Sớm khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu

T.Hằng 04/11/2022 07:45

Thủ tướng vừa ra công điện yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng thiếu hụt; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống...

Người dân xếp hàng chờ mua xăng. Ảnh: Quang Vinh.

Sức chống chịu của doanh nghiệp cũng có giới hạn

Thời gian vừa qua và ngay cả trong thời điểm hiện tại một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

Tại Hà Nội, chị Nguyễn Minh Hà cho biết, sáng 3/11, khi đến cây xăng trên đường Khâm Thiên thì thấy thông báo đóng cửa do hết hàng. Tương tự, sáng 3/11 anh Nguyễn Nam (Trung Hoà – Nhân Chính) chia sẻ, 2 ngày hôm nay anh đi xếp hàng chờ 15 phút để đổ xăng ở cây xăng trên đường Lê Văn Lương nhưng mỗi lần chỉ được đổ tối đa 50.000 đồng.

Cũng giống như Hà Nội, tại nhiều tỉnh, thành như TPHCM, Cần Thơ… đều trong cảnh “hết xăng – còn dầu”, “đổ xăng cho xe máy 30.000 đồng/lượt; ô tô 200.000 đồng/ lượt”...Nhiều người dân còn cho biết, hiện xăng dầu tăng hay giảm giá không quan trọng, chỉ cần đổ được đầy bình và không phải xếp hàng.

Trong cuộc họp với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận thời gian qua, xuất hiện một số doanh nghiệp thoái thác trách nhiệm trong việc đảm bảo tổng giao xăng dầu mà Bộ đã giao cho. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, đây là thời điểm doanh nghiệp Nhà nước thể hiện vai trò của mình, từ doanh nghiệp sản xuất đến doanh nghiệp đầu mối. Các doanh nghiệp sản xuất phải tiếp tục, nỗ lực đạt và vượt xa sản lượng đã cam kết, càng nhanh càng tốt, trong mọi tình huống dù có khó đến đâu không được phép để đứt gãy nguồn cung.

Tại cuộc họp này, các doanh nghiệp đầu mối như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, đến nay, các đơn vị này đều thực hiện vượt tổng lượng xăng dầu được giao. Đại diện Petrolimex cho biết, trước tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa, hệ thống bán lẻ của Tập đoàn này đã phải tăng cường vận chuyển để đáp ứng nhu cầu của người dân. Thậm chí có những ngày, lượng xuất bán của Petrolimex tăng tới 2,4 lần so với ngày thường.

Tuy vậy, lãnh đạo Petrolimex cho rằng, sức chống chịu của doanh nghiệp cũng chỉ có giới hạn, những giải pháp đã thực hiện chỉ mang tính ngắn hạn, tình thế, cần có các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Sẽ rà soát, sửa đổi Nghị định 95

Để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương đã đưa ra một số yêu cầu. Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước khẩn trương xem xét để xuất dự trữ thương mại, đáp ứng nhu cầu cho hệ thống của mình và cung cấp cho những địa bàn đang thiếu hụt cục bộ trong thời điểm hiện tại.

Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị tất cả các doanh nghiệp đầu mối cả Nhà nước và tư nhân có điều kiện (đã và đang được phân giao, có uy tín để làm ăn được với các đối tác trong nước và nước ngoài) phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu, theo kế hoạch phân giao, càng vượt định mức bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Sẵn sàng bù đắp các sản lượng thiếu do các doanh nghiệp khác đã không và chưa thực hiện được kế hoạch phân giao của mình.

Đặc biệt liên quan đến việc sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Nghị định sẽ sửa theo hướng những điều kiện của thương nhân phân phối cho đến cửa hàng bán lẻ phù hợp thực tế hơn. Bởi “cú sốc” vừa rồi đã bộc lộ những khuyết khiếm trong quy định hiện hành. Bộ cũng sẽ sửa theo hướng một mặt tăng trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội, nhiệm vụ chính trị của các doanh nghiệp nói chung, của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhất là doanh nghiệp Nhà nước nói riêng. Mặt khác, cũng phải xây dựng cơ chế để bảo đảm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính PGS.TS TS Ngô Trí Long cho rằng, việc các cây xăng đóng cửa có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là nguồn cung khan hiếm. Thứ hai là do chi phí kinh doanh không hợp lý, lợi nhuận cho người bán không thỏa đáng dẫn đến càng bán càng lỗ.

Trong đó, ông Long nhấn mạnh chi phí kinh doanh và premium là hai chỉ tiêu hết sức quan trọng trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, cách tính chi phí kinh doanh từ lâu đã lỗi thời so với hiện nay. Khi đó doanh nghiệp không bù đắp được chi phí bỏ ra thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ. Từ đó doanh nghiệp chiết khấu cho các đại lý thấp đi, việc chiết khấu thấp khiến các đại lý không đảm bảo được mức lãi, không đủ bù đắp chi phí, lỗ và họ sẽ ngừng kinh doanh.

Trong khi đó premium là phần thưởng hay gọi là lợi nhuận của người bán, trong Nghị định 95 đã quy định rất rõ nhưng hiện không thay đổi, vẫn để mức thấp, doanh nghiệp không có lãi. Khi doanh nghiệp không có lãi thì sẽ không nhập hàng và bên bán cũng sẽ không bán, bên mua cũng không mua được.

“Mấu chốt hiện nay đó là giải quyết bài toán bù đắp chi phí cho doanh nghiệp, nâng mức chi phí kinh doanh và premium lên để bù đắp cho doanh nghiệp. Tuy nhiên mức điều chỉnh bao nhiêu mới là vấn đề quan trọng cần Bộ Tài chính – Công thương nghiên cứu”, ông Long nhấn mạnh.

Hiện Việt Nam đã có hai nhà máy lọc dầu đáp ứng được tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước và chỉ phải nhập khẩu 20%, nhưng tình trạng hết xăng khiến người đặt câu hỏi "xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả?".

T.Hằng