Hơn 350 nghìn người đang sống chung với ung thư
Trong 2 ngày 3 - 4/11 Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Hội Ung thư Việt Nam và Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo phòng, chống ung thư Hà Nội năm 2022. Các số liệu dẫn chứng tại hội thảo cho thấy, Việt Nam đang gia tăng số ca mắc mới và tử vong do ung thư.
Thông tin tại Hội thảo cho thấy, tình trạng mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đang tăng nhanh. Mỗi năm có 183 nghìn ca mới mắc và 123 nghìn người tử vong do ung thư, hiện có 354 nghìn người “sống chung” với ung thư... Cứ 100.000 người thì có 159 người bị chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm và các ca mắc mới ngày càng trẻ hóa theo thời gian. Điều này dẫn tới tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam năm 2020 đã tăng 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), từ 164.671 ca vào năm 2018, lên 182.563 ca vào năm 2020. Ngoài ra, sau 2 năm, số người tử vong do ung thư từ 114.871 người lên mức 122.690 người, tăng 6 bậc, xếp thứ 50/185 quốc gia.
Theo ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, kinh tế, cuộc sống càng phát triển, các bệnh không lây nhiễm (đặc biệt là ung thư) ngày càng gia tăng. Nguyên nhân gây tử vong nhóm bệnh không truyền nhiễm (ung thư, tim mạch…) chiếm 74% nguyên nhân gây tử vong ở người. Trên toàn cầu có 19,3 triệu người mắc mới và tử vong vì ung thư. Tình trạng mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam tăng nhanh cũng là xu hướng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm.
Theo ông Thuấn việc gia tăng về gánh nặng bệnh tật, số ca mắc mới và tử vong thì nhu cầu khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân ung thư cũng ngày một gia tăng, do đó chuyên ngành ung thư cũng phải nỗ lực phát triển. Cũng theo ông Thuấn, ung thư không phải vấn đề gây nên sợ hãi, lo lắng. Có thể phát hiện sớm, kịp thời và chữa khỏi nhờ các công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị. Xu hướng e ngại, sợ sệt với bệnh ung thư đang giảm dần. Nhiều người bệnh đã lao động, học tập và chung sống dần với căn bệnh ung thư. Nhiều ca bệnh nặng, phát hiện muộn nhưng nhờ các phương pháp điều trị mới, sau 10 năm vẫn sống mạnh khỏe từ Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội… Điều này cho thấy trình độ khoa học công nghệ của chúng ta đã từng bước tiếp cận với chẩn đoán, điều trị ung thư trên thế giới.
Các chuyên gia cũng cùng chung nhận định, thời gian qua những con số về chẩn đoán sớm, điều trị thành công đã minh chứng cho thành công của chúng ta trong tiếp cận, hội nhập khoa học kỹ thuật thế giới về điều trị ung thư.