Chụp ảnh Hồ Gươm thời 4.0
“Anh chị chụp ảnh không? Chụp lấy luôn nhé!” Sau những lời mời gọi là cái xua tay từ chối, người thợ chụp ảnh dạo ở hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vẻ mặt thoáng chút buồn ngoái nhìn về phía chúng tôi, như muốn nói: Đấy, cái nghề nó là vậy!
Một thời hoàng kim
Xưa, được đến hồ Hoàn Kiếm (còn quen thuộc với tên gọi Hồ Gươm) đứng chụp một tấm ảnh với tháp Rùa, tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn… là một kỷ niệm khó quên, thậm chí là một sự tự hào của rất nhiều đứa trẻ “lần đầu ra Thủ đô”. Và nghề chụp ảnh quanh Hồ Gươm, vì thế, cũng có thời hoàng kim, với rất nhiều tay máy tham gia.
Quanh hồ, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những người thợ chụp ảnh. Thời đó, các thợ chụp ảnh còn dùng máy chụp phim, và xung quanh hồ Hoàn Kiếm, những con phố Hàng Khay, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng có rất nhiều hiệu ảnh sẵn sàng “rửa nhanh”. Đến thời những năm 1990, nhiều người thợ chụp ảnh Hồ Gươm vẫn “sống khỏe” với nghề…
Tấm thẻ chụp ảnh lưu động do Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội cấp đã hết hạn sử dụng từ năm 2000 nhưng vẫn được ông Vũ Mạnh Hùng gìn giữ và đeo trước ngực khi lên Hồ Gươm chụp ảnh. Tấm thẻ là minh chứng cho một thời những người thợ chụp ảnh ở Hà Nội phải thi tay nghề để có giấy phép hành nghề chụp ảnh lưu động tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Bây giờ, dạo quanh một vòng Hồ Gươm không khó để bắt gặp bóng dáng những người thợ ảnh, ngực đeo máy đứng nhìn dòng người qua lại. Không phải lúc nào họ cũng mời được khách để chụp ảnh, phải may mắn, tinh mắt để “săn khách” và thật khéo duyên mới có được cái gật đầu.
Thường có mặt ở khu vực đền Ngọc Sơn từ 8 giờ sáng cho đến lúc mặt trời đã lên đỉnh, anh Quốc Huy (56 tuổi) có được vị khách đầu tiên trong ngày. Dưới cái nắng hanh khô của những ngày đầu đông, anh nhiệt tình chỉ cho vị khách đã ngoài 60 cách tạo dáng sao cho đẹp với chiếc áo dài. Nào là dáng đứng dịu dàng, chân bước khoan thai, mặt quay góc nghiêng nhìn về Tháp Rùa... Mỗi dáng đứng, điệu ngồi, cho đến từng cử chỉ chuyển động của khách đều do anh Huy hướng dẫn. Có những khi khách không hiểu ý, anh không ngần ngại mà tự mình diễn các dáng một cách tự nhiên để khách làm theo. Vừa cầm máy chụp ảnh, vừa miệt mài hướng dẫn, vậy mà công sức anh bỏ ra chỉ thu được số tiền 50.000 đồng. Nhận tiền từ khách rồi vội lau những giọt mồ hôi trên trán, anh tâm sự: “Nghề chụp ảnh vất vả là vậy, nhưng ông trời đã cho mình cái nghề rồi thì mình cứ theo cái nghiệp này thôi”.
Gần 40 năm gắn bó với nghề chụp ảnh ở Hồ Gươm, từ ngày còn chụp bằng máy film cho đến khi chuyển sang dùng máy ảnh kỹ thuật số, anh Huy là một trong số những người thợ ảnh còn đang “bám nghề” ở cổng đền Ngọc Sơn, kể cho chúng tôi những câu chuyện một thời về nghề chụp ảnh bờ hồ.
Nhớ những ngày xưa từ thời Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội còn quản lý nghề chụp ảnh, thợ chụp phải thi tay nghề để được cấp giấy hành nghề cho đến khi chụp ảnh trở thành một nghề tự do. Bẵng cái đã mấy chục năm, nghề chụp ảnh nổi lên và được nhiều người biết đến. Có thời điểm nghề này “làm vua”, đắt khách chụp mà kiếm được nhiều tiền nên rất nhiều người học chụp rồi lên Hồ Gươm mưu sinh.
Nỗi vất vả làm nghề
Từ khi có sự xuất hiện máy ảnh kỹ thuật số, đặc biệt là khi smartphone (điện thoại thông minh) “lên ngôi”, nghề chụp ảnh ở các địa điểm du lịch nói chung và Hồ Gươm nói riêng đã bị ảnh hưởng, lượng khách thuê chụp ảnh ngày một ít đi khiến cho cuộc sống của người thợ ảnh cũng vất vả hơn nhiều. “Có những ngày may mắn thì tôi kiếm được 200.000 - 300.000 đồng, nhưng có những ngày trời mưa thì không có thu nhập”, anh Quốc Hoàng - một thợ chụp ảnh cứng tay ở Hồ Gươm chia sẻ.
Nghề chụp ảnh ở địa điểm du lịch không chỉ trông vào khách hàng mà còn phải trông vào trời đất. Có những ngày nắng, “nắng đến 40 độ, chụp ảnh cho khách xong tôi mắt tôi hoa đi vì say nắng”... Nhưng cũng có những ngày mưa: “Nhiều khi trời mưa, khách gọi điện nhờ đến chụp ảnh nhưng bản thân tôi cũng lo cho chiếc máy ảnh nên cũng đành phải từ chối. Biết là mất khách nhưng không thể làm hỏng “chiếc cần câu cơm” này được”, anh Hoàng tâm sự.
Vốn dĩ nghề chụp ảnh dạo đã khá vất vả nay lại thêm việc phải cạnh tranh với hàng ngàn chiếc “máy ảnh nhỏ”, nhiều thợ ảnh vì thế mà không thể kiên nhẫn để ở lại với nghề. Chưa kể đến thời điểm dịch Covid-19 như 2 năm vừa qua, không thể “kiếm cơm” bằng nghề chụp ảnh nên nhiều người đã buông máy bỏ nghề. Những người còn ở lại giờ đây cũng đang phải chật vật để “chiến đấu” với những chiếc smartphone để kiếm sao cho đủ ngày 3 bữa nuôi gia đình.
Chuyển đổi để thích nghi
Với sự bùng nổ của công nghệ, không thể đứng nhìn nghề chụp ảnh bờ hồ ngày một phai nhạt theo thời gian nên hầu như tất cả những thợ ảnh ở khu vực Hồ Gươm đều đã chuyển sang cách chụp ảnh trả file trực tiếp cho khách.
Thông thường sau khi chụp, người thợ sẽ chuyển file ảnh thông qua cổng kết nối thẻ nhớ vào điện thoại hoặc gửi ảnh qua zalo cho khách hàng. Nếu như ngày trước, ảnh chụp xong sẽ được in ra để khách cầm về thì hiện nay việc in ảnh đã ít đi nhiều. Giá mỗi tấm ảnh được in ra là 30.000 đồng/1 bức ảnh, và tuỳ theo kích thước ảnh mà giá sẽ thay đổi. Mặc dù ảnh ngày nay in ra có màu sắc sắc nét, đẹp hơn xưa nhưng 10 người thì chỉ có 1 - 2 người muốn in ảnh, còn lại khách hàng chỉ chụp để lấy file với giá 10.000 đồng/1 file ảnh.
Ngoài việc giữ kỷ niệm thì hầu hết khách đến tham quan muốn chụp ảnh để đăng lên mạng xã hội facebook, zalo để khoe với mọi người. Nắm bắt được xu hướng ấy, các thợ ảnh ở khu vực Hồ Gươm buộc phải bớt đi chút tiền lãi khi in ảnh mà tập trung vào chụp để gửi file cho khách.
Không chỉ chuyển đổi trong cách trả ảnh, người thợ chụp còn linh hoạt trong việc thanh toán. Không yêu cầu trả tiền mặt, họ sẵn sàng đọc số tài khoản ngân hàng hay bất cứ ứng dụng nào để khách hàng có thể dễ dàng chuyển tiền chụp ảnh một cách nhanh chóng. Tiện lợi mà phù hợp với thời đại nên chụp ảnh bờ hồ vẫn đang thu hút được một lượng khách nhất định.
“Một ngày tôi chụp cho nhiều đối tượng, nhưng chụp chủ yếu là những người từ 50 - 60 tuổi. Cũng có những bạn trẻ đến bảo tôi chụp rồi lấy file. Nhưng cũng có những người “chịu chơi”, chụp xong in hẳn 50 bức ảnh”, chị Hồng Nhung - thợ chụp ảnh 30 năm vui vẻ kể.
Quả thực, công nghệ đã khiến cho cuộc sống của chúng ta thay đổi rất nhiều. Sự phát triển của điện thoại thông minh, mạng xã hội facebook, zalo mặc dù có gây bất lợi cho những người thợ ảnh nhưng chính chúng đã tạo ra một xu hướng đăng tải và lưu giữ hình ảnh mới. Không thể phủ nhận việc xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội đã giúp nghề ảnh sống và tồn tại trong kỷ nguyên số... Nhưng ngoài mặt tốt thì vẫn có những điều bất lợi, “mạng xã hội giúp nghề ảnh sống được nhưng không làm giàu được”, anh Xuân Dương - thợ chụp ảnh bờ hồ tâm sự.
Tình yêu nghề còn mãi
Mặc dù phải chạy theo công nghệ và vất vả để mời khách nhưng nghề chụp ảnh vẫn luôn mang đến cho người thợ nhiều niềm vui. Ông Vũ Mạnh Hùng (95 tuổi) một thợ ảnh kỳ cựu ở Hồ Gươm nói: “Tôi chụp ảnh ở Hồ Gươm từ năm 1960, cái thời chụp ảnh đen trắng, ảnh in ra có 7 hào một bức. Cho đến hôm nay, hàng ngày tôi vẫn đi 7km lên đây để chụp ảnh. Không đi thì thấy trong người bức bối, nhớ nghề. Nghề chụp ảnh và tôi đã gắn bó với nhau hơn 60 năm, nghề nó ăn vào máu rồi. Còn sức khỏe là tôi còn đi chụp ảnh”.
Mỗi lần cầm máy ảnh là một lần người thợ được sáng tạo theo phong cách riêng của mình, đó là điều khiến nhiều người mê cái nghề giữ thời gian này. Hàng ngày được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người, tuy không phải ai cũng dễ dàng có được cái gật đầu của khách hàng nhưng đối với những người thợ ảnh thì mỗi ngày đi làm vẫn là một ngày ý nghĩa. Bởi “ảnh tôi chụp không chỉ lưu giữ những câu chuyện mà còn lưu giữ những khoảnh khắc của con người, của thiên nhiên đất trời. Tôi yêu cái nghề này cũng là vì thế”, chị Hồng Nhung tâm sự.
Hiện nay, ở khu vực đền Ngọc Sơn có khoảng 20 thợ ảnh. Người già nhất đã hơn 90 tuổi, người trẻ nhất cũng gần 30. Ai cũng có cho mình một kho kinh nghiệm về nghề ảnh nhưng giữ được nghề trong bao lâu còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Chưa biết một lúc nào đấy ta thấy vắng bóng những người thợ chụp ảnh, Hồ Gươm vẫn còn đó nhưng những người muôn năm cũ liệu có còn ở đó hay không? Trong thời đại công nghệ số phát triển như ngày nay, chỉ mong rằng nghề chụp ảnh bờ hồ vẫn sẽ có những thế hệ kế cận để mãi tồn tại, giữ lại một nét văn hóa cho Thủ đô nghìn năm văn hiến.