Thiếu trầm trọng điều dưỡng, giải pháp nào tháo gỡ?
Câu chuyện thiếu điều dưỡng trong các bệnh viện đã được bàn tới rất nhiều trong thời gian gần đây. Sau đại dịch Covid-19, lực lượng y tế này lại càng có nhiều biến động.
Bài toán nan giải
Làm việc tại một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, điều dưỡng Tạ Thị Vân (36 tuổi, quê Thạch Thất, Hà Nội) phải loay hoay tìm đủ mọi cách kiếm thêm thu nhập.
“Trước kia, khi bệnh viện chưa chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện, thì ngoài mức lương cơ bản, các nhân viên y tế như tôi vẫn được nhận các khoản phụ cấp, hỗ trợ khác. Nhưng sau 2 năm trở lại đây, khi không còn các khoản hỗ trợ thì rất nhiều nhân viên y tế tại bệnh viện phải làm đủ nghề để lo toan cho cuộc sống. Như tôi thì phải bán thêm hàng online thì mới đủ tiền đóng học cho con”, chị Vân cho hay.
Cũng có hơn 10 năm công tác trong ngành y, hiện tại mức lương điều dưỡng viên của chị Vân chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có thêm bất kỳ phụ cấp nào khác.
“Trước kia, chúng tôi vẫn được hưởng các loại phụ cấp, được khoảng vài chục ngàn đồng/ca phẫu thuật, giờ thì không. Chỉ tính mỗi lương cơ bản thì lương của cả hai vợ chồng cũng không đủ sinh hoạt, tiền học phí cho hai cháu”, nữ điều dưỡng cho biết.
Câu chuyện thu nhập thấp, lại bị cắt giảm nhiều loại phụ cấp sau khi thực hiện tự chủ bệnh viện khiến không chỉ chị Vân mà còn rất nhiều điều dưỡng khác bị ảnh hưởng. Chất lượng cuộc sống giảm sút, thiếu động lực để bám nghề đã trở thành vấn đề nan giải của những nhân viên y tế này.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên sau đại dịch Covid-19 là do sự đãi ngộ trong nền kinh tế thị trường và tự chủ bệnh viện khiến công sức lao động của người điều dưỡng chưa được tương xứng với nỗ lực của họ.
Bên cạnh đó, vị thế, vai trò của người điều dưỡng tại một số đơn vị y tế chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy hết vai trò của người điều dưỡng.
Trước đó, ngành y tế TP HCM cũng đã dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện sẽ càng trầm trọng hơn, khi số nhân lực được tuyển dụng mới không đủ về số lượng lẫn chất lượng để bù đắp số đã nghỉ việc. Đồng thời nỗ lực tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề này.
Đồng bộ các giải pháp
Đứng trước bài toàn nan giải về tình trạng thiếu điều dưỡng trong các cơ sở y tế, Bà Trần Thị Châu, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cho rằng, cần có thêm các chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành điều dưỡng để thu hút tuyển sinh, hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao năng lực, tay nghề.
Bên cạnh đó, các bệnh viện phải đặt hàng cho các trường tuyển sinh và đào tạo các nhóm nghề phù hợp với nhu cầu thực tế đơn vị mình.
Bởi theo số liệu của Bộ Y tế, hiện cả nước có 182 cơ sở đào tạo điều dưỡng trình độ từ Trung cấp tới Đại học, trong đó 43 cơ sở đào tạo trình độ Đại học, 102 trường đào tạo trình độ Cao đẳng và 37 cơ sở đào tạo trình độ Trung cấp.
Tuy nhiên, số lượng sinh viên đăng ký theo học ngành điều dưỡng gần đây lại đang có xu hướng giảm đi, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do đó, nguồn nhân lực y tế của ngành này đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, chính sách nâng cao thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng nói riêng cũng được nhiều chuyên gia bàn luận. Cách làm của TP HCM hay Hà Nội mới đây nhằm ưu tiên giải quyết thu nhập tăng thêm cho tất cả điều dưỡng được đánh giá phù hợp với tình hình thực tế.
PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhận định, các chính sách đãi ngộ với lực lượng này hiện chưa tương xứng với đặc thù nghề y như các vấn đề: Phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp đặc thù, phụ cấp độc hại nguy hiểm, phụ cấp công vụ, chức vụ, phụ cấp thu hút ở địa phương,…
Ngoài ra, mới đây, Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ tăng chế độ phụ cấp ngành y ở mức cao nhất để đảm bảo quyền lợi người lao động. Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Đặc biệt, Bộ Y tế đang xây dựng trình Chính phủ Đề án Đổi mới cơ chế, chính sách điều dưỡng hướng tới chăm sóc toàn diện giai đoạn 2022 - 2030 nhằm đẩy mạnh công tác điều dưỡng cũng như đảm bảo chăm sóc người bệnh toàn diện. Đặt chỉ tiêu đến năm 2025 sự hài lòng của khu vực nội trú đạt trên 80%, có 25 điều dưỡng/vạn dân và đến 2030 có 33 điều dưỡng/vạn dân.