Nhà văn Lê Trâm: Số phận con người mong manh trước thiên tai
Nhà văn Lê Trâm quê quán ở xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, hiện sinh sống và làm việc tại Quảng Nam. Ông bắt đầu có tác phẩm in trên tuần báo Tuổi Ngọc (năm 1974) và là tác giả của 13 đầu sách, trong đó có: “Lai lịch một thành hoàng”, “Tìm lại thời gian”, “Mơ về phía chân trời”, “Một giấc hồ điệp”, “Bến cạn”, “Phía gió biển không còn ai”... và gần đây nhất ông vừa cho ra mắt cuốn ký và tản văn “Rơi một nốt trầm”.
Sống trong một vùng đất khắc nghiệt, bão lụt luôn là nỗi ám ảnh, vì thế, hình ảnh bão lũ bàng bạc hiện ra trong nhiều sáng tác của nhà văn Lê Trâm. “Với miền Trung, nơi được ví như chiếc đòn gánh của cả nước, nhắc đến miền Trung người ta nghĩ ngay đến mưa gió bão lụt, và tất nhiên đi kèm theo là đói, nghèo”, nhà văn Lê Trâm chia sẻ.
Khi hoạn nạn, người dân xứ Quảng giúp nhau rất nhiệt tình. Nhà văn Lê Trâm nhớ lại, khi cả xóm chạy lụt vào một cái làng thì người dân ở đó đã nhường nhà để ở, cho cả gạo, mắm muối để sống tạm qua những ngày khó khăn: “Mùa lũ, những người già và trẻ con được sơ tán qua những nhà cao ráo hơn, kiên cố hơn để tạm trú. Và người ta còn đùm bọc cả cái ăn trong suốt những ngày khó khăn ấy. Đặc biệt, những sự giúp đỡ của nhiều tổ chức và nhà hảo tâm khắp cả nước dành cho Quảng Nam trong những ngày bão lũ đã khiến mọi người thêm ấm lòng”.
Nhà văn Lê Trâm tâm sự: “Phòng chống bão đã trở thành “bản năng sống còn” của người Quảng Nam. Trước kia, do nhà cửa còn tạm bợ nên khó chống đỡ các cơn bão dữ. Sau này, nhà cửa đã được xây dựng kiên cố hơn nhiều. Có khó khăn gì nhiều người cũng cố gắng xây cho mình một căn phòng có đổ mái bê tông, chí ít cũng đổ được một cái bể nước-bên trên làm bể chứa nước-bên dưới làm thành một cái hầm để, nếu có bão lớn thì cả nhà chui vào nấp. Vùng ven biển, có nơi người ta còn xây cả hầm để tránh bão nữa đấy, một kinh nghiệm lưu lại từ những năm tháng chiến tranh”.
“Bây giờ người ta rất quan tâm việc theo dõi thời tiết, theo dõi các cơn bão, lũ lụt qua nhiều kênh thông tin. May sao, các dự báo về đường đi, cấp độ nguy hiểm của các cơn bão, mức độ dự báo về các cơn lụt, lũ quét, sạt lở đất… ngày càng chính xác. Tuỳ theo mức độ mà người ta có sự ứng phó khác nhau. Dân Quảng Nam từ lâu đã quen với việc ứng phó với bão lũ rồi. Tùy theo mức độ mà chằng chống nhà cửa, đốn tỉa bớt cây cối, sơ tán người già, trẻ con đến nơi an toàn, hạn chế ra đường khi có bão, lũ. Ở vùng rừng núi, đặc biệt là các vùng bị ảnh hưởng nhiều đến từ nạn sạt lở núi, bị ảnh hưởng của việc xả lũ của các hồ chứa nước, bị tác động bởi các cơn lũ ống lũ quét… thì người dân phải hết sức cẩn trọng. Quảng Nam có khá nhiều công trình thuỷ điện, sông lại có độ dốc khá cao nên việc xả nước của các hồ thuỷ điện luôn ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của các cơn lũ hàng năm. Dù rất coi trọng nhưng năm nào cũng có người chết trong các trận bão lũ. Đó là điều vô cùng đáng tiếc! Thời tiết ngày càng cực đoan, các nguy cơ đến từ sự xâm hại thiên nhiên lần lượt xuất hiện ngày càng nghiêm trọng và khó lường”.
Nhà văn Lê Trâm chia sẻ, dân Quảng Nam đã “quen” với bão lụt. Không tránh được thì chọn cách “sống chung với bão lũ”: “Những cơn sạt lở chôn vùi mấy chục người ở Trà Leng vài năm trước, vụ sạt núi làm sạt cả một trường THPT ở huyện Tây Giang khiến học sinh phải chuyển sang học ở một trường khác, xa đến 40-50 cây số… đã xảy ra. Một “cổ trấn” xinh đẹp và lôi cuốn du khách khắp nơi như Hội An năm nào cũng dầm mình trong nước lũ, cứ nghĩ đến những căn nhà gỗ quý giá tuổi đời cả trăm năm hễ có lụt thì lại dầm mình trong nước thì không ai không xót xa. Nghĩa là, mọi nguy hiểm, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa bão lụt, làm nguy hại đến tính mạng và tài sản của người dân và các công trình công cộng”.
Sống trong một vùng đất khắc nghiệt như vậy nên bão lụt luôn là nỗi ám ảnh, vì thế, hình ảnh bão lũ hiện ra trong nhiều sáng tác của nhà văn Lê Trâm. Trong đó có truyện ngắn: “Cưới nhằm cơn lũ”, “Truyện đốt theo sông”, hay tiểu thuyết “Bến cạn”... “Nhiều lần đi qua các con sông quê hương, cả mùa lũ và mùa khô hạn”, nhà văn Lê Trâm nói. “Đi qua những công trình thuỷ điện trên các dòng sông. Đi qua những vùng đồi núi trơ trọi, những cung đường núi sạt lở quanh năm. Đi qua những khu dân cư chênh vênh bên sườn núi. Đi mới thấy số phận con người thật mong manh trước thiên nhiên, thiên tai. Đó chắc chắn là những mối quan tâm của tôi trong những sáng tác sau này”.