Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sẽ tăng mức xử phạt với các tin giả
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vấn nạn lừa đảo qua mạng rất nan giải, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Đáng nói, mức phạt thông tin sai sự thật của Việt Nam mới chỉ bằng 1/10 thế giới…
Cụ thể, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng qua mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, thời gian gần đây, nhiều kẻ lừa đảo đã sử dụng các số điện thoại và thông qua các trang web.
Để giải quyết vấn nạn này, thời gian vừa qua, việc đầu tiên Bộ TT&TT triển khai là hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, trong đó định nghĩa rõ các hành vi, quy định các quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế để lực lượng công an xử lý.
Đồng thời, để xử lý một cách căn bản, Bộ TT&TT cũng đã công khai các đầu số điện thoại (156, 5656) để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm.
Bộ cũng đã rà quét, ngăn chặn hàng nghìn trang web có dấu hiệu lừa đảo; tập trung xử lý sim rác, xóa khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ, hoặc thông tin không chính xác và phải đối soát thông tin qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia; sau đó là xử lý sim chính chủ. Với những biện pháp này, chúng ta sẽ ngăn chặn đáng kể việc dùng số điện thoại để lừa đảo và các cuộc gọi rác, Bộ trưởng cho biết.
Tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho rằng, trên mạng sẽ khác ở ngoài đời về quản lý theo lãnh thổ, địa giới hành chính. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản có vi phạm thì không khác gì khi thực hiện phòng Covid-19 là phải đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa…
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu độc, giống như việc tiêm vaccine Covid-19 mới là giải pháp căn cơ và lâu dài để phòng bệnh này.
Nhất trí với quan điểm của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa về nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý lĩnh vực nào trong không gian thực, thì cũng quản lý vấn đề đó trên không gian mạng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung đào tạo kỹ năng số cho học sinh, đồng thời cũng tạo lập nền tảng online để học tập, xây dựng kỹ năng cơ bản để học tập, làm việc, sử dụng không gian số. Đây cũng là các bước thực hiện để nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và mọi người dân trong việc làm sạch không gian mạng, nâng cao sức đề kháng trước vấn nạn tin giả, thông tin xấu độc.
Về vấn đề tin giả, tin xấu độc, ông Hùng cho biết, trên không gian số, tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các văn bản quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; đưa thời gian mà các nhà mạng phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ. Mức phạt đưa thông tin sai sự thật cũng được thực hiện tăng lên 3 lần. Tuy nhiên so với các nước trên thế giới mức phạt của chúng ta vẫn chỉ bằng 1/10. Chính vì vậy, Bộ TT&TT sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên để bảo đảm tính răn đe.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, giải pháp căn bản là cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.
Về vấn đề báo hóa tạp chí, báo hóa trang thông tin, Bộ trưởng cho biết, hiện nay chúng ta đã công khai dấu hiệu, biểu hiện thế nào là một tạp chí báo hóa, một trang thông tin báo hóa để toàn dân cùng giám sát. Đảng, Nhà nước cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử lý, tiến hành xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu đối với nhiều cơ quan để đảm bảo từng bước giải quyết vấn đề này.
Trước đó, tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu 3 nhóm vấn đề lớn của ngành.
Một là việc ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Hai là việc tiếp nhận, tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Ba là việc quản lý các thuê bao đầu số của nhà mạng công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử. Việc thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân…