Sốt xuất huyết vượt ngưỡng cảnh báo dịch
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến thời điểm này số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo. Hiện tại, tình hình SXH ở nhiều địa phương đang diễn biến phức tạp. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, ghi nhận một số bệnh nhân nặng và tử vong.
Nguy cơ khó kiểm soát
Trong 2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội tăng nhanh. Trong tuần 42 ghi nhận 1.420 ca, tuần 43 ghi nhận 1.205 ca. Cộng dồn năm 2022 (đến 30/10) có 9.747 ca mắc, 12 ca tử vong. Số ca mắc năm 2022 tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2021 và tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm.
Ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, bệnh SXH Dengue trên bình diện chung cả nước có số ca mắc đang tăng nhanh, diễn biến phức tạp. Số ca mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Tại Hà Nội, qua theo dõi nhiều năm, số ca mắc SXH thường đạt đỉnh vào các tuần đầu tháng 11.
Còn tại Quảng Nam, tính đến nay, địa phương đã ghi nhận 12.955 ca mắc SXH, cao hơn tổng số ca mắc của cả năm 2019 - năm có số mắc cao nhất từ năm 2016 đến nay và cũng là năm có đỉnh dịch với 11.651 ca.
Thông tin từ sở Y tế tỉnh Quảng Nam, hiện trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận 1 ca tử vong do SXH. Theo đánh giá của ngành Y tế tỉnh Quảng Nam, thời gian tới, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, với mức độ bùng phát và lây lan nhanh, khó kiểm soát.
Ngoài ra, nhiều địa phương khác như TPHCM, Đồng Tháp, An Giang cũng đã ghi nhận số ca mắc SXH tăng cao. Thống kê cho thấy, Tại TPHCM có khoảng 75% số trường hợp tử vong do SXH là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện muộn khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.
Đến ngay cơ sở y tế khi thấy dấu hiệu bất thường
Theo các chuyên gia y tế, những dấu hiệu ban đầu của SXH khá tương đồng với cúm và Covid-19 nên dễ gây nhầm lẫn. Bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) lưu ý, chính sự nhầm lẫn giữa cúm và SXH với Covid-19 khiến một số trường hợp khi vào viện đã trong tình trạng nguy kịch. Có những người mắc SXH lại nghĩ mình mắc Covid-19 nên khi sốt cao đã tự uống hạ sốt, không đến viện khám, đến ngày thứ 4-5 bị xuất huyết trong nội tạng mới tới viện.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết thêm, một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất của SXH là giảm tiểu cầu, gây ra tình trạng rối loạn đông máu, chảy máu ở nhiều nơi, xuất huyết não, xuất huyết đường tiêu hóa. Do đó, người bệnh khi mắc SXH lại nghĩ mình bị Covid-19, ngại tới bệnh viện mà tự điều trị tại nhà là rất nguy hiểm.
Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân SXH cũng như mức độ giảm tiểu cầu, theo các bác sĩ, người bệnh cần làm xét nghiệm máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150-450G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50G/L, mức nghiêm trọng là 10-20G/L. Việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5G/L hoặc có biểu hiện chảy máu.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân, trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, người dân khi có bất kỳ triệu chứng như sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời; không nên tự truyền dịch tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt của nhân viên y tế.
Để ngăn chặn tình trạng lây lan của SXH, tại cuộc họp mới nhất của UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh trên người, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu, các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về phòng, chống dịch trên địa bàn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không làm hình thức mà phải thực chất, đúng địa chỉ, toàn diện, không chỉ trong khu vực dân cư mà toàn bộ địa bàn, kể cả các khu vực có nguy cơ cao,… với sự huy động toàn thể các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân cùng tham gia.
Đỉnh dịch sẽ rơi vào trung tuần tháng 11
Theo chu kỳ dịch bệnh, cứ sau 5 năm sẽ có một đỉnh dịch SXH. Lần dịch xảy ra lớn và gần đây nhất vào năm 2017 và năm nay được dự báo sẽ xuất hiện đỉnh dịch. Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, đỉnh dịch SXH năm 2022 có thể rơi vào trung tuần tháng 11 này. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống SXH, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.