Xử lý đúng cách viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang
Thông tin từ Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, số bệnh nhân tới khám và nhập viện do tiếp xúc với kiến ba khoang gần đây tăng cao. Theo thống kê, trong 3 tháng gần đây, bệnh viện tiếp nhận gần 1.000 bệnh nhân bị viêm da kích ứng đến khám, trong đó có 50% do tiếp xúc với kiến ba khoang.
Các bác sĩ cho biết, tại Bệnh viện Da liễu trung ương, bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đến khám rải rác quanh năm. Tuy nhiên khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca đến khám tăng đột biến, thậm chí có ngày bệnh viện tiếp nhận gần 100 người bệnh đến khám với những triệu chứng như đau bỏng, rát các vùng da sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh - Phó trưởng Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu trung ương lý giải, hiện nay đang là mùa sinh sản của kiến ba khoang nên số ca bị tổn thương da do tiếp xúc với kiến ba khoang tăng cao. Kiến ba khoang có độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên chủ yếu gây bỏng da, phồng rộp, dễ nhầm với bệnh zona thần kinh. Đáng lo ngại, nhiều người tự ý điều trị đã khiến vết thương bị nhiễm trùng, thậm chí gây biến chứng khó điều trị.
Một bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, sau khi ngủ dậy thấy hai chân xuất hiện vết đỏ, rát nên đã ra hiệu thuốc mua thuốc mỡ bôi theo thói quen. Tuy nhiên sau vài ngày những vết loét không đỡ mà có dấu hiệu nặng hơn, phồng rộp và gây đau nhức cả 2 chân khiến bệnh nhân phải tới viện để thăm khám.
Bác sĩ Quách Thị Hà Giang - Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có nhiều tổn thương ngoài tổn thương do kiến ba khoang do chỉ nhập viện sau khi tự ý điều trị mà không đỡ. Có trường hợp bệnh nhân dùng các loại lá để đắp lên vết thương dẫn đến bội nhiễm, biến chứng. “Đa số các bệnh nhân đều nhầm lẫn bệnh do kiến ba khoang gây ra với bệnh zona thần kinh vì thế chúng tôi tiếp nhận không ít trường hợp dùng lá hay nhai gạo để đắp lên vết thương nên tình trạng không được cải thiện mà còn nặng hơn” - bác sĩ Giang nói.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi bị kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể, không nên dùng tay đập chết kiến để tránh độc tố tiết ra. Khi bị dính chất độc, tránh gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương. Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử lý đúng cách. Người bệnh cần rửa sạch vùng da tiếp xúc với kiến dưới vòi nước sạch, bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng, nếu thấy dị ứng, kích ứng da thì nên đến cơ sở y tế khám, không tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.
Để phòng tránh kiến ba khoang, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần đề phòng côn trùng bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn. Để phòng tránh kiến ba khoang, trước khi sử dụng quần áo, khăn mặt, chăn màn, mọi người cần có thói quen kiểm tra kĩ, giũ sạch. Khi phát hiện kiến ba khoang, nên bình tĩnh, khéo léo lấy kiến ra khỏi người bằng giấy hoặc găng tay, tránh việc bắt giết, chà xát kiến ba khoang. Nên ngủ trong màn, tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt kiến. Có thể xử lý diệt kiến bằng phun deltamethrin, alphacyhalothrin và permethrin ở những vị trí mà kiến hay tập trung gần người.