người hy sinh hết thảy cho các con. Thế gian này ai cũng có mẹ. Mẹ như cánh cò, tìm bới trong bão gió, trong mưa sa rét mướt để kiếm mồi nuôi con. Mẹ là người truyền cảm hứng sống cho mỗi đứa con lúc yếu lòng hay bị tổn thương trước cuộc đời.
1.Mỗi người đều có một cảm nghiệm về mẹ khác nhau. Nhưng mỗi bà mẹ đều chất chứa trong tâm hồn sự nhân từ đối với con cái. Lòng bao dung của mẹ, dù nói thế nào cũng không đủ và hết cả cuộc đời này không trả hết ơn.
Chỉ một tiếng ngắn gọn thôi: “mẹ”, vậy mà gợi lên cả một miền thương mến. Âm vọng của tiếng mẹ gợi lên tình mẫu tử thiêng liêng nhất trên cõi đời. Mẹ tôi là người đã mang nặng đẻ đau để có anh em chúng tôi trên cõi đời này. Nhưng mẹ đâu chỉ cho tôi có mặt trên cõi đời. Ngoài ân huệ đó, mẹ còn nuôi nấng thể xác và tâm hồn tôi, lau khô cho tôi những giọt mồ hôi cũng như nước mắt đầu đời. Mẹ cũng mớm vào miệng tôi những nụ ngay từ tấm bé, như hoa, như ngọc, như mọi đứa trẻ được mẹ mớm nựng sự yêu thương trìu mến.
…mỗi khi nghĩ về mẹ, tôi thường nhớ tới căn bếp. Bếp bao giờ cũng gắn với hình ảnh của mẹ, lui cui nhỏ bé mà đượm yêu thương. Như là từ thuở cha ông, căn bếp đã dành cho người phụ nữ, chăm chồng, chăm con, thể hiện đức hạnh và tâm hồn phụ nữ truyền thống. Đó không chỉ là sự tảo tần, hy sinh, mà còn là thiên chức.
Nghĩ về mẹ, tôi cũng nghĩ về bầu sữa ngọt lành từ lúc chào đời tôi đã được nuôi dưỡng. Và cho đến mãi sau này, bầu sữa ấy, trở thành một siêu biểu tượng trong tâm hồn tôi, nuôi dưỡng khát khao và bồi đắp nghị lực cho tôi trên mọi nẻo đường đời. Sẽ thiệt thòi biết bao nếu mỗi ai thiếu vắng bàn tay săn sóc của mẹ. Ai cũng có mẹ sinh ra, và đa số được lớn lên trong bàn tay âu yếm của mẹ.
Tôi lại nhớ bài thơ “Mẹ” của Trần Quốc Minh, ông nói hộ hết cho những người yêu mẹ. Bài thơ có đoạn: “…Lời ru có gió mùa Thu / Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về / Những ngôi sao thức ngoài kia / Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con / Đêm nay con ngủ giấc tròn / Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”.
Mẹ của Trần Quốc Minh là hình ảnh chung của tất cả những người mẹ khác. Là đại diện của vẻ đẹp và trìu mến. Của nhân từ và vị tha. Của vĩ đại và cao cả. Đọc những câu thơ đó, tôi hiểu là tác giả đã vắt kiệt quả tim nóng hổi của mình, để chưng cất thành tứ thơ nhuần nhị về mẹ, một ngọn gió vĩnh cửu, mát rượi, như là mẹ sinh ra để ban phúc lành cho con. Như cuộc đời mẹ có bao nhiêu sự dịu dàng, no đủ thì dành hết cho con. Tác giả đã nói hộ biết bao người con, dù rất yêu mẹ mà không có cách nào diễn tả.
2.Tháng này, cái lạnh đã thấm vào vạt áo, len lỏi trong hơi thở gấp gáp. Tôi về đồng với mẹ. Mẹ vẫn luôn làm việc trên những cánh đồng, khuôn mặt làm ấm mùa đông, bàn tay làm giàu có cánh đồng quê hương. Mẹ cùng với cả trăm nghìn người mẹ khác, cùng ngàn vạn người phụ nữ, người con gái khác.
Cứ làm xanh cho đồng, cho những mùa tốt tươi và mẹ lại già, những người mẹ khác cũng già. Như thể tuổi trẻ đã vặn mình, chắt chiu tất cả nhựa sống và sức lực, mà làm nên những hạt thóc chắc mẩy trong vụ mùa nắng ruộm vừa qua. Những thửa ruộng nằm nghỉ ngơi. Những chú trâu đi cày vỡ đất, làm ải, để khi đông qua xuân tới, những bàn tay lam lũ lại ra đồng, mang cả nụ cười và những vành trăng trên má lúm, mà cấy cho xanh đồng. Mùa đông này mẹ bước sang tuổi bảy mươi. Cái tuổi đúng ra đã được nghỉ ngơi, và con cháu giục mẹ nghỉ ngơi thôi. Nhưng mẹ vẫn gắng gỏi chắt chiu công sức mình, như thể mẹ muốn cống hiến mãi chút sức lực tuổi già ấy. Gió đồng mừng tuổi mẹ. Sắc diệp lục mừng tuổi mẹ.
Những con đường nhỏ dẫn ra đồng bàng bạc hơi sương. Con nghe chân mình vướng vào một bài hát cũ, nhớ lại một câu chuyện đã theo suốt đời con. Ngày bé, mẹ thường gọi con là “cu Bi”. Một hôm mẹ hỏi: “Cu Bi có yêu cánh đồng?". Con trả lời: “Con yêu mẹ, nên yêu cánh đồng”. Mẹ nhắc lại: “Thế không yêu mẹ thì có yêu cánh đồng không?”.
Con chỉ cười. Rồi mẹ đã chia cho con một khoảnh đất, để con tự chăm những cái cây, chăm chút cho màu xanh tuổi nhỏ của mình. Vâng, đầu tiên là vạt đậu tương. Con tự gieo cùng với thời gian mẹ gieo trồng. Con chăm chút cho khoảnh đất gieo đậu đó và dường như, dành tất cả khả năng chắt chiu và tình yêu cây của một đứa trẻ mười tuổi cho nó. Đậu tương lớn như những cái cây mẹ đã gieo trồng. Đậu tương cho quả sai và theo mùa, được thu hoạch đại trà. Mẹ vui lắm, nhưng niềm vui của tôi còn được nhân lên gấp đôi. Mẹ đã dạy tôi bài học phải vun trồng cho cây, cho cuộc sống.
Cánh đồng mùa đông màu xanh dìu dịu, hơi thở nằng nặng, cánh chim bay như trĩu cả góc chiều. Kìa bóng mẹ, dáng mẹ, vẫn nhỏ nhoi, nhưng lồng lộng một tình yêu. Hình như mẹ sẽ gieo thêm màu xanh, trong bóng tuổi già in hằn những vết thời gian nặng nhọc. Và con hiểu, có một bài học sẽ theo con suốt cuộc đời, là khi gieo tình yêu thương, chúng ta sẽ gặt được lòng nhân ái vị tha.
3.Những tháng năm xa quê, học hành, lập nghiệp, mỗi khi nghĩ về mẹ, tôi thường nhớ tới căn bếp. Bếp bao giờ cũng gắn với hình ảnh của mẹ, lui cui nhỏ bé mà đượm yêu thương. Như là từ thuở cha ông, căn bếp đã dành cho người phụ nữ, chăm chồng, chăm con, thể hiện đức hạnh và tâm hồn phụ nữ truyền thống. Đó không chỉ là sự tảo tần, hy sinh, mà còn là thiên chức. Dù bếp to hay bé, được dựng riêng biệt hay được ngăn ra từ một chái nhà, thì bếp vẫn là một góc sinh hoạt sinh động và thể hiện sâu sắc nhất sự tảo tần của mẹ. Người mẹ luôn là người gìn giữ, thắp ngọn lửa trong căn bếp ấy.
Vào mùa đông căn bếp vô cùng quan trọng, bởi các thành viên thường quần tụ, vừa nấu cơm vừa sưởi ấm. Có khi mâm cơm được dọn ra ngay trong căn bếp đó. Bọn trẻ chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu của mẹ dành cho cha, của cha mẹ dành cho chúng tôi, và cảm thấy hương của mùa quyện trong tình yêu của mỗi thành viên dành cho nhau. Cũng trong căn bếp ấy, mẹ dạy anh em chúng tôi những bài học làm người, sống phải thật thà, lễ nghĩa, trên kính dưới nhường, rồi chịu khó học hành tấn tới.
Khi tôi và em gái lớn hơn một chút, có thể đỡ đần mẹ nhặt rau, bắc bếp, nhưng chẳng bao giờ thay thế được mẹ, như thể mẹ sinh ra là để làm ấm căn bếp và nâng niu những bữa ăn bé thơ. Bởi mẹ là người căn cơ, lúc nào cũng muốn chồng con được ăn ngon, ăn no. Tôi hạnh phúc vì điều đó và luôn hoài niệm về những ngày đông rét mướt, cả gia đình quây quần bên bếp lửa đun củi nồng đượm, ăn chung nồi ngô luộc, củ khoai nướng và ôn lại những chuyện ngày xửa ngày xưa…
Vâng, lại ngày xửa ngày xưa, những ngày đông rét mướt, nhưng đồng của mẹ tôi và những người mẹ khác vẫn xanh. Cuối đông hoa cải vàng rực đồng, vàng rực bến sông quê, con sông trăn trở nằm như ngẫm nghĩ về ngày rộng tháng dài, thì tôi và em gái vẫn thấy đồng rau của mẹ xanh. Mẹ sẽ lại gánh rau đi chợ sớm hôm để lấy tiền đong gạo, mua đồng quà tấm bánh, chắt chiu mua sách vở cho anh em tôi đi học. Tôi và em càng lớn thì mẹ càng già đi. Chỉ căn bếp là vẫn ấm đượm như thế, chẳng gì thay đổi.
Rồi con cái đi xa, mẹ vẫn nấu cơm cho cha ăn mỗi bữa và chờ các con. Dù sống ở phố xá, mỗi tháng tôi đều cố gắng về với mẹ một lần, để lại được nhặt nhạnh những cành củi ở vườn hồng cuối làng về đun để “học” lại tuổi thơ. Mẹ vui lắm, cứ luýnh quýnh cười, chỉ ra ngoài ngõ, bảo: “Em gái con mà cùng được về nấu bếp nữa thì tuyệt quá!”. Em gái tôi lấy chồng bên kia sông. Cũng làng quê gần thị trấn. Em và gia đình chồng bên ấy đã dùng bếp ga, bếp điện…
Mỗi chúng ta đều từng đi rất nhiều, nếm biết bao của ngon vật lạ, được nấu ở nhiều căn bếp khác nhau, đôi khi chúng ta vì chinh phục những thứ cao siêu mà quên mất những điều bình dị ở bên mình. Nhưng bếp mẹ luôn ấm và rộng lượng.
Mùa đông về bên mẹ, nghe bếp kể chuyện, nghe lời mẹ chuyện trò quyện cùng ngọn lửa của tin yêu, chúng ta sẽ lại trở về đúng con người thật của mình. Sống chậm lại và gần gũi hơn. Và lại thấy rằng, hạnh phúc đôi khi giản dị, là được về ăn bát cơm quê với mẹ, ngắm ngôi vườn, sưởi bàn tay bên bếp lửa ấm. Những điều đó sẽ hằn vào tim ta, truyền cảm hứng sống, động viên ta tử tế và rộng lượng với đời, với người.