Nhà thơ Trang Thanh: Ấm áp nghĩa tình đi qua mùa bão

Việt Quỳnh (thực hiện) 05/11/2022 05:55

Để đi qua mùa bão, với nhà thơ Trang Thanh: “Sự ấm áp nghĩa tình là điều con người hoàn toàn có thể cùng nhau tạo dựng và khi ta có ý thức nuôi dưỡng nguồn yêu thương thì yêu thương sẽ đến”.

Nhà thơ Trang Thanh.

Thưa chị, chị có thể chia sẻ kỷ niệm tuổi thơ của chị qua mỗi mùa mưa bão ở quê hương Nam Định? Trong ký ức của chị, có những hình ảnh nào đọng lại?

- Năm nào cũng có những trận bão quét qua vùng quê tôi, vì quê tôi là vùng chiêm trũng thuộc Hà Nam Ninh xưa, có vùng biển Hải Hậu gần kề, rồi vùng biển Thái Bình, Hải Phòng cũng không cách quê tôi quá xa, nếu bão vào Hải Phòng, Thái Bình là Nam Định sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Tôi nhớ nhất thì có ba trận bão lớn. Trận đầu là khi tôi chỉ bảy hay tám tuổi, đúng vào khi ông nội tôi mất, đưa ông ra đồng mồ yên mả ấm rồi thì đêm ấy bão lớn ập đến, mưa to gió giật khiến mít trong vườn nhà tôi rụng bụp bụp suốt đêm. Sáng ra, gió ngớt, mưa lớn xối xả, chị em tôi lõm bõm trong vườn bưng mít về xếp hai dãy trên thềm hè, ước chừng dăm chục quả. Hôm ấy là lễ cúng ba ngày ông nội tôi. Mưa nhiều khiến ngõ vườn ngập hết, tôi lội bì bõm trong ngõ và không may giẫm phải thủy tinh, bị thương ở chân. Vết thương sâu đến nỗi, cho đến 49 ngày ông tôi mà chưa lành, bây giờ chân tôi vẫn còn sẹo của vết thương ngày ấy.

Trận bão thứ hai là trận lớn nhất, ám ảnh nhất. Năm đó là 1985, tôi 11 tuổi. Gió giật lúc nửa đêm lớn đến nỗi nó lột hết cái nóc mái rạ nhà tôi. Nhà tôi lợp ngói một phần, riêng phần nóc vẫn dặm rạ. Trong nhà ướt như ngoài sân, hơn chục bao thóc phủ áo tơi, bao nilon được xếp thành hai hàng, làm thành cái “đường hào” còn đủ để tôi và bố khi đó ốm yếu, ngồi lọt vào, và mẹ tôi lấy cái thuyền tôn úp lên trên để che cho bố con tôi đỡ phần mưa xối. Cái thuyền tôn là mẹ tôi mới sắm được. Nhà huy động hết những gì có thể đựng nước để hứng giọt gianh lấy nước nấu ăn. Nước ngập sâu đến nỗi tôi ngồi bờ hè thả cả rá gạo xuống sân nước đục mà vo, đãi, sau cùng lấy ca múc nước mưa đổ tráng qua.

Nhờ cái thuyền tôn này mà trong lụt lội mẹ tôi chèo thuyền thả rọ cua trên đồng để lo cho cả nhà đi qua mùa bão.

Bên cạnh những khó khăn vất vả, người dân quê chị vẫn tìm được sự ấm áp yêu thương?

- Đúng vậy. Tôi nhớ từ buổi chiều mưa báo bão ấy, mẹ tôi chạy vội ra đồng bắt thêm giỏ cua để nhà có cái ăn ngày bão. Ở nhà thì cháu họ hàng xóm chạy sang giúp giằng chống mái bếp mái nhà, chống các cây chuối trong vườn. Đêm gió bão ấy, mẹ và các chị tôi mặc áo mưa, suốt đêm lo che chỗ này, chắn chỗ nọ. Tang tảng sáng, run cầm cập trong nhà mà ngửa mặt lên là trời vẫn mưa không ngớt, gió thì có dịu dần đi. Hàng xóm lại chạy đến, cùng cả nhà tôi cấp tập rút rạ chít thành từng đon nhỏ quăng lên mái nhà cho mấy cậu em họ dặm nóc. Mọi việc thật gấp rút vì mọi người đều biết sau khi gió ngưng thì mưa lớn sẽ có thể kéo dài. Quả nhiên, lúc sáng sớm là mưa lây rây, dặm xong nóc rạ, đến gần trưa thì mưa lớn dồn dập. Nước ở đâu dâng lên nhanh như lũ đến, loáng một chốc mà nước ngập hết vườn, ngõ rồi ngập trắng cả cái sân.

Nhà tôi vườn rộng, nhiều chuối, mít, bão đến là chuối đổ, mít rụng, mít và chuối xanh là chia cho mọi người trong xóm cùng ăn thay rau vì khi đó mưa ngập hết ruộng ao rau muống. Người quê vay nhau bơ gạo hay bát muối, nước mắm là chuyện bình thường trong lúc khó khăn. Nhà tôi không có anh em trai, bố lại ốm yếu nên những việc nặng như chặt cây, dọn vườn, lợp mái nhà… đều nhờ vào con cháu họ hàng trong xóm.

Sự ấm áp nghĩa tình là điều con người hoàn toàn có thể cùng nhau tạo dựng và khi ta có ý thức nuôi dưỡng nguồn yêu thương thì yêu thương sẽ đến.

Còn ở Hà Nội, giờ đây, khi mưa về, phố lại thành sông?

- Biến đổi khí hậu giờ đã rõ rệt, sự bất thường của thời tiết ngày càng khiến con người rơi vào thế bị động. Hà Nội là công trường xây dựng, những tưởng ngày càng hiện đại hơn thì hạ tầng sẽ tốt hơn, nhưng thực tế, càng những khu đô thị mới càng dễ úng ngập, và ngập lụt bây giờ thậm chí trở thành hiện trạng chung của thành phố sau những trận mưa lớn. Nếu con người xem nhẹ biến đổi khí hậu và không tính toán kỹ lưỡng trong kiến thiết đô thị thì úng ngập sẽ xảy ra ngày một nặng thêm.

Qua quan sát của chị, người dân đã biết cách hòa hợp với thiên nhiên như thế nào?

- Biến đổi khí hậu là một hành trình âm ỉ từ rất lâu, mà con người chắc chắn có can dự bằng những hành động can thiệp vào môi trường tự nhiên như xả khí thải ra môi trường trong quá trình sản xuất, chặt phá rừng, ngăn- nắn dòng nước, xây dựng các công trình hiện đại… Tuy nhiên, tôi quan sát thấy, qua những gì khốc liệt mà thiên tai gây ra gần đây, con người có phần đã hiểu ra vấn đề.

Ý thức về sống sạch, sống xanh, sống lành đã bắt đầu hình thành trong nhiều nhóm, cộng đồng người. Ở các khu đô thị, người dân đã biết giữ gìn không gian chung. Trên những con sông chảy quanh Hà Nội không thấy rác ngập ứ lên như những năm trước, chỉ còn vấn đề nước thải ô nhiễm thì cần phải được xử lý ở một quy mô khác.

Xưa kia các cụ có câu “thủy, hỏa, đạo, tặc”, tức nói thiên tai là mối nguy hiểm hàng đầu, không thể kiểm soát đối với con người. Bởi vậy nên con người phải học cách đối mặt với thiên tai. Câu “phòng chống bão lũ” nên được đổi thành “phòng tránh bão lũ”. Tránh tức là bao hàm sự chuẩn bị tinh thần, của cải để gia tăng sức mạnh đối phó. Con người hiểu rằng, dù sao vẫn phải cùng nhau chung sống, vượt lên hoàn cảnh ngặt nghèo, vì trên dải đất ấy, năm này qua năm khác, thiên tai chưa bao giờ buông tha con người. Vậy con người càng phải cùng chung sức mạnh để đối mặt với thiên tai.

Với chị, phải chăng mỗi cơn bão sẽ giúp chúng ta biết trân trọng hơn những khi được sống bình yên?

- Một cuộc sống bình yên là điều mà bất cứ ai đều ao ước. Tuy nhiên, nếu thiên nhiên có thể gây ra những bất ổn khó kiểm soát trong đời sống, thì con người, bằng vào lòng hướng thượng, bằng ý thức nâng đỡ tâm hồn, lại hoàn toàn có thể tạo dựng bình yên trong tâm tưởng chính mình và chia sẻ điều ấy với cộng đồng. Đắng đót, gian lao trong cơn bão sẽ khiến con người thương quý nhau hơn.

Xin cảm ơn chị!

Việt Quỳnh (thực hiện)