Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có Quy chế tuyển sinh riêng năm 2023
Trường Đại học (ĐH) Kinh tế quốc dân vừa ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH áp dụng từ năm 2023. Đây là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên trên cả nước hoàn thiện và công bố quy chế tuyển sinh riêng của trường.
Cụ thể, Quy chế tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là sự tích hợp giữa các quy định về đối tượng tuyển sinh, điểm cộng ưu tiên, phương thức xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và những yêu cầu đặc thù của trường (không áp dụng với công tác tuyển sinh liên kết do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng).
Trong đó, nội dung đáng chú ý là từ năm 2023, điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng 2 năm đối với những thí sinh được hưởng là năm tốt nghiệp và năm kế tiếp. Đây cũng là một trong những quy định mới tại quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GDĐT: Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên khu vực.
Về phương thức tuyển sinh, hàng năm, trong đề án tuyển sinh, trường công bố quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển/xét tuyển kết hợp hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả trường hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, lĩnh vực và hình thức đào tạo. Một chương trình, ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.
Theo đó, đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn, tổ hợp dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo (có thể tính hệ số theo từng môn), trong đó có môn Toán hoặc Ngữ văn.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng quy định không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo (trừ trường hợp các tổ hợp môn chỉ khác nhau ở môn Ngoại ngữ). Trường hợp trường tổ chức thi tuyển sinh cần thông báo trước ít nhất một năm trước khi cho thí sinh đăng ký dự tuyển và tuân thủ tổ chức thi theo các quy định của Bộ GDĐT.
Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học với giáo dục ĐH mới đây nhất, Bộ GDĐT đã nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là, các cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023. Trong đó, đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh; Xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trước đó, theo thống kê năm 2022 có khoảng 20 phương thức xét để tuyển sinh đầu vào ĐH, chủ yếu vẫn tập trung vào các phương thức như xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng…
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, theo luật định, cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, việc các trường bổ sung nhiều phương thức xét tuyển kéo theo việc phân bổ chỉ tiêu không hợp lý. Mặt khác, việc gia tăng nhiều phương thức xét tuyển cũng khiến thí sinh không có sự chuẩn bị kịp thời, phần nào cũng gây ra sự khó khăn cho thí sinh trong việc nắm bắt thông tin.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, thời gian tới, Bộ khuyến khích các trường ĐH đẩy mạnh hợp tác để tổ chức kỳ thi chung theo nhóm trường. Sau đó, tiến tới hình thành một số trung tâm khảo thí chuyên nghiệp thuộc liên minh nhiều trường ĐH, đáp ứng yêu cầu tuyển sinh từ năm 2025, khi học sinh đã hoàn thành bậc THPT theo chương trình mới.
Thông tin về phương hướng tuyển sinh ĐH chính quy năm 2023 và từ năm 2025, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, trong thời gian tới nhà trường sẽ giữ chỉ tiêu tuyển sinh ổn định ở mức như hiện nay với phương thức xét tuyển chủ yếu là xét tuyển kết hợp, tinh giản theo hướng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM hoặc của các trung tâm khảo thí độc lập (nếu có) kết hợp Chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS…).