Nỗi lo triều cường, khô hạn và xâm nhập mặn
Mùa lũ ở ĐBSCL đã qua, tuy nhiên, triều cường vẫn ở mức cao khiến nhiều vùng tiếp tục bị đe dọa ngập nặng. Cùng với triều cường, vùng đồng bằng này lại đang lo đối mặt với khô hạn và xâm nhập mặn.
Theo báo cáo của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP), tại vùng thượng nguồn của sông Cửu Long, mực nước tại các trạm đo Kratie và Biển Hồ (Campuchia) sau khi đạt đỉnh vào đầu và giữa tháng 10 hiện có xu hướng giảm mạnh nhưng vẫn ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Dự báo, từ nay đến cuối tháng 11, mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục giảm, ngày 30/11 tại trạm Tân Châu và Châu Đốc có thể ở mức 1,95 - 2,05m, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,19 - 0,31m.
Dù lũ đầu nguồn giảm nhưng ở vùng giữa và ven biển vẫn đối mặt với nguy cơ triều cường cao. Dự báo từ nay đến cuối năm triều cường vẫn ở mức cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm và cao hơn đỉnh triều năm 2021. Cao nhất là kỳ triều cường 25 – 26/11, nguy cơ xảy ra ngập úng ở những vùng trũng thấp đặc biệt ở các địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long và các tỉnh ven biển.
Từ tháng 9 tới nay, nhiều tỉnh, thành ở khu vực các tỉnh ĐBSCL phải đối mặt với đợt triều cường lịch sử, gây ngập lụt diện rộng tại các vùng trũng thấp, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Tại các đô thị, mỗi khi nước lên cao, nhiều hoạt động kinh tế xã hội bị xáo trộn nhất. Nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới bị ngập sâu.
Tại Cần Thơ, con nước nhiều ngày qua vượt báo động 3. Trong đó, đỉnh triều 2.27m đạt mốc cao nhất từ trước đến nay, cao hơn kỷ lục cũ 2.25m của 3 năm trước. Theo một số người dân sống trên đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, năm nay triều cường lên cao nhất trong những năm trở lại đây, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và cuộc sống của người dân. Nhiều nơi, ruộng vườn, đường phố đâu đâu cũng là nước và mức độ ngập cũng cao hơn mọi năm. Đây là điều bất thường, chưa từng có.
Trước diễn biến của các đợt triều cường trong những tháng cuối năm, UBND thành phố đã yêu cầu các sở ngành, địa phương kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, nhất là các tuyến đê bao ở các huyện đầu nguồn như Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các Cồn trên sông Hậu.
Còn tại Hậu Giang, triều cường dâng trong những ngày qua đã làm xuất hiện tình trạng ngập cục bộ ở các địa phương, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, do mới gây ngập úng nên bước đầu chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể.
Nguyên nhân triều cường dâng cao bất thường những ngày cuối năm, theo các cơ quan chức năng, là do lũ từ thượng nguồn đổ về gặp nước từ cửa sông đẩy vào, cùng với mưa lớn và mực nước dâng cao tràn bờ bao gây ngập lụt. Các chuyên gia nhận định, năm nay là một năm triều cường rất cao, vì thế không loại trừ sẽ tiếp tục có những kỷ lục mới. Dự báo từ nay đến cuối năm, Nam Bộ sẽ còn khoảng 4-5 đợt triều cường nữa. Trong đó, cần chú ý đợt triều cường cuối tháng 11 và tháng 12.
Vừa lo triều cường, giờ nhiều người dân lại thêm một mối lo mới, đó là nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô kế tiếp. Trong những năm qua, hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra ở khu vực ĐBSCL ngày càng gay gắt. Hầu như năm nào, tại các tỉnh ĐBSCL cũng xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, mùa khô năm 2019-2020, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL được đánh giá ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Về nguyên nhân các đô thị trong vùng ĐBSCL bị ngập, gây khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân, theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL là do nước biển dâng, dù tốc độ chậm, chỉ vài mm/năm nhưng tích lũy dần dần nhiều năm. Thêm vào đó, đồng bằng vẫn đang sụt lún vài cm mỗi năm do khai thác nước ngầm quá mức. Cuối cùng là do thủy triều vào qua các nhánh lớn của sông Cửu Long không còn lan tỏa đi đâu được vì hai bên sông đều có đê cống chặn lại. Nước thủy triều chỉ chảy trong dòng chính nên mạnh hơn và dâng cao hơn trước đây.