Ngư dân miền Tây vui mùa cá đối

ĐOÀN XÁ 06/11/2022 08:03

Là loài sinh sống ở xa biển khơi nhưng những tháng cuối năm, cá đối thường men theo thủy triều ngược về ven bờ, thậm chí vào cả cửa sông chảy ra biển để sinh sản. Dù khoảng thời gian cá đối xuất hiện không nhiều nhưng cũng đủ mang đến sinh kế cho nhiều người dân ven cửa biển miền Tây Nam bộ. Trong đó, những ngư dân vùng Ba Tri, Bình Đại (tỉnh Bến Tre) hay Cầu Ngang, Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) vui mừng nhất vì trữ lượng cá đối dồi dào.

Anh Thuận đang gỡ lưới cá đối.

Sống cùng con nước triều

Nếu như hầu hết các loại hải sản hiện nay đều ở vùng nước xa bờ, ngư dân thường vất vả chạy ghe ra ngoài khơi để đánh bắt thì ngược lại, cá đối vào thời gian này lại sinh sống ở vùng nước ven bờ hay những cửa sông nước lợ. Ngồi trên chiếc ghe dài chừng mười mét, ông Nguyễn Văn Hỏa, 54 tuổi kể cả cuộc đời ông gắn bó với cửa sông Hàm Luông. “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng cửa biển Ba Tri này. Từ bé đã gắn bó với vùng nước, thông thuộc từng con triều lên xuống. Mùa này ở đây đánh bắt cá đối là thuận lợi nhất. Cá đối nhiều lắm, chúng từ biển theo con triều đẩy vào. Có khi ngược sông lên tận cù lao Đất vẫn còn cá đối. Tuy nhiên ở quanh đây là nhiều nhất. Có bữa không dám đánh nhiều vì bán không hết”, ông Hỏa, người ở thị trấn Tiệm Tôn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre kể. Cũng theo người đàn ông này, cá đối nhiều và dễ đánh bắt vì chúng thường đi theo đàn lớn. Chỉ cần thả lưới ven mặt nước, thậm chí không cần ghe mà chỉ lội ra vùng mặt nước ven bờ cũng có thể vây bắt được cá đối. “Cá đối mùa này vẫn còn nhỏ, phải sát tết mới lớn và có trứng. Đó là lúc cá đối có giá, bán tại chợ cũng một trăm ngàn đồng mỗi ký. Còn hiện nay giá mỗi ký cá chỉ bán được bốn mươi ngàn thôi”, ông Hỏa cho biết thêm.

Ngồi cạnh ông Hỏa, vừa thoăn thoắt gỡ lưới những con cá đối trắng mượt mà, bà Bé Tư vợ ông vừa bảo giờ mới đầu mùa cá đối, bán rất dễ. “Cá đầu mùa béo và thịt ngọt lắm. Chiều nào ra chợ Tiệm Tôm bán người ta cũng lấy hết. Có mấy người ở trên thị trấn Ba Tri cũng nói gửi cá lên. Cá đối chiên giòn chấm mắm me là đặc sản bây giờ đó”, bà Bé Tư cho biết. Cũng theo người phụ nữ này, mỗi ngày vợ chồng bà đi ghe ra khu cửa sông để thả lưới. Lúc thì ở bến đò An Hòa Tây, lúc xuôi xuống bến đò An Thuận hay cảng Ba Tri. Bà còn bảo trước kia chạy ghe xuống tận cù lao Hổ nhưng mấy năm rồi người ta làm điện gió, cánh quạt quay mạnh nên cá không vô mé đó nữa. Vùng cửa biển này chế độ thủy triều ngày lên xuống 2 lần. Lúc giữa trưa và giữa đêm là cạn nhất. Lúc sáng sớm và chiều tối là đầy nhất. Khoảng thời gian giữa trưa, thường từ 2 tới 5 giờ chiều là khung thời gian đẹp nhất của những người thả lưới cá đối như vợ chồng bà Bé Tư.

Trò chuyện cùng vợ chồng ngư dân này, chúng tôi còn được biết ông bà có người con trai cả làm công nhân lái xe ở Bình Dương, thi thoảng có đưa cháu nội về thăm. Người con gái út thì đang thuê nhà trọ ở Mỹ Tho (Tiền Giang) để học đại học về ngành du lịch, tuần nào cũng về với ba mẹ vì chỉ cách nhà hơn bốn mươi cây số.

Cá đối mang đến sinh kế cho người dân ven cửa biển miền Tây Nam bộ.

Niềm vui nơi cửa biển

Không chỉ có vùng Ba Tri, thời gian này cá đối xuất hiện ở nhiều cửa biển khác ở miền Tây Nam bộ. Trong đó cửa sông Cổ Chiên, dòng sông rộng nhất trong số 9 cửa Cửu Long Giang có rất nhiều cá đối. Dù là loài cá nhỏ nhưng cá đối thường ở những nơi có dòng nước chảy, thậm chí nước càng chảy xiết thì những đàn cá đối tập hợp lại càng nhiều. Với những ngư dân ở làng biển Mỹ Long (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), một trong những làng biển lâu đời nhất miền Tây Nam bộ, săn bắt cá đối đã là nghề truyền thống ở đây. Hiện nay vẫn có hàng chục ghe lưới cá đối, hầu hết là ghe nhỏ, ven bờ.

Đầu tư thêm 12 triệu đồng mua gần 800 mét lưới và gần một triệu tiền dầu, anh Trần Văn Thuận (xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang) hồ hởi chuẩn bị bước vào một mùa lưới cá đối mới. “Cá đối này hay lắm, muốn lưới phải có đôi đi cùng. Nên vợ chồng tôi năm nào cũng chuẩn bị ghe lưới đi cá đối. Mỗi năm chỉ có 3 tháng, tới sau tết là cá đối hết. Muốn có phải đợi sang năm”, anh Thuận kể.

Theo anh Thuận, nghề biển bây giờ rất khó khăn, kể cả những nghề tưởng ngon ăn như lưới cá đối. “Không phải chạy ghe nhiều nhưng mỗi ngày cũng hết dăm chục tiền dầu. Rồi tiền lưới, tiền sửa ghe vỏ nữa. Mà cá đối ở đây nhiều nhưng cũng có nhiều ghe bắt. Giờ ghe ở trên miệt cồn Cò, cồn Chim cũng xuôi về đây mùa cá đối. Trước kia chỉ chạy ghe lòng vòng quanh khu bến đò Thủ Trước, Mỹ Long là đầy lưới thì nay phải chạy xa tận Hiệp Thạnh, Long Hòa mới đủ, tốn thêm mớ tiền dầu nữa. Nhưng mình quen nghề rồi, năm nào tới mùa gió chướng về là cũng đi lưới cá đối không à”, anh Thuận chia sẻ.

Thả lưới đánh bắt cá đối.

Với 800 mét lưới tơ (lưới dính), vợ chồng anh Thuận chạy ghe để chọn vùng nước và thả lưới. Sau khi thả và neo ghe chừng một giờ đồng hồ, anh chị quay trở lại gỡ lưới. Anh Thuận làm công việc rút lưới, còn vợ anh sẽ gỡ cá. Do lưới có nhiều tơ nhỏ dính cá đối nên việc gỡ rất cẩn thận. Nếu bứt mạnh thì cá dễ chết hoặc rách lưới. Bứt nhẹ thì cá không ra được. Sau đó lưới được xếp lại trên ghe, cá được bỏ vào thùng nhựa bên cạnh. Công việc cứ thế lặng lẽ qua đi. Có điều kỳ lạ là suốt một đoạn lưới dài hàng trăm mét, đôi vợ chồng ngư dân này kéo lên chỉ toàn cá đối, gần như không có loại cá nào khác. Anh Thuận bảo mùa này nước trên thượng nguồn đổ về nhiều, thời gian thả lưới là lúc nước triều từ biển đẩy vào nên con nước chảy qua lại rất xiết. Hầu hết các loài cá ở vùng nước lợ chảy xiết đều là cá đáy, nghĩa là sống sát dưới mặt nước. Chỉ riêng cá đối là sống ở tầng nổi nên mới dính lưới mà thôi. Đó là lý do mùa này hầu hết ngư dân chỉ đánh cá đối ở những khu vực cửa biển như vậy.

Trong thời gian tìm hiểu về cuộc sống của những ngư dân làm nghề cá đối ở miền Tây Nam bộ, chúng tôi biết rằng nhiều người thường bắt cá đối bằng cách thả câu. Tuy cá đối có rất nhiều nhưng càng về cuối năm trữ lượng càng giảm. Lưới sẽ khó khăn hơn nên việc thả câu, thường là lưỡi chùm khoảng từ 50-70 lưỡi cũng là phương thức đánh bắt ưa thích của ngư dân. So với cá lưới, cá đối câu bán giá cao hơn chút đỉnh. Và điều đặc biệt, cá đối chỉ câu được lúc buổi đêm, chứ ban ngày thì chúng không dính lưỡi.

ĐOÀN XÁ