Cổ vật hồi hương
Thời gian gần đây, thi thoảng câu chuyện cổ vật hồi hương lại được bàn luận. Sự nêu ra, hay bàn luận làm gì để cổ vật hồi hương cho thấy mối quan tâm của xã hội về những hiện vật mang những câu chuyện về lịch sử, xã hội và văn hóa Việt Nam đang trôi dạt ở xứ người. Quan tâm cũng là điều tốt, và nếu có điều kiện, càng nhiều cổ vật hồi hương càng tốt. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, không phải nhất thiết cổ vật nào cũng cần hồi hương…
1.Mới đây, dư luận lại một lần nữa xôn xao về chuyện hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802-1945) chuẩn bị lên sàn đấu giá. Cụ thể, trên website chính thức của hãng đấu giá MILLON (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris, Pháp), có đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802-1945), gồm 1 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) và 1 bát vàng triều Khải Định (1917-1925).
Theo lời giới thiệu của Hãng đấu giá MILLON, ấn vàng này cao 10,4cm, mặt ấn hình vuông nặng 10,78kg. Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ vương (vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng. Đây được cho là ấn tín của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.
Phiên bán đấu giá hai cổ vật nêu trên dự kiến sẽ được tiến hành vào 11 giờ trưa ngày 31/10/2022 (giờ Paris). Căn cứ thông tin đăng tải trên website và ý kiến của một số chuyên gia về cổ vật, chiếc ấn vàng (lô số 101/329) chính là chiếc kim ấn “Hoàng đế chi bảo” được vị hoàng đế cuối cùng của vương triều Nguyễn là Bảo Đại, trao cho đại diện của Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều ngày 30/8/1945.
Trước thông tin này, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) cho rằng, nếu đây là Ấn “Hoàng đế chi bảo” (thông tin cần được xác định chính xác thông qua các đánh giá và giám định chuyên môn) thì bên cạnh những ý nghĩa về lịch sử, văn hóa…, xét về khía cạnh chủ quyền sở hữu, chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử.
Ngay khi nắm được thông tin về việc đấu giá hai cổ vật trên, Bộ VHTTDL đã có Công văn gửi Bộ Ngoại giao nêu rõ “hành trình” của cổ vật kim ấn “Hoàng đế chi bảo”: Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), hai cổ vật đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại, rồi được đưa sang Pháp vào năm 1953. Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có kim ấn “Hoàng đế chi bảo”) cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá. “Chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của nhà Nguyễn trong suốt một giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Vì vậy, việc tìm cách đưa ấn về Việt Nam là cần thiết…” - Công văn nhấn mạnh.
Cũng tại Công văn này, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá MILLON để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật nêu trên như thông báo của Hãng (gồm các thông tin về chủ sở hữu, tính hợp pháp của 2 cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá…). “Nhanh chóng tìm hiểu và đề xuất phương án phù hợp nhất với pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế) để “hồi hương” hai cổ vật căn cứ kết quả làm việc với hãng đấu giá” - Công văn đề nghị.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa ở Huế cũng đang quan tâm đến sự kiện đấu giá hai cổ vật được cho là có liên quan đến triều Nguyễn. Trong đó đáng chú ý là một ấn bằng vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820 - 1841). Chiếc ấn này được hãng đấu giá đưa ra giá khởi điểm từ 2 đến 3 triệu euro (khoảng 49-73 tỉ đồng theo quy đổi ngoại tệ hiện tại). Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, chiếc kim ấn được rao bán là một bảo vật của nhà Nguyễn và là một vật chứng lịch sử rất quan trọng đối với lịch sử Việt Nam thời hiện đại.
Đưa được hai cổ vật này, đặc biệt là chiếc ấn quý, là điều mong muốn của những người làm văn hóa Huế nói riêng và yêu văn hóa Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, một khi đã được đưa lên sàn đấu giá quốc tế thì sự việc “rất khó lường”, và theo đó, giá cả cũng “rất khó lường”. Dù quan tâm, theo dõi sát phiên đấu giá, song một lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thừa nhận, với số tiền khởi điểm được nhà đấu giá đưa ra là hoàn toàn "ngoài tầm với" đối với ngân sách tỉnh.
2.Đây không phải là lần đầu tiên những cổ vật quý “ngoài tầm với” của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đơn cử như hồi tháng 10/2021, nhà Balclis (Tây Ban Nha) đã đấu giá theo hình thức trực tiếp và online hai món cổ vật triều Nguyễn. Chiếc mũ quan văn chánh nhất phẩm có giá gõ búa hơn 600.000 euro (gấp 1.000 lần giá khởi điểm là 600 euro) và chiếc áo Nhật Bình có giá hơn 160.000 euro. Theo ông Vũ Kim Lộc - nghệ nhân phục chế mũ thời chúa Nguyễn, chiếc mũ này là loại phốc tròn thuộc về Văn ban, thân mũ được kết bằng lông đuôi ngựa theo kiểu kết kép là dùng 2 lông làm thành một dây để kết. Còn hộp bằng gỗ được sơn son thếp vàng có hoa văn tứ linh.
Tuy nhiên, điều khiến giới sưu tập cổ ngoạn “choáng váng”, đó là giá khởi điểm được giới thiệu hôm 20/10, chỉ 500 euro, ngay sau đó cứ tăng dần vào những ngày sau đó, đạt 70.000 euro khi bắt đầu phiên đấu ngày 28/10, và giá gõ búa là 600 nghìn euro (16 tỉ đồng, chưa tính 25% thuế và phí).
Nhiều nhà sưu tập bày tỏ “ngoài sức tưởng tượng”, “giá cao khủng khiếp”, “không thể hiểu nổi” về giá “chốt” này.
Mặc dù chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế rất muốn mua để cổ vật hồi hương nhưng cũng đã bất thành. May mắn sau đó, doanh nhân trên đã hiến tặng cổ vật này cho cố đô Huế.
Nhìn rộng ra, đưa cổ vật hồi hương là một câu chuyện không dễ và khó tìm ra một lời giải chung. Một số ý kiến cho rằng, đối với những cổ vật quý, có giá trị văn hóa, lịch sử thì các cơ quan quản lý văn hóa của các địa phương hay cơ quan quản lý văn hóa cấp quốc gia cần sớm có kế hoạch để đưa cổ vật hồi hương. Tuy vậy, cơ quan Nhà nước lại có những cái khó nhất định. Có thông tin cho rằng, ngay khi chiếc mũ quan triều Nguyễn đưa lên đấu giá, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng chỉ theo dõi chứ không thể đấu vì giá quá cao.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng cho rằng, tư nhân muốn tham gia đấu giá chỉ cần có tiền, dự đấu giá, quyết định mua hay không. Còn cơ quan Nhà nước luôn phụ thuộc vào quy trình có tính nguyên tắc từ kế hoạch, đánh giá, lựa chọn, báo cáo, tham khảo khung pháp lý đầy đủ và dự toán đến phê duyệt kinh phí... Đó là những rào cản nhất định trong cuộc hồi hương cổ vật, nên rất khó mua được cổ vật đấu giá ở nước ngoài.
Việc cổ vật Việt Nam “được giá”, thậm chí “giá cao chót vót” trong thời gian gần đây, giới sưu tầm bình luận, đó là tín hiệu vui. Tuy nhiên, đó cũng lại chính là “chướng ngại vật” để cổ vật Việt khó có cơ hội hồi hương bởi không phải ai cũng có sẵn tiền để lao vào “cuộc đua”. Mà theo dự doán của giới chuyên gia, giá cổ vật Việt trong thời gian tới còn tăng cao trong các sàn mua bán, đấu giá quốc tế.
3.Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, để chúng ta không phải luôn “chậm chân” khi mua cổ vật Việt Nam ở nước ngoài và để có thể “hồi hương” những cổ vật ấy, Nhà nước nên có những chính sách hợp lý và thông thoáng. Theo đó, cần ban hành những văn bản pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài, cần có một thị trường mua bán cổ vật hợp pháp ở trong nước, được Nhà nước thừa nhận và được bảo trợ bởi hệ thống pháp lý chặt chẽ nhưng thông thoáng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để những nhà đấu giá danh tiếng như: Sotheby’s, Christie’s, Butterfield, Nagel Auction… tham gia đầu tư vào thị trường đấu giá cổ vật và mỹ thuật ở Việt Nam. Các bảo tàng công lập cũng nên có những chuyên gia theo dõi sát các cuộc mua bán và các phiên đấu giá cổ vật để sớm có những thông tin cần thiết.
Tuy vậy, một số người nêu quan điểm: không phải cổ vật gì cũng cần hồi hương. Ông Trần Đình Sơn - chuyên gia cổ vật, tác giả nhiều sách về cổ vật Việt và là một nhà sưu tầm cổ vật lớn trong nước - bày tỏ công khai trên truyền thông: “Vấn đề mua cổ vật Việt từ nước ngoài về lại Việt Nam, theo tôi cần phải được nhìn nhận lại, để tránh trường hợp người ta đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Trước đây, những đồ vật kia từng được xem là di sản phong kiến hủ bại, đốt bỏ đập phá chẳng thương tiếc gì. Khi thì người ta lại đòi mua khắp nơi trên thế giới đem về. Có người lại cho rằng cổ vật Việt thì Nhà nước phải mua hết đem về bảo tàng. Tiền đâu mà mua cho nổi”.
Về phiên đấu giá chiếc mũ triều Nguyễn tháng 10 năm ngoái, nhà sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn cũng bày tỏ: “Ước gì chiếc mũ đấu giá cực cao vừa rồi và nhiều cổ vật Việt khác nữa, được người nước ngoài trúng đấu giá, vào tay những bảo tàng, những nhà sưu tầm càng nổi tiếng càng tốt”.
Theo ông Sơn, cổ vật Việt, trừ những hiện vật lịch sử - văn hóa quan trọng, có giá trị rất cao, thì cần phải tìm mọi cách đưa về lại Việt Nam; số còn lại, cứ để cho người các nước mua bán, sưu tầm với giá càng cao càng mừng, nằm trong các bộ sưu tập càng nổi tiếng càng tốt. Vì đó là cách làm tăng giá trị cổ vật cũng như văn hóa Việt Nam trên thế giới. Vào tay nhà sưu tập chuyên nghiệp, các bảo tàng lớn, đó cũng là cách lưu giữ rất tốt cổ vật Việt Nam. Điều quan trọng, cổ vật đó nằm ở đâu thì cũng là sản phẩm “made in Việt Nam”.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chỉ ra một thực tế, chúng ta đang có hệ thống cổ vật quý hiếm, đại diện cho hầu hết các giai đoạn lịch sử trong các bảo tàng từ Bắc đến Nam, hiện vẫn chưa trưng bày hết. Ở Huế, cổ vật triều Nguyễn có nhiều món vô cùng quý hiếm vẫn còn cất trong kho, vì chưa xây được một bảo tàng trưng bày bài bản. “Như thế, tốn nhiều tiền để mua món đồ quý về, trong khi nhiều đồ quý trong kho vẫn nằm im lìm, thì hồi hương thêm nữa mà làm gì?”, ông Sơn đặt vấn đề.
Rõ ràng, đây là một sự thật. Chúng ta hiện sở hữu rất nhiều cổ vật quý hiếm song chưa có chỗ để trưng bày hết, chưa có cách khai thác, quảng bá hết những di sản văn hóa này. Chính vì thế, nếu chỉ đưa cổ vật hồi hương, rồi lại cất kho và không chú trọng công tác bảo quản, không đưa ra trưng bày quảng bá, thì việc cổ vật hồi hương cũng không có mấy giá trị. Rộng hơn, cần có chiến lược để xác định danh mục cổ vật hồi hương để đầu tư đúng, trúng, tránh lãng phí.
Liên quan đến vấn nạn “chảy máu” cổ vật, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, Việt Nam đã tham gia Công ước UNESCO 1970 về Chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa từ năm 2005. Hiện nay, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, bao gồm: 1 Luật, 1 Luật sửa đổi, bổ sung; 8 Nghị định của Chính phủ; 3 Quyết định và 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đã ban hành 17 Thông tư, 8 Quyết định, 3 Chỉ thị theo thẩm quyền. Trong đó có một số văn bản quy phạm pháp luật với những nội dung liên quan đến việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo khuyến nghị của Công ước 1970.
Thời gian qua, một số nước đã điều tra và hoàn trả một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam: Nhật Bản trao trả chuông chùa Ngũ Hộ (tỉnh Bắc Ninh năm 1978), Đức trao trả 18 cổ vật năm 2018, Mỹ trao trả cổ vật buôn bán trái phép vào Mỹ năm 2022…
Đồng thời, những năm gần đây có một số cá nhân, tổ chức đã tham gia đấu giá cổ vật có nguồn gốc Việt Nam và sau đó hiến tặng cho các bảo tàng, di tích, như xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn cho Huế năm 2022.