Chuyện về nông dân xuất sắc toàn quốc Nguyễn Văn Hoạt ở Bạc Liêu
Trải qua nhiều thất bại nhưng nhờ sự kiên trì, không lùi bước, ông Nguyễn Văn Hoạt (59 tuổi), ngụ xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã vươn lên thành công nhờ từ nghề nuôi tôm công nghệ cao, thu lãi mỗi năm hàng tỷ đồng.
Dám nghĩ, dám làm
Những năm gần đây, khi Bạc Liêu phát triển nuôi tôm công nghệ cao, nhận thấy việc nuôi tôm theo mô hình này giúp chủ động được thời vụ, hạn chế dịch bệnh, từ đó nâng cao chất cũng như sản lượng tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, ông Nguyễn Văn Hoạt cũng không ngần ngại thử sức và đã thành công. Tuy nhiên, dù gắn bó với con tôm hơn hai mươi năm, nhưng trước đây chỉ là nuôi bán thâm canh và quảng canh nên nuôi tôm công nghệ cao với ông ít nhiều còn bỡ ngỡ.
Vì vậy vào năm 2018, ông Hoạt không thực hiện ngay trên diện tích nuôi trồng của gia đình mà chỉ làm mô hình thí điểm cho một doanh nghiệp với diện tích 100 m2, vừa làm vừa nghiên cứu, học hỏi để lấy kinh nghiệm. Và vụ nuôi này là bước đệm quan trọng bởi tuy chưa thu được lãi nhưng đã giúp ông tích lũy nhiều kiến thức vô cùng bổ ích, để ngay vụ sau đó, cũng với 100 m2 này, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã mang về cho ông 30 triệu tiền lãi đầu tiên. Khi đã cơ bản nắm vững kiến thức cũng như kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, ông Hoạt bắt đầu đầu tư 4 ao thử nghiệm và đạt năng suất rất cao. Các năm tiếp theo, ông đầu tư thêm và hiện tại có 18 ao với diện tích 4 ha.
Trong 3 năm qua, ông Nguyễn Văn Hoạt thu hoạch được 165 tấn tôm, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, lợi nhuận trên 7,2 tỷ đồng. Riêng năm 2021, ông thu được 57 tấn tôm, lợi nhuận 2,6 tỷ đồng.
Thành công từ những thất bại
Để có được thành công như hôm nay, ông Hoạt đã trải qua nhiều lần thất bại, thiệt hại không nhỏ. Chính những lần thất bại đã giúp ông rút ra nhiều kinh nghiệm, nhìn nhận lý do của sự thất bại một cách nghiêm túc để hoàn thiện về quy trình nuôi tôm công nghệ cao ngày càng hiệu quả hơn.
Quay ngược về những năm 2000, khi nghề nuôi tôm bắt đầu manh nha và phát triển ở Bạc Liêu, ông Nguyễn Văn Hoạt đã không ngần ngại chọn con tôm làm “đầu cơ nghiệp”. Thất bại từ một, hai vụ nuôi đầu không làm ông nản chí mà càng thôi thúc ông quyết tâm, tiếp tục tìm hiểu, học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm, ông Hoạt cho biết, trong mô hình nuôi tôm công nghệ cao, con giống và nguồn nước là hai yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của cả vụ nuôi. Trong đó, con giống quyết định 70% sự thành công nên khâu chọn giống phải rất kỹ từ các nhà cung cấp có uy tín. Còn con giống khi mua về thì nhất định phải thả ươm sau đó mới cho xuống ao nuôi. Quá trình nuôi, nông dân phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc, theo sát sự phát triển của tôm để có biện phải xử lý kịp thời.
Để mô hình ngày càng phát triển, ông Hoạt tích cực nghiên cứu thông tin trên mạng, học tập các mô hình hay, cách làm hiệu quả từ các nơi. Ông Hoạt cho biết: “Tôi thường đi tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả của vài người bạn ở một số tỉnh nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để về áp dụng vào sản xuất và mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào nuôi tôm nên mới đạt hiệu quả cao”.
Ngoài ra, ông Hoạt còn mạnh dạn đầu tư điện năng lượng mặt trời để phục vụ nuôi tôm và cung cấp điện sinh hoạt hàng ngày, tiết kiệm chi phí điện hơn 100 triệu đồng/năm, góp phần giảm chi phí cho sản xuất.
Theo Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu thì thời gian qua đã có 15 hội viên nông dân trong xã Hiệp Thành có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo, vươn lên khá giàu sau khi được ông Hoạt giúp đỡ về kỹ thuật cũng như đầu tư vốn sản xuất kinh doanh. Trong đó có 4 hộ đang đầu tư theo mô hình nuôi tôm công nghệ cao, phát triển tốt, mỗi năm thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Còn lại 11 hộ nuôi tôm quảng canh-quảng canh cải tiến, lợi nhuận đạt được khoảng 150 triệu đồng mỗi năm.
Tinh thần tương thân tương ái của ông Hoạt không dừng lại ở đó. Được biết, ông còn là người nhiệt tình với công tác an sinh, xã hội ở địa phương. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2019-2021) gia đình ông đã tham gia đóng góp số tiền 450 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa đường, làm cầu, quỹ vì người nghèo, quỹ an sinh xã hội; tặng hơn 20 tấn gạo cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt trong đợt bùng phát dịch Covid-19 trong năm 2021, thấy nhiều hội viên nông dân lâm vào cảnh khó khăn, ông đã không ngần ngại hỗ trợ tổng số tiền 200 triệu đồng (mỗi hộ từ 3 đến 5 triệu đồng), đồng thời ủng hộ 5 tấn gạo cho người dân để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Ông Lê Tuấn Em, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thành (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: "Ông Hoạt không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp tỉnh 3 năm liền (từ năm 2019 đến năm 2021). Ông cũng là một trọng 2 gương mặt nông dân tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu được bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022". Trong những năm qua, gia đình ông còn tạo điều kiện giúp đỡ cho trên 150 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và những hộ khó khăn có việc làm và thu nhập ổn định tại địa phương. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia đóng góp cho địa phương để xây dựng, sửa chữa đường, làm cầu, quỹ người nghèo, quỹ an sinh xã hội, với số tiền hơn 100 triệu đồng mỗi năm".
Câu chuyện về người nông dân Nguyễn Văn Hoạt từ vùng quê Hải Hậu, Nam Định lập nghiệp và thành công ngay trên mảnh đất Bạc Liêu đã được nhắc đến nhiều qua các buổi hội nghị, tuyên dương của Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh các cấp, các buổi tuyên dương từ cấp xã đến cấp tỉnh và cả Trung ương... Gặp và nghe ông kể về hành trình lập nghiệp mới thấu hiểu được rằng, để có được thành công, phải có khát khao làm giàu mãnh liệt, có tinh thần “thép” dám nghĩ, dám làm, dám đường đầu với thất bại và không đầu hàng trước khó khăn là hình mẫu nông dân thời đại mới. Ông chính là minh chứng cho những nông dân thế hệ mới, bằng khối óc nhanh nhạy, thông minh, bàn tay cần cù, chiu khó, họ không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động, chia sẻ với cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước.