Chế tài nào cho nghệ sĩ quảng cáo ‘rùm beng’ sản phẩm kém chất lượng?
Thời gian qua, việc một số nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo tràn lan các loại thuốc, thực phẩm thức năng chữa bệnh đã khiến dư luận xã hội bức xúc...
Đại biểu Quốc hội lên tiếng
Mới đây, trong buổi thảo luận ở tổ về dự thảo luật "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ băn khoăn trước tình trạng quyền lợi của người mua hiện nay vẫn chưa được bảo vệ, cần có biện pháp mạnh hơn nữa để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng...
Một lần nữa, thực trạng thuốc, thực phẩm chức năng chữa bệnh được các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội tràn lan lại được làm “nóng”. Theo một số ĐBQH, nhiều trường hợp khi cơ quan chức năng điều tra thì các sản phẩm được quảng cáo hoàn toàn không có chức năng như khi được nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo.
Đáng nói, nghệ sĩ, người nổi tiếng chỉ bị ảnh hưởng uy tín và xin lỗi là xong, coi như không có chuyện gì xảy ra. Trong khi đó, ảnh hưởng của người tiêu dùng thì rất lớn, đặc biệt là người cao tuổi. Nhiều người hâm mộ bởi tin theo thần tượng đã rơi vào tình trạng tiền mất, tật mang.
Câu chuyện người nổi tiếng, nghệ sĩ quảng cáo tràn lan thuốc, thực phẩm chức năng không rõ công dụng đến nay đã không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, chế tài xử lí ra sao để không tái diễn tình trạng này vẫn là một băn khoăn lớn.
Trước đó, hồi tháng 6/2022, tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tình trạng nhiều nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng… quảng cáo mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xảy ra tràn lan và phức tạp trên mạng xã hội. Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đã đề nghị lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật thành phố phải kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm kém chất lượng. Tuy nhiên, việc quảng cáo thông qua công nghệ khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát hơn.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, việc các nghệ sĩ ký hợp đồng quảng cáo đối với các nhãn hàng, doanh nghiệp để quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là chuyện bình thường. Đó là nguồn thu nhập hợp pháp và chính đáng của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, tham gia vào thị trường quảng cáo, nghệ sĩ cần tìm hiểu các quy định pháp luật.
“Trường hợp nghệ sĩ vô ý hoặc cố ý vi phạm quy định Luật Quảng cáo, quảng cáo hàng hóa dịch vụ bị cấm hoặc quảng cáo khi chưa biết rõ về công dụng, giá trị của sản phẩm, quảng cáo sai sự thật hoặc có gian dối trong quảng cáo sẽ gây hệ lụy rất xấu cho xã hội và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Luật sư khẳng định.
Chế tài chưa đủ răn đe?
Luật sư cho biết thêm, Luật Quảng cáo năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định: Không phải sản phẩm, hoàng hóa, dịch vụ nào cũng được phép quảng cáo.
Pháp luật quy định những hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ bị cấm quảng cáo; quy định các hành vi bị cấm trong việc quảng cáo; điều kiện để thực hiện quảng cáo đối với sản phẩm là thuốc và thực phẩm chức năng, những hàng hóa kinh doanh có điều kiện khác.
“Khi thực hiện các hành vi vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật”, Luật sư nhấn mạnh.
Mặc dù mức xử phạt đã có, tuy nhiên tình trạng các nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng, thuốc vẫn liên tiếp diễn ra. Có thể thấy chế tài xử phạt là chưa đủ răn đe, vì lợi nhuận đến từ các sản phẩm này vô cùng cao nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân cố tình quảng cáo sai để lôi kéo người tiêu dùng.
Do đó, Luật sư Hùng khẳng định, cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về thực phẩm chức năng, cần điều chỉnh chế tài nghiêm khắc hơn, mang tính răn đe thật là cao.
“Về phía người dân, mọi người chỉ nên mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có nhu cầu, không mua qua phương thức truyền miệng, quảng cáo trên mạng. Khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ để có căn cứ, bằng chứng để các cơ quan chức năng xử lý khi có yêu cầu”, Luật sư cho biết thêm.
Về phía nghệ sĩ, ở đây cần phải hết sức thận trọng khi làm việc với chủ sở hữu sản phẩm, nghệ sĩ phải hiểu mình có nghĩa vụ tuân thủ Luật Quảng cáo trước hết với tư cách một công dân.
Khi ký hợp đồng quảng cáo, các nghệ sĩ cần liên hệ với cơ quan, tổ chức am hiểu về pháp lý để được tư vấn về trách nhiệm, lời nói, hành động khi truyền tải sản phẩm quảng cáo. Quan trọng hơn cả, người nghệ sĩ nên xác định về trách nhiệm xã hội và chuẩn mực đạo đức của mình. Với tư cách người của công chúng phải hướng đến công chúng, hướng đến xã hội, đặt lợi ích của công chúng và xã hội lên trên lợi ích của bản thân mình.
Luật sư Hùng cho biết: Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo được áp dụng theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Trong đó khoản 5, Điều 51 Nghị định quy định phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này.
Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này.
Ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền, cá nhân tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 7, Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP như: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này; Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này; Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều này.
Ngoài ra, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật hay thế Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo Điều 50, Nghị định số 38, hành vi vi phạm quy định về quảng cáo thuốc có thể bị phạt đến 40 triệu đồng.
Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định rõ về Tội quảng cáo gian dối: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm…