Nhồi máu cơ tim ở người trẻ ngày càng tăng

Đức Trân 05/11/2022 07:00

Nhồi máu cơ tim là tình trạng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đáng lo ngại, nếu như trước đây, lứa tuổi 65 được coi là lứa tuổi bắt đầu có nhồi máu cơ tim thì ở thời điểm hiện tại, thống kê từ Hội Tim mạch học Việt Nam có tới khoảng 10% bệnh nhân mắc nhồi máu cơ tim cấp với tuổi đời dưới 45.

Can thiệp cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp tại Khoa Nội tim mạch, Viện Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Thông tin từ Bệnh viện E cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp nhờ can thiệp sớm và đặt stent động mạch vành kịp thời. Bệnh nhân là anh N.N.L. (38 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị nhồi máu cơ tim cấp. Các bác sĩ phòng khám cấp cứu, Bệnh viện E đã chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh nhân và chuyển thẳng vào Trung tâm Tim mạch trong tình trạng: Sốc tim; đau dữ dội vùng ngực trái, nguy cơ ngừng tim, ngừng tuần hoàn… Ngay lập tức, bệnh nhân được hồi sức tích cực và chụp động mạch vành qua da. Được biết, động mạch vành phải của bệnh nhân tổn thương nhiều và hẹp 99% do huyết khối. Các bác sĩ đã tiến hành hút huyết khối và đặt stent động mạch vành phải cho bệnh nhân. Sau 20 phút can thiệp đặt stent, bệnh nhân hết đau ngực, mạch, huyết áp ổn định, được chuyển về theo dõi tại phòng hồi sức can thiệp và điều trị nội khoa.

Trao đổi về căn bệnh nguy hiểm này, GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi - Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai lý giải: “Cơ thể chúng ta có 3 mạch máu để nuôi quả tim gọi là động mạch vành. Máu đi từ động mạch đó vào trong cơ tim để nuôi tế bào cơ tim, giúp quả tim hoạt động. Nếu một mạch nào đó dù chỉ là các nhánh nhỏ hoặc là một nhánh lớn mà bị tắc thì sẽ không nuôi được vùng cơ tim, vùng đó bị chết thì người ta gọi đó là nhồi máu cơ tim. Có nghĩa là tắc mạch làm chết hoặc làm tổn thương một vùng cơ tim thì gọi đó là nhồi máu cơ tim”.

Bác sĩ Lợi cũng chỉ ra, những đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh nhồi máu cơ tim là bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipit máu, bệnh nhân béo phì, béo bụng, những người ít vận động thể lực, uống nhiều rượu bia, có chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý, nam giới mắc nhồi máu cơ tim nhiều hơn nữ giới. Tuy nhiên, khi nữ giới mắc nhồi máu cơ tim thì tiên lượng nặng hơn so với nam giới.

PGS. TS. BS Tạ Mạnh Cường - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết, nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch. Tình trạng này xảy ra là do mảng xơ vữa tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu, thành phần cấu thành bao gồm cholesterol, canxi, mảnh vỡ tế bào. Bên cạnh đó, những yếu tố khác dẫn tới nhồi máu cơ tim là tăng cholesterol, tăng huyết áp, nồng độ triglycerid cao, đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá, tuổi tác, gia đình.

“Tuy nhiên, thực tế những biến cố, biến chứng tim mạch nặng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người trẻ, đặc biệt lứa tuổi dưới 40 hầu hết là những người hút thuốc lá nhiều, có những người còn rất trẻ, tuổi đời chưa quá 30 đã bị nhồi máu cơ tim rất nặng. Hút thuốc lá gây vữa xơ động mạch. Mảng vữa xơ làm lòng mạch máu trở nên gồ ghề, không còn trơn nhẵn nữa, ngay khi tuổi đời còn rất trẻ. Lòng mạch ngày càng hẹp lại, gây thiếu máu ở những cơ quan, tổ chức sau chỗ hẹp. Một lúc nào đó, lòng mạch bị chít hẹp khít lại hoặc mảng vữa xơ động mạch long vỡ ra gây bít tắc hoàn toàn lòng mạch máu khiến máu không thể chảy qua được gây nhồi máu các cơ quan, tổ chức phía sau: Nhồi máu cơ tim, nhồi máu não (đột quỵ) nhồi máu thận hoặc tắc cấp tính các mạch chi dưới mà thậm chí phải cắt cụt các chi” - bác sĩ Cường thông tin.

Một trường hợp thực tế, được ghi nhận tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân H.C. (sinh năm 1978, tại Hà Nội) là nhân viên giao hàng có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Khi đang trên đường làm việc, cảm thấy tức ngực khó thở đột ngột nên anh C. đã một mình vào khám tại khoa Cấp cứu của bệnh viện. Tại đây, khi đang làm thủ tục đăng ký khám thì anh C. đột ngột ngừng tuần hoàn, thở ngáp, hôn mê. Ngay lập tức anh C. được các nhân viên y tế thực hiện cấp cứu ép tim, hội chẩn liên khoa và can thiệp mạch vành cấp cứu sau đó chuyển về khoa Hồi sức tim mạch điều trị. Anh C. được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước - một nhánh mạch lớn nuôi dưỡng quả tim, nếu không được xử trí kịp thời thì cơ hội cứu tính mạng của anh sẽ thấp hơn, do hoại tử cơ tim tiến triển, và để lại hậu quả nặng nề về sau bởi vì với nhồi máu cơ tim thời gian chính là vàng, càng tái thông sớm mạch máu bị tắc thì càng nhiều tế bào cơ tim sẽ được cứu.

Trước tình trạng của người bệnh, các bác sĩ khoa Can thiệp tim mạch và khoa Hồi sức Tim mạch đã nhanh chóng cấp cứu bệnh nhân, anh C. vừa thở máy, vừa dùng thuốc cấp cứu, vừa được ép tim, đồng thời can thiệp đặt stent tái thông động mạch vành. Tại khoa Hồi sức tim mạch, các thông số chức năng của anh C. nhanh chóng cải thiện, giảm dần các thuốc vận mạch, an thần…

Bác sĩ Phạm Văn Chính - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, người dân nên phòng tránh bệnh tim mạch bằng cách hạn chế các yếu tố nguy cơ như cai thuốc lá; hạn chế sử dụng rượu, bia... Đối với những bệnh nhân trẻ tuổi hoặc những người đã mắc bệnh tim mạch cần phải có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng phù hợp, tập thể dục đều đặn, cân đối công việc và cuộc sống. Ngoài ra, những người đã mắc bệnh tim mạch cũng cần thường xuyên thăm khám, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để duy trì sức khỏe. Đồng thời cần hạn chế một vài thực phẩm có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, thường xuyên sử dụng những loại thực phẩm tốt cho tim mạch ví dụ như rau xanh, trái cây, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm ít muối, ít chất béo...

Đức Trân