Con đường khổ ải và khát vọng chinh phục ‘nóc nhà thế giới’

PHAN QUANG VŨ 12/11/2022 07:18

Sáng 4/10/2022, một đoàn leo núi đã gặp phải trận lở tuyết khi đang đến gần đỉnh Draupadi ka Danda-II, thuộc bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ ở độ cao 4.900 mét so với mực nước biển. Bà Ridhim Aggarwal - thuộc Lực lượng Phản ứng thảm họa quốc gia cho biết: 42 người bị kẹt trong vụ lở tuyết, trong đó có 10 người được xác nhận thiệt mạng. Ông Devendra Singh Patwal, quan chức quản lý cấp cao về ứng phó thảm họa nói, đã đưa 3 trực thăng cùng nhiều đội cứu hộ tới khu vực lở tuyết để tìm kiếm các nạn nhân. Đây cũng chỉ là một trong những vụ tai nạn leo núi chết người vẫn thường xảy ra trên dãy Himalaya, nơi có đỉnh Everest cao nhất thế giới.

Chinh phục Himalaya.

Chinh phục những đỉnh cao của dãy Himalaya, đặc biệt là đỉnh Everest “nóc nhà thế giới” luôn là điều gì đó thôi thúc những người ưa phiêu lưu, mạo hiểm, những nhà thám hiểm. Không thể tính hết đã có bao nhiêu người đã chết trong những chuyến leo núi đầy nhọc nhằn ấy. Có khi họ kiệt sức rơi xuống vực thẳm, có khi bị tuyết lở vùi lấp. Dãy Himalaya vẫn sừng sững oai nghiêm giữ lại trong lớp băng giá nhiều con người bạc phận.

Trận lở tuyết kinh hoàng 7 năm trước

Ngày 25/4/2015, một đoạn video ghi lại hình ảnh một trận lở tuyết do động đất mạnh 7,8 độ Richter gây ra bất ngờ đổ ập xuống khu trại nơi hàng chục người leo núi đang tập trung trên núi Everest, làm chấn động thế giới. Video do một người leo núi người Đức quay và đăng tải lên YouTube. Hình ảnh ban đầu trong video là cảnh rung chuyển do động đất, sau đó là tiếng ầm ầm như trời sập của trận lở tuyết đổ xuống.

Người quay phim cùng nhóm đồng hành la hét trong tuyệt vọng và nằm rúc vào nhau trong lều. Họ ra ngoài và nhìn thấy mọi thứ xung quanh đã bị chôn vùi dưới tuyết. Không gian tĩnh lặng khác thường, chỉ có những con người hồn siêu phách tán.

Theo Bộ Du lịch Nepal, trước khi trận động đất xảy ra có ít nhất 1.000 người leo núi, trong đó có 400 người nước ngoài. Trong số những người leo núi lần ấy (ngày 25/4/2015) có Dan Fredinburg - một trong những giám đốc điều hành cao cấp của Google đã bị tuyết cuốn ra xa khỏi khu trại leo núi ở Everest hàng trăm mét, còn khu trại như thể "bị bom san phẳng".

David Hamilton, 54 tuổi, người Anh, đã leo lên đỉnh Everest 7 lần và là người đứng đầu Jagged Globe - một công ty leo núi mạo hiểm có trụ sở ở Sheffield (hạt Nam Yorkshire, Anh) cho biết, khi lực lượng cứu hộ tới nơi, họ đã tìm được thi thể Dan Fredinburg cứng đờ trong tuyết, nằm ở dưới sông băng Khumbu.

“Những người sống sót là những người cực kỳ may mắn, khi mà bão tuyết thổi bay và cuốn đi tất cả những các căn lều hơn 50 mét. Cảnh tượng giống như một tòa nhà màu trắng cao 50 tầng sụp đổ trong nháy mắt” - George Foulsham, 38 tuổi, nhà sinh học biển người Australia kể lại. "Tôi chạy thục mạng còn tuyết lở đổ ập xuống người tôi. Tôi cố gắng đứng dậy, nó lại nhấn tôi xuống. Tôi không thở nổi, nghĩ rằng mình chết mất. Khi tôi tỉnh lại chỉ biết rằng mình đang nằm trên tuyết còn xung quanh là bầu không khí yên lặng đến rợn người”.

Sau đó, những người bị thương được lực lượng cứu hộ tìm thấy được đưa xuống một bệnh viện nhỏ ở làng Pheriche dưới chân núi. Nhiều người trong tình trạng rất nguy kịch bởi vì họ bị nhiều vết thương nghiêm trọng ở đầu do mảnh vỡ văng ra từ sức ép vụ lở tuyết. Trong số những người tử thương có nhiều người Sherpa - nhóm dân tộc thiểu số sống ở phía đông Nepal, trên dãy Himalaya, chuyên làm nghề hướng dẫn viên và phục vụ các đoàn leo núi.

Simon Lowe - Giám đốc quản lý Jagged Globe, người cùng tham gia đoàn leo núi cho biết, điện thoại vệ tinh trở nên vô dụng nên rất khó để những người Sherpa bản địa dẫn đường cho các đội cứu hộ lên núi. "Tôi nghĩ rằng nếu gặp tuyết lở khi leo dãy Himalaya thì không mong gì sống sót” - Lowe nói.

Cho tới nay, đoạn băng video ghi lại ngày 25/4/2015 được cho là những hình ảnh chân thực nhất về tai nạn đối với những người mang khát vọng chinh phục dãy Himalaya, hé lộ cho thế giới thấy sự khắc nghiệt đến tận cùng nhưng những con người đặc biệt vẫn dũng cảm dấn thân.

Một người Sherpa làm nghề hướng dẫn khách leo núi.

Nơi tồi tệ nhất thế giới

Những điều ít biết về ‘nóc nhà thế giới” Everest

Tên của nóc nhà thế giới được đặt theo nhà trắc địa học George Everest, năm 1856, người chưa từng đặt chân đến đây và độ cao của nó chỉ được xác định bằng các phép toán nên cho ra con số không giống nhau.

Tuy nhiên, tới nay người ta cho rằng đỉnh Everest có độ cao 8.848 mét, gấp hơn 10 lần tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa (829 mét).

Radhanath Sikdar, nhà toán học người Ấn Độ, là người đầu tiên xác định độ cao của đỉnh Everest bằng các phép toán. Con số đầu tiên ông đưa ra là 8.839 mét, sau đó Sikdar điều chỉnh lại thành 8.849 mét.

Theo các số liệu thống kê đến giữa năm 2011, có hơn 200 thi thể lưu lại trên đường tới đỉnh Everest được tìm thấy, và những nhà leo núi coi đây là những cột mốc để ước lượng khoảng cách tới đỉnh núi.

1974 là năm duy nhất không có nhà leo núi nào tham gia chinh phục Everest.

Reinhold Messner là người đầu tiên leo Everest mà không cần dùng tới bình dưỡng khí vào năm 1978, cùng bạn đồng hành Peter Habeler.

Vào năm 1990, Edmund Hillary và Peter Hillary là hai cha con đầu tiên chinh phục đỉnh núi này.

Người lớn tuổi nhất từng leo lên dãy Himalay là ông Yuichiro Miura, người Nhật Bản. Ông chinh phục đỉnh Everest vào năm 2010 khi đã 80 tuổi.

Cậu bé nhỏ tuổi nhất từng tham gia chuyến hành trình lên đỉnh Everest là Jordan Romero, người Mỹ. Cậu bé chỉ mới 13 tuổi khi thực hiện chuyến đi của mình, cũng vào năm 2010.

Moni Mule Pati và Pem Dorjee Sherpa là cặp vợ chồng người Nepal tổ chức đám cưới trên đỉnh Everest, vào năm 2004, mở đầu cho trào lưu “sống ảo” trên dãy núi này.

Với mong muốn chạm tay tới đỉnh Everest, không biết bao nhiêu người đã bỏ mạng từ lần thử sức đầu tiên và mãi mãi nằm lại trên dãy Himalaya. Với chiều cao 8.848 mét, Everest có sức hút kỳ lạ. Theo National Geographic, hơn 4.800 người đã đặt chân lên đỉnh núi cao nhất thế giới này, trong vòng 50 năm và cũng đã xác định được 311 người xấu số không bao giờ xuống núi.

"Do hiện tượng ấm lên toàn cầu, những tảng băng và sông băng đang tan ra nhanh chóng, để lộ các thi thể còn sót lại qua bao năm" - Ang Tshering, Cựu chủ tịch Hiệp hội hướng dẫn leo núi Nepal nói. Đáng chú ý, ông từng làm Sherpa trong gần 50 năm và đã tham gia cuộc thám hiểm Everest cùng những nhà leo núi Anh vào năm 1924.

Ông Tshering cho biết, ấn tượng dữ dội nhất đối với ông là lần tìm thấy thi thể của nhà leo núi Shriya Shah-Klorfine được quấn quốc kỳ Canada. Cô chinh phục thành công đỉnh Everest, song đã không thể chiến thắng tử thần trên đường xuống núi.

Còn trên mặt sông băng Khumbu hay còn gọi là thác băng, ngày càng lộ ra những xác chết trong những năm gần đây. Họ đều là những nhà chinh phục Everest và các Sherpa.

Một nghiên cứu gần đây của các trường đại học Leeds và Aberystwyth (Vương quốc Anh) cho biết, nhiều ao trên sông băng Khumbu đang mở rộng do băng tan nhanh. Những mũi khoan thăm dò trên sông băng Khumbu cho thấy chúng mềm hơn dự đoán, ngay cả những phần băng lạnh nhất thì cũng hoàn toàn có thể tan chảy. “Sự dịch chuyển của sông băng Khumbu để lộ ra nhiều xác chết hầu hết không bị phân hủy vì đã được “đóng băng” một cách tự nhiên” - Pandey Bhote, Phó Chủ tịch Hiệp hội hướng dẫn leo núi Nepal cho biết.

Sau này, nhiều Sherpa trong khi làm nhiệm vụ dẫn đường cho những đoàn leo núi đã xác định đường đi bằng chỗ tìm thấy những thi thể trong băng. Họ coi đó là những cột mốc, ví dụ như nơi phát hiện một nạn nhân đi giày màu xanh; hoặc nơi lộ ra một phần cánh tay đang cố vẫy vùng.

Với những nạn nhân xấu số bị vùi trong băng trên con đường khổ ải chinh phục Himalaya, tìm được thi thể của họ đã khó, nhưng việc di dời thi thể của họ cũng đòi hỏi rất nhiều công sức. Roberto Schmidt - nhiếp ảnh gia cũng là người ưa mạo hiểm cho biết đó là công việc vừa tốn kém, vừa khó khăn. Schimidt dẫn lời Dambar Parajuli - Hiệp hội Điều hành những chuyến thám hiểm Nepal (EOAN) cho biết, đây luôn là việc ưu tiên tuy rằng chi phí để đưa một người chết xuống núi dao động từ 40.000 đến 80.000 USD. Một trong những cuộc di dời thi thể khó khăn nhất là từ độ cao 8.700 mét: Cơ thể ấy hoàn toàn đóng băng, nặng tới 150 kg và nằm tại một điểm khó tiếp cận từ độ cao trên chênh vênh.

Trong khi đó, Alan Arnette - một nhà leo núi nổi tiếng đồng thời là một nhà báo cho biết hầu hết người leo muốn nằm lại trên núi nếu họ chết. "Vì vậy, sẽ là thiếu tôn trọng nếu chúng ta loại bỏ hài cốt của những người tử nạn, trừ trường hợp thi thể cần di dời khỏi cung đường leo núi hoặc gia đình nạn nhân muốn đưa họ về" - Arnette nói.

Tới nay, người ta cho rằng năm 2019 là năm chết chóc nhất đối với những người leo núi Himalaya. Con số thống kê các vụ tử nạn không giống nhau, nhưng những Sherpa dẫn đường dày dạn kinh nghiệm khẳng định điều đó.

Nirmal Purja, 36 tuổi, từng phục vụ trong Hải quân Hoàng gia Anh kể lại, tháng 5/2019, anh đã chứng kiến 11 nhà leo núi đã tử vong khi đang trong hành trình chinh phục Everest. Chuyến leo núi ấy do thời tiết xấu nên họ dự định 3 ngày, thay vì 9 ngày theo kế hoạch thông thường. Vì thế, các công ty tổ chức tour leo Everest đã tăng số lượng người đăng ký. Cuối cùng thì gần 100 người cùng bám vào một sợi dây, nhích từng bước một trên lối mòn duy nhất. Do thời tiết xấu, địa hình hiểm trở, chỉ không lâu sau nhiều người bắt đầu mất kiểm soát, một số người gục xuống vì kiệt sức, nhiều người thiếu oxy trong cái lạnh -30 độ C. "Đó là nơi tồi tệ nhất thế giới để bị mắc kẹt lại" - Purja nói và thêm rằng anh thực sự kinh hãi khi leo gần tới mặt đá có tên gọi Hillary Step, nó ở độ cao 3000 mét ở bên phải và 2.400 mét ở bên trái. “Có nghĩa là chúng tôi đang đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết”.

Còn nhà leo núi kỳ cựu người Mỹ Thomas Becker kể lại, anh vẫn còn nhớ rõ một người phụ nữ đứng xếp hàng sau mình vật lộn vất vả như thế nào vì thiếu kinh nghiệm. Tiếp đó là những người đã trở nên nóng nảy, luôn miệng chửi thề. “Cái háo hức ban đầu biến mất khi tôi đã trông thấy 5 - 6 thi thể. Có những xác người đã đóng băng nằm chắn con đường chúng tôi đang đi. Chúng tôi buộc phải bước qua họ để đi tiếp" - Becker nói.

Cứu hộ người do tuyết lở ở núi Manaslu thuộc dãy Himalaya, tháng 9/2012.

Cuộc sống đầy rủi ro của người Sherpa

Tuy vô cùng nguy hiểm và nhọc nhằn nhưng công việc hướng dẫn và phục vụ những người leo dãy Himalaya lại là kế sinh nhai duy nhất của không ít đàn ông bộ tộc Sherpa. Không chỉ chịu cái lạnh khắc nghiệt, những món đồ đè trĩu trên lưng mà họ còn phải đối mặt với cái chết cận kề.

Sống bên dãy Himalaya, người Sherpa được mệnh danh là những nhà leo núi cừ khôi nhất thế giới. Họ sở hữu sức khỏe dẻo dai, giỏi leo trèo, có thể khám phá những tuyến đường chưa ai từng đặt chân đến và đạt nhiều kỷ lục nhờ tốc độ leo núi nhanh. Hàng trăm thế hệ người Sherpa đã sinh sống ở đây, vì thế họ biết khá rõ địa lý của khu vực này và trở thành những người dẫn đường tốt nhất đối với các tay leo núi muốn chinh phục đỉnh Everest.

Thực ra, nghề hướng dẫn leo núi của đàn ông Sherpa cũng chỉ bắt đầu từ năm 1953, khi đỉnh Everest được xem là nơi để chinh phục giới hạn của con người. Còn thì từ khoảng 600 năm trước, họ đã vượt qua những con đường trắc trở từ đông Tây Tạng (Trung Quốc) đến vùng đất Solukhumbu để tìm kiếm cơ hội cải thiện cuộc sống.

Từ chỗ tổ chức cuộc sống theo lối tự cung tự cấp, người Sherpa được những nhóm leo núi thuê làm người dẫn đường và khuân vác đồ đạc. Công việc của họ là dựng trại, thiết lập đường đi, chuẩn bị các vật dụng cần thiết, quản lý những người khuân vác đồng thời cũng tự mình khuân vác và tất nhiên là phải đảm bảo sự an toàn của những người đã trả tiền cho họ với ý muốn cháy bỏng là chinh phục độ cao tại chính dãy núi bí hiểm này.

Kami Rita, 50 tuổi, người giữ kỷ lục chinh phục đỉnh Everest 23 lần, cho biết các thành viên trong cộng đồng của ông buộc phải học cách leo lên những ngọn núi nguy hiểm để nuôi sống gia đình. “Leo núi và trở thành một hướng dẫn viên là cách kiếm sống cho những người như tôi" - ông Rita nói với SBS. Thực tế thì nếu không có người Sherpa thì những nhà leo núi khó có thể đến được đỉnh Everest vì họ là những người đồng hành tốt nhất, kiên cường nhất của các tay leo núi. Một Sherpa bình thường có thể kiếm được 3.000 USD trong một tháng, tương đương với cả gia tài của một gia đình cư dân bản xứ nếu không có người làm nghề hướng dẫn leo núi.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng bộ tộc Sherpa là những người phi thường vì có thể kiểm soát và tận dụng oxy tốt dù thường xuyên tiếp xúc với độ cao của đỉnh Everest. Thiếu oxy là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng say độ cao và tỷ lệ tử vong cao. Trải qua hàng nghìn năm, cơ thể của người Sherpa đã phát triển và biến đổi gene để thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sống thiếu thốn tại đây. Đó là nguyên nhân giúp họ sống được trong bầu không khí loãng của dãy núi cao nhất thế giới.

Là nghề kiếm sống nhưng rủi ro của nó vô cùng lớn. Nhiều người Sherpa đã vùi thân trong băng giá và nhìn chung mỗi chuyến đi của họ đều không nói trước ngày về. Tháng 4/2014, một trận lở tuyết đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 16 hướng dẫn viên leo núi người Sherpa. Đây là thảm họa chết chóc nhất từng diễn ra trên đỉnh Everest đối với người Sherpa.

Norbu Tshering, 56 tuổi, một người dẫn đường sống ở Katlahoma cho biết, ông chỉ mong có một cuộc sống bình thường. "Nhưng nếu không làm nghề này, tôi không có công việc nào khác. Hầu hết những người đàn ông trong làng chúng tôi đều làm công việc này, giờ đây nó đã trở thành một truyền thống".

Còn Nima Tenzing, 41 tuổi, điều hành một cửa hàng bán dụng cụ trekking ở Katlahoma, bày tỏ: "Rủi ro đối với người Sherpa cao gấp đôi so với những nhà leo núi bình thường. Cái chết và thương tích là một phần cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi đã mất rất nhiều đồng nghiệp nhưng phải mau chóng vực dậy tinh thần để tiếp tục công việc".

Tuy nhiên, vì sự nguy hiểm và cái giá phải trả quá đắt, nhiều người Sherpa quyết định không để con cái nối dõi nghề này. "Chúng ta nên cho trẻ em một nền giáo dục tốt chứ không phải đặt chúng vào tình trạng nguy hiểm như vậy"- ông Kami Rita nói.

Nhưng nói gì thì nói, cuộc sống của nhiều gia đình người Sherpa đã khá hơn lên nhờ có người làm nghề dẫn đường cho khách leo núi. Cùng đó, trong những ngôi làng của họ, phụ nữ ở nhà ngoài việc chăm sóc con cái, nấu nướng hàng ngày thì cũng có thu nhập kha khá nhờ bán hàng.

"Người Sherpa kiếm được nhiều tiền hơn nhờ khách leo núi. Đây là một công việc giúp tôi nuôi sống gia đình, cho con cái được đến trường" - Dawa Dorje, 34 tuổi chia sẻ.

Tới nay, dù vô cùng hiểm nguy nhưng đỉnh Everest của dãy Himalaya vẫn có sức hút lạ lùng đối với rất nhiều người leo núi từ khắp nơi trên thế giới. Không chỉ chinh phục đỉnh cao ở dãy núi cao nhất hành tinh mà họ còn chinh phục chính bản thân mình, vượt lên chính mình, vì thực tế đã chứng minh trung bình 500 nhà leo núi thì cũng chỉ có 1 người với tay chân được đến “nóc nhà thế giới” mà thôi.

Người giữ kỷ lục chinh phục đỉnh Everest

Đó là ông Kami Rita (trong ảnh), 52 tuổi, đã phá kỷ lục thế giới của chính mình, khi có lần thứ 26 chinh phục thành công đỉnh núi cao nhất hành tinh, vào ngày 7/5/2022.

Ông Kami Rita, bộ tộc Sherpa ở Nepal. "Kami Rita đã phá kỷ lục của chính mình và xác lập kỷ lục thế giới mới trong môn leo núi" - Tổng Giám đốc Cục Du lịch Nepal, Taranath Adhikari thông tin.

Trong lần này, ông Rita đã cùng 10 nhà leo núi chinh phục đỉnh Everest bằng cách leo dọc theo cung đường truyền thống bên sườn núi phía đông nam để lên đỉnh. Đây là tuyến đường chinh phục Everest được khai phá vào năm 1953 bởi nhà thám hiểm nổi tiếng người New Zealand Edmund Hillary cùng người đồng hành Tenzing Norgay - 1 nhà leo núi người Nepal.

Kami Rita lần đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Everest vào năm 1994. Ông là một trong những hướng dẫn viên leo núi người Sherpa có chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các nhà leo núi người nước ngoài đến Nepal hằng năm để chinh phục Everest an toàn. Cha của Kami Rita là một trong những người Sherpa đầu tiên làm công việc này.

PHAN QUANG VŨ