Băn khoăn phạt tiền trong môi trường sư phạm
Mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp áp dụng với cả giảng viên và người học tại Nghị định 88 Chính phủ vừa ban hành đang được dư luận quan tâm. Có ý kiến bày tỏ, cần thiết hơn là phải xây dựng được tiêu chuẩn về tác phong, hành vi, lối sống, phát ngôn và hành động của cán bộ, giảng viên, người học, phụ huynh trong môi trường sư phạm chứ phạt tiền chưa chắc đã hiệu quả.
Áp dụng với cả giảng viên và người học
Theo Nghị định 88 được Chính phủ ban hành ngày 26/10 về mức phạt và bồi thường vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trong trường hợp kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học (chưa đến mức bị truy cứu hình sự), giảng viên bị phạt 5-10 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với người học nếu có hành vi tương tự với nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong trường.
Ngoài nộp phạt tiền mặt, người gây ra hành vi phải xin lỗi công khai người bị xúc phạm, trừ trường hợp nạn nhân yêu cầu không công khai. Giảng viên nếu kỷ luật sinh viên sai quy định thì phải hủy bỏ quyết định, khôi phục quyền học tập với sinh viên. Những điều khoản liên quan việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm của giảng viên và người học là điểm mới của Nghị định 88 so với quy định hiện hành.
Trong quá trình quản lý hồ sơ người học, nếu giảng viên sửa chữa các tài liệu liên quan việc đánh giá kết quả của sinh viên hoặc lập, lưu trữ, bảo quản hồ sơ không đúng quy định, mức phạt được áp dụng là từ 5 - 10 triệu đồng. Khi thu, giữ, quản lý giấy tờ của sinh viên không đúng quy định, giảng viên bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Mức phạt cũ là 2-5 triệu đồng.
Một điểm mới nữa của nghị định này là giảng viên bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng nếu tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian được cử đi đào tạo ở nước ngoài hoặc không được tốt nghiệp. Mức phạt tăng lên 40-60 triệu đồng nếu giảng viên lợi dụng việc đi học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật để đi lao động hoặc ở lại nước ngoài trái pháp luật. Trong trường hợp khai man, sửa chữa hồ sơ để được ra nước ngoài, giảng viên bị phạt 10-20 triệu đồng. Mức phạt tối đa với cá nhân là 75 triệu đồng. Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 12/12.
Chưa chắc đã hiệu quả
Dù vậy, liên quan tới mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng áp dụng với cả giảng viên và người học, chia sẻ từ những người trong cuộc cho thấy, vẫn còn một số băn khoăn. Thạc sĩ Vũ Văn Đông - Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ thông tin TPHCM bày tỏ: Quy định trên sẽ góp phần làm cho mối quan hệ giữa giảng viên - người học, giảng viên - giảng viên, sinh viên - sinh viên… trong trường học giảm bớt những ứng xử tiêu cực. Tuy nhiên, phạt tiền chỉ nên là biện pháp cuối cùng, quan trọng vẫn là nhắc nhở, cảnh cáo, răn đe theo hướng giáo dục ý thức để những người vi phạm tự thay đổi cách ứng xử theo hướng tích cực hơn.
Cùng chung quan điểm, Thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhàn - giảng viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức phân tích: Việc đưa ra bất kỳ hình thức phạt nào cũng chỉ nhằm mục đích răn đe chứ chưa nhằm mục đích giáo dục hay đi vào giải quyết triệt để vấn đề về bản chất. Bởi việc xúc phạm người học, giảng viên thì bị phạt tiền, vậy như thế nào là xúc phạm, mức độ nào thì phạt bao nhiêu. Nhiều khi chỉ một câu nói của người dạy thôi, cũng làm thay đổi cả cuộc đời của một người học và ngược lại. Vậy 5 hay 10 triệu đồng có đủ để bồi thường hay không?. Rồi “Sau khi đóng phạt, liệu chuyện đó có chấm dứt không hay lại trở thành tiền lệ cứ có tiền phạt là được quyền xúc phạm người khác?”, Thạc sĩ Nhàn lo ngại, đồng thời kiến nghị: Cần thiết hơn là phải xây dựng được tiêu chuẩn về tác phong, hành vi, lối sống, phát ngôn và hành động của cán bộ, giảng viên, người học, phụ huynh trong môi trường sư phạm.
Với quy định mức phạt nêu trên, TS.LS Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội bày tỏ: Thời gian qua đã có trường hợp giáo viên bị xử lý hình sự về hành vi bạo hành với học sinh, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra. Bởi vậy việc ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là cần thiết.
“Trong xã hội có hai nghề được cả xã hội tôn vinh, gọi là thầy đó là thầy giáo và thầy thuốc. Một xã hội có khỏe mạnh hay không, có tiềm lực để phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào thành công của lĩnh vực y tế và giáo dục. Việc bổ sung các quy định, các chế tài đối với các hình thức xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính và chế tài hình sự đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này cũng là điều cần thiết. Chế tài hành chính với hành vi vi phạm luật giáo dục, xâm phạm đến quyền lợi của người học sẽ là cảnh báo, cảnh tỉnh cho các giáo viên, cán bộ giáo dục trong việc nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật và kỷ luật học viên đồng thời là cơ sở pháp lý để xử lý đối với hành vi vi phạm. Khi danh dự nhân phẩm của học sinh được tôn trọng, các quy định trong lĩnh vực giáo dục được bảo đảm tuân thủ thì xã hội mới văn minh, môi trường giáo dục mới trong sạch, lành mạnh, tạo động lực để xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, tuân thủ pháp luật”, ông Cường nhìn nhận.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, TS Vũ Thu Hương - giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, sẽ không có giáo dục bằng bạo lực nhưng cũng không thể có giáo dục không có hình phạt. Hiện nay, phụ huynh không hiểu giá trị của hình phạt trong giáo dục. Vì vậy, rất cần những lời tư vấn, đến từ các cơ quan chăm sóc trẻ em.
Mặt khác, khi nhà trường phạt giáo viên vì giáo viên phạt học sinh, thì sẽ khiến cho giáo viên nghĩ rằng mình không được phạt học sinh, nhiệm vụ giáo viên chỉ là lên lớp giảng bài, còn học sinh muốn học hay chơi cũng không can thiệp, không phải nhiệm vụ của họ. Từ đó, học sinh sẽ cho rằng không ai có quyền phạt mình, không thể phân biệt được đúng sai, không thể hiểu biết về pháp luật. Giáo dục trẻ rất cần những quy định rõ ràng và cần được công bố trước với phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, việc áp dụng những quy định và hình phạt đó phải được tiến hành với cả học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý. Khi đó, bản thân học sinh sẽ nhận thức được việc phải tuân thủ kỷ luật và các quy định sẽ công bằng với tất cả mọi người.