Lạm phát thách thức ‘sức khỏe’ đồng tiền chung châu Âu
Các số liệu được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố mới đây cho biết, tỷ lệ lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục lập kỷ lục mới khi lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua cột mốc 10%, đồng thời tăng trưởng kinh tế trong quý 3 cũng chỉ đạt con số rất thấp là 0,2%. Con số nói trên cao gấp 5 lần so với mục tiêu lạm phát mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra là 2%. Như vậy, bất chấp những nỗ lực kiềm chế lạm phát, khu vực đồng tiền chung châu Âu nói riêng (19 quốc gia) và rộng ra là Liên minh châu Âu (27 quốc gia) vẫn chìm trong khủng hoảng kinh tế.
Theo Eurostat, tỷ lệ lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 10/2022 đạt 10,7%. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đồng tiền euro được đưa vào lưu hành chính thức (từ đầu năm 2002), lạm phát tại khu vực đồng tiền chung mới vượt qua cột mốc 10%.
Trong số 19 nền kinh tế của khu vực Eurozone, có đến 11 nước ghi nhận tỷ lệ lạm phát vượt mức 10%, trong đó 3 quốc gia Baltic có tỷ lệ lạm phát cao nhất là trên 20%. Sau 3 nước Baltic là Hà Lan, với tỷ lệ lạm phát lên tới 17%; Bỉ: 13,1%; Italy: 12,8% và Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tỷ lệ lạm phát trong tháng 10/2022 là 11,6%, cao nhất trong hơn 7 thập kỷ qua.
Riêng Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu, tình hình có sáng hơn khi vẫn duy trì được mức lạm phát thấp hơn là khoảng 7,1% (theo số liệu của Eurostat, trong khi con số do Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) đưa ra là 6,2%).
Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ lạm phát trong khu vực Eurozone tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong 4 thập niên qua, Eurostat nhận định, giá năng lượng và giá thực phẩm vẫn là hai yếu tố lớn nhất khiến lạm phát tại khu vực này tăng cao.
Theo đó, giá năng lượng tại các nước trong Eurozone đã tăng 41,9% so với cách đây 1 năm, còn giá thực phẩm tăng 13,1%. Nhưng, theo giới chuyên gia tài chính, cho dù nếu loại trừ giá năng lượng và thực phẩm thì lạm phát tại khu vực này vẫn tăng 5% trong tháng 10/2022.
“Đó là dấu hiệu rõ ràng phản ánh bức tranh kinh tế tổng thể đang ngày càng xấu đi của khu vực Eurozone” - giáo sư Markus Will của Trường Đại học St-Gallen (Thuỵ Sỹ) nói. Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng “các chỉ số này là rất xấu. Tỷ lệ lạm phát này phải được coi là lớn nhất trong vòng hơn 70 năm qua tại châu Âu. Tuy nhiên, bên cạnh các con số này, tôi quan tâm đến các con số khác quan trọng hơn, đó là các số liệu về nợ. Việc tỷ lệ lạm phát giữa các nước châu Âu ngày càng có sự khác biệt sẽ tác động lớn đến lãi suất trả nợ đang tăng lên đáng kể ở các nước và đó sẽ là mối lo lớn đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB”.
Vì thế, theo giới quan sát thị trường, việc ECB phải sớm tăng lãi suất nhằm hạ lạm phát là không tránh khỏi, dù sẽ phải chấp nhận suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, bà Seema Shah - chiến lược gia toàn cầu tại Công ty Principal Global Investors, nhận định: "Eurozone đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan đặc biệt khó khăn. Không chỉ vì việc kiềm chế lạm phát phần lớn vẫn nằm ngoài khả năng của ECB, mà việc tăng lãi suất cũng sẽ chỉ làm trầm trọng thêm đà suy yếu kinh tế vốn đang bắt đầu nhấn chìm khu vực này".
Còn ông Sven Smit - Chủ tịch Viện McKinsey Global, đặt vấn đề: Phải chăng sự thay đổi chính sách tiền tệ của châu Âu quá ít và quá muộn? Vị này cũng “đặt nghi vấn” với khả năng của Chủ tịch ECB Christine Lagarde khi từng cho rằng lạm phát tăng vọt trong khu vực Eurozone “là hiện tượng tạm thời".
“10 tháng qua, kể từ đầu năm, các nhà hoạch định chính sách của ECB đã không có hành động gì đáng kể. Đáng lẽ, từ nhiều tháng trước, họ nên biết rằng không có cách nào có thể tránh tăng lãi suất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Việc thực hiện tăng lãi suất từ cuối tháng 7 đã là quá muộn” - ông Sven Smit nói.
Nhìn lại 10 tháng qua, giới chuyên gia tài chính cho rằng, hầu như giá cả khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone bị thả nổi. Cuối tháng 1 năm nay, tỷ lệ lạm phát của khu vực này đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% so với cùng thời điểm 1 năm trước. Đó cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1997 khi các dữ liệu liên quan bắt đầu được thu thập.
Kết thúc quý 1/2022, lạm phát đã tăng lên 7,5%, cao hơn nhiều so với mức dự báo là 6,6% (trong tháng 2 là 5,9% khi xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đẩy giá nhiên liệu và khí đốt lên mức cao). Tuy nhiên, vào thời điểm đó Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn tin rằng có thể đưa lạm phát về mức 2%.
Nhưng sự tình đã diễn biến ngày một thêm xấu. Cho tới tháng 7, Eurostat công bố), lạm phát ở khu vực Eurozone đã ở mức 8,9% do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục gia tăng (tỷ lệ này trong tháng 6 là 8,6%). Trong khi đó, theo Eurostat, tỷ trọng giá năng lượng trong lạm phát ở mức 39,6% vào tháng 7, giảm từ mức 42% trong tháng 6.
Vào thời điểm đó, dự báo cho tháng 9, tháng cuối cùng của quý 3, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn cho rằng lạm phát sẽ được kiềm chế và kéo giảm. Tuy nhiên, kết thúc tháng 9, lạm phát ở 19 quốc gia khu vực đồng Eurozone đã vọt lên 10% trong tháng 9, tăng so với mức 9,1% trong tháng 8.
Nhìn vào diễn tiến chỉ số lạm phát trong vòng 10 tháng của năm 2022 ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra những cảnh báo thiếu lạc quan. Các chuyên gia của OECD cho rằng, cho đến hết năm nay lạm phát ở châu Âu vẫn không “quay đầu” mà sẽ còn vắt sang quý 1/2023. “Kể cả cường quốc kinh tế là nước Đức thì cũng có thể bị đẩy vào cuộc suy thoái, trong trường hợp năng lượng bị gián đoạn vào mùa đông”.
Vậy cơ hội nào để khu vực đồng Eurozone thoát khỏi khủng hoảng?
Một trong những “điều kiện tiên quyết” được giới chuyên gia tài chính cho rằng đó phải là vực lại giá của đồng euro so với đồng đô la Mỹ (USD). Trong thông báo mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã hạ tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone xuống, lý do đồng euro đã xuống “dưới giá” so với USD. Dự báo của Ngân hàng Deutsche Bank cho rằng, nếu đồng euro giảm xuống 1 đổi 0,95-0,97 USD thì EU vẫn sẽ chìm trong khủng hoảng kinh tế.
Nhiều năm qua đồng euro vẫn được xác định là đồng tiền lớn thứ hai thế giới, sau USD. Cũng đã có lúc người ta cho rằng có một cuộc chiến ngầm giữa hai đồng tiền này, “đại diện” cho hai nền kinh tế bên hai bờ Đại Tây dương. Nhưng kể từ giữa năm 2022 đến nay, đồng euro xuống sức nhanh, đã hụt hơi trong cuộc chạy đua với đồng tiền Mỹ. Gần đây, giới truyền thông Mỹ còn cho rằng “đã đến lúc nghiên cứu về thuyết suy thoái của đồng euro”.
Cũng cần nhắc lại rằng, lý do chính khiến bà Lizz Truss, nguyên Thủ tướng nước Anh phải từ chức (vào ngày 20/10) chỉ sau 44 ngày cầm quyền, chính là do không giải quyết được vấn đề lạm phát và đời sống của người dân suy giảm. Trước đó, bà Giorgia Meloni thắng cử chức Thủ tướng Italy (trong ngày bầu cử 26/9) cũng vì Thủ tướng trước đó “không chèo lái được con thuyền kinh tế đất nước” ra khỏi khủng hoảng.
Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là một nhóm các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu sử dụng đồng euro làm đơn vị tiền tệ chính thức. Khu vực này hiện có 19 nước, tổng dân số trên 332 triệu người. GDP trung bình tính theo đầu người hơn 37.000 USD/năm.
Năm 1970 lần đầu tiên ý tưởng về một liên minh tiền tệ châu Âu được cụ thể hóa, theo sáng kiến của Thủ tướng Luxembourg Pierre Werner trong dự án mang tên “Liên minh kinh tế châu Âu với tiền tệ thống nhất”. Tuy nhiên, sáng kiến không thành.
Cho tới ngày 16/12/1995, Hội đồng châu Âu tại Madrid (Tây Ban Nha) mới có được quyết định tên của loại tiền tệ mới: “euro”. Ngày 13/12/1996, các bộ trưởng Tài chính của EU đạt được thỏa thuận Hiệp ước Ổn định và tăng trưởng, nhằm bảo đảm các nước thành viên giữ kỷ luật về ngân sách và qua đó bảo đảm giá trị của tiền tệ chung.
Ngày 1/1/1999, euro trở thành tiền tệ chính thức trong khối và việc phát hành đồng euro đến người tiêu dùng bắt đầu vào ngày 1/1/2002, sau khi hoàn thành việc quy đổi tỷ giá giữa các đồng tiền nội khối tồn tại trước đó.
Năm 1999, 1 euro được định giá ít hơn 1 USD. Nhưng từ năm 2003 trở đi, đồng euro liên tục tăng giá so với USD, đạt mức cao 1 euro “ăn” gần 1,6 USD vào mùa hè năm 2008. Hiện giá 1 euro “ăn” khoảng 0,98 USD, có nghĩa là đã mất giá.