Chính sách đặc thù để phát triển văn hóa

Phạm Sỹ 05/11/2022 07:00

Trong các nội dung đề xuất đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là trung tâm trong chính sách phát triển bền vững của Thủ đô. Do đó, cần có chính sách đặc thù.

Cầu Thê Húc - đền Ngọc Sơn, Điểm nhấn văn hóa của Hà Nội. Ảnh: L.Nam.

Văn hóa mang tính tiêu biểu

Thủ đô Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Với số lượng di tích đứng đầu cả nước, gồm 5.922 di tích các loại, trong đó có 5 di sản thế giới, thành phố đã triển khai và đạt được một số kết quả tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Thủ đô...

Bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) cho rằng, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Thành phố luôn xác định, coi trọng phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là trung tâm trong chính sách phát triển bền vững của Thủ đô.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khẳng định, văn hoá Thăng Long - Hà Nội do con người từ khắp mọi miền đất nước tụ hội lại, cùng chung tay sáng tạo nên, vì thế mặc nhiên nó phải mang tính đại diện của quốc gia. Và khi lan tỏa khắp nơi, văn hóa Thăng Long - Hà Nội dễ dàng được chấp nhận chào đón như là những “chuẩn mực văn hóa” cần noi theo.

“Thủ đô nói chung và các đô thị nói riêng luôn được khẳng định là một trong những thành tựu văn hóa lớn lao nhất của nhân loại cũng như của từng quốc gia. Chúng được tiếp cận từ góc nhìn những di sản đô thị “một cơ thể sống động” liên tục phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử, với 3 bộ phận cấu thành cơ bản: Khu vực địa lý liền khoảnh, đủ rộng với những khu vực cảnh quan thiên nhiên điển hình; Quỹ kiến trúc đô thị; di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, nếp sống, lối sống thanh lịch, đặc biệt là các lễ hội truyền thống có sức lan tỏa rộng lớn”- ông Bài phân tích thêm về đặc điểm Thủ đô.

Tuy nhiên, việc bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, bề dày văn hóa lịch sử Thủ đô. Một số di sản, giá trị văn hóa tinh thần người Hà Nội đang dần bị mai một. Hệ thống thiết chế văn hóa cả ở cấp thành phố và cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ…

Dù có ưu thế nhưng du lịch làng nghề của Hà Nội chưa thực sự phát triển. Nguồn: Loca.vn

Tạo chính sách đặc thù

Tại hội thảo “Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, nhiệm vụ xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện đang được Hà Nội tích cực chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện. Trong các chính sách đề xuất đưa vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chính sách về phát triển văn hóa, giáo dục của Thủ đô chiếm vai trò hết sức quan trọng.

Về việc hệ thống thiết chế văn hóa cả ở cấp thành phố và cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ…, PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất cần tạo ra khung pháp lý cho việc hoạch định các chính sách đặc thù đầu tư cho phát triển, bảo tồn di sản văn hóa ở một số mặt hoạt động. Trong đó, có chính sách ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân lực quản lý văn hóa. Vấn đề sở hữu về đất đai thuộc di tích phải cụ thể, rõ ràng. Các di tích thuộc sở hữu của dòng họ, hay các di tích là thiết chế tôn giáo tín ngưỡng sau khi được xếp hạng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ do ai đứng tên.

Vẫn theo ông Bài, Hà Nội có nhiều đặc thù và lợi thế về tiềm năng cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, mà phần lớn các tài nguyên và lợi thế của Hà Nội lại hội tụ trong di sản văn hóa làng, trong các làng nghề và phố nghề. Đó là các khu vực dày đặc các di sản văn hóa đang chịu áp lực rất lớn của quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Vậy phải chăng, cần xem xét vấn đề đầu tư cho phát triển văn hoá và bảo tồn di sản văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia về “Đại chấn hưng văn hóa Việt Nam”…

“Với tư cách là thành viên trong hệ thống các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội cần đầu tư nhiều hơn nữa cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, trong đó có ưu tiên cho phát triển du lịch văn hoá, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng trên nền tảng “kinh tế nông nghiệp” ở các vùng quê ở ngoại ô” - ông Bài nêu rõ.

Để đầu tư cho phát triển văn hóa, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh đề xuất, Hà Nội cần được bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm để chi đầu tư cho văn hóa, kết hợp với huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm nghiên cứu, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Hà Nội cũng cần có những ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; áp dụng thuế suất 5% hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư trong các ngành công nghiệp văn hóa.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khẳng định, văn hoá Thăng Long - Hà Nội do con người từ khắp mọi miền đất nước tụ hội lại, cùng chung tay sáng tạo nên, vì thế mặc nhiên nó phải mang tính đại diện của quốc gia. Và khi lan tỏa khắp nơi, văn hoá Thăng Long - Hà Nội dễ dàng được chấp nhận chào đón như là những “chuẩn mực văn hoá” cần noi theo.

Phạm Sỹ