Quảng Nam, Quảng Ngãi: Khẩn trương dập dịch sốt xuất huyết

Tấn Thành - Chí Đại 07/11/2022 10:02

So với thời điểm này của những năm trước thì tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn 2 tỉnh nói trên bùng phát mạnh. Vì thế, hiện nay 2 tỉnh đang triển khai các biện pháp với quyết tâm nỗ lực để dập dịch.

Bùng phát mạnh

Tại tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 1/11, đã có 13.713 ca mắc sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết phân bố ở 18/18 huyện, thị xã, thành phố, tập trung cao nhất ở khu vực đồng bằng như: TP Tam Kỳ là 1.839 ca, Thăng Bình là 2.715 ca, Đại Lộc là 1.309 ca, Duy Xuyên là 1.264 ca;…

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại BVĐK khu vực Quảng Nam.

Chị Nguyễn Thị Thúy Trang, trú thị trấn Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tôi thấy cơ thể mình mệt mỏi và trong người đau ê ẩm, nên người thân đưa tôi tới bệnh viện và các y, bác sĩ xét nghiệm kết luận tôi mắc bệnh sốt xuất huyết. Sau thời gian điều trị, sức khỏe tôi đã ổn định trở lại”.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Quảng Nam cho biết: “Tại BVĐK khu vực Quảng Nam từ đầu tháng 6 đến nay ghi nhận 202 ca nhập viện, trong đó điều trị khỏi 194 ca, bệnh nặng phải chuyển tuyến trên 8 ca, hiện nay đang là thời gian cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số ca mắc mới gia tăng”.

Nói về triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung cho biết, sốt cao liên tục, kèm theo đau đầu, đau mình mẩy, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ. Còn trường hợp nặng có dấu hiệu như đau bụng dữ dội, nôn liên tục, tiểu ít, chân tay lạnh,… nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ đến thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết: “Bệnh sốt xuất huyết hiện nay rất nguy hiểm và diễn biến chuyển nặng nhanh, do vậy người dân cần theo dõi kỹ tình hình sức khỏe nếu mắc bệnh. Người dân cũng phải biết được các triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết, chúng ta không được chủ quan.

“Khi chúng ta sốt với bất kỳ lý do gì thì cũng phải đến Trung tâm y tế để được thăm khám, phát hiện và xử lý sớm. Bên cạnh đó, ngành y tế tăng cường công tác giám sát, cảnh giác với những ca bệnh có sốt vào viện để phát hiện, xử lý kịp thời”, ông Văn nói.

Còn Tiến sĩ Y khoa Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) cho hay, Viện Pasteur Nha Trang đã tổ chức giám sát các ổ dịch tại Quảng Nam và kết quả cho thấy, hiện nay virus gây sốt xuất huyết tại Quảng Nam có đủ cả 4 chủng Den 1, Den 2, Den 3 và Den 4.

“Quảng Nam hiện nay tập trung đủ 4 tuýp như vậy, trong đó số ca mắc phải tuýp Den 3 là tuýp dễ gây bệnh nặng và tử vong ghi nhận nhiều. Hiện tại, chúng tôi xác định Quảng Nam đang ở những tuần báo động của đỉnh dịch, trung bình một tuần hiện nay ghi nhận có gần 900 ca mắc. Báo động mức độ lây lan mạnh trong cộng đồng”, ông Kiệm thông tin.

Chị Nguyễn Thị Thúy Trang chia sẻ về việc mắc sốt xuất huyết.

Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận trên 3.200 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ghi nhận của chúng tôi tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, BVĐK tỉnh Quảng Ngãi hiện đang thu dung và điều trị gần 100 bệnh nhân sốt xuất huyết. Đa phần đều là bệnh nhân nặng với biểu hiện chính là giảm tiểu cầu.

Ông Lê Đoàn Việt Thanh, trú thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tôi sốt ở nhà 2 ngày qua và đến ngày thứ 3 mới tới bệnh viện. Sau đó các y, bác sĩ thăm khám, xét nghiệm máu nói tôi bị sốt xuất huyết và nặng, tiểu cầu hụt phải truyền. Qua mấy ngày điều trị hiện nay tôi đã khỏe, chuẩn bị xuất viện”.

Khẩn trương dập dịch

Để khẩn trương dập dịch sốt xuất huyết, những ngày qua, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy và phun thuốc hóa chất diệt muỗi, đồng thời các lực lượng chức năng đã đến từng khu dân cư để phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân về biện pháp chống dịch sốt xuất huyết.

Lực lượng chức năng ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy.

Ông Nguyễn Hồng Lai, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết: “Trước tình hình sốt xuất huyết bùng phát như hiện nay, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đây là hoạt động nhằm giảm lăng quăng và muỗi đến mức thấp nhất, qua đó góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trên địa bàn thành phố”.

Ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, để chống dịch hiệu quả, hiện nay UBND các huyện, thị xã, thành phố giao trách nhiệm cụ thể, ký cam kết với UBND cấp xã, các Phòng, Ban liên quan và huy động các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy trên toàn địa bàn.

Nhân viên phun thuốc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thuận, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bệnh viện tỉnh là tuyến cuối, tập trung những ca nặng, có cảnh báo. Trong trường hợp thiếu tiểu cầu thì bệnh viện chuẩn bị sẵn các phương án, các Câu lạc bộ máu sống vì tiểu cầu không lưu trữ để kịp thời truyền ngay cho bệnh nhân.

Để chuẩn bị cho tình huống bệnh nhân sốt xuất huyết tiếp tục tăng, Khoa Bệnh nhiệt đới đã kê thêm giường bệnh, từ 54 lên 80 giường, đồng thời huy động các y, bác sĩ ở các khoa liên quan hỗ trợ, cùng với đó liên hệ với các câu lạc bộ ngân hàng máu sống, thành lập ngân hàng máu sống ngay tại bệnh viện để hỗ trợ truyền máu, tiểu cầu cho bệnh nhân kịp thời.

“Cho nên thời gian qua, những trường hợp giảm tiểu cầu đều có đủ tiểu cầu truyền cho bệnh nhân. Thế nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa mưa. Do đó, người dân cần chủ động phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế để giảm nguy cơ mắc và tử vong” bác sĩ Huỳnh Thị Thuận nói.

Người dân được cán bộ hướng dẫn phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Hiện nay tại 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn như đẩy mạnh công tác truyền thông, triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, không để dịch lan rộng kéo dài; xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Tấn Thành - Chí Đại