Ngư dân vượt khó vươn khơi – Bài cuối: Hỗ trợ ngư dân bám biển
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2022 việc đánh bắt hải sản của ngư dân gặp nhiều yếu tố bất lợi. Tuy vậy, ngư dân đã sắp xếp, tổ chức tốt sản xuất để giảm chi phí đầu vào, sản lượng khai thác cao hơn, hiệu quả kinh tế đảm bảo hơn.
PV: Thưa ông, hiện đội tàu cá của tỉnh Quang Nam có bao nhiêu chiếc và tới nay kết quả khai thác hải sản ra sao?
Ông Hồ Quang Bửu: Tính đến ngày 1/11/2022, số lượng tàu cá toàn tỉnh là 2.741 chiếc, trong đó vùng khơi tàu (≥15 mét) là 672 chiếc, vùng lộng (12<15 mét) là 731 chiếc, vùng bờ (6<12 mét) là 1.338 chiếc. Trong khi đó, sản lượng khai thác thủy sản năm 2022 dự kiến đạt 100.080 tấn, đạt 105,35% kế hoạch, tăng 2.65% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó khai thác biển 92.600 tấn, khai thác nội địa là 7.480 tấn. Một số nghề hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân như nghề câu mực, lưới vây.
Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã có những chính sách gì hỗ trợ cho ngư dân, thưa ông?
- Trong những năm gần đây, lĩnh vực khai thác thủy sản nói riêng đã nhận được sự quan tâm, đầu tư rất lớn từ Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất khai thác hải sản đã được ban hành kịp thời. Trong đó, tính đến ngày 31/10/2022, Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam đã ký hợp đồng cho vay 125 trường hợp đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ, tổng số vốn giải ngân đến 31/10/2022 đạt 192,330 tỷ đồng, thực hiện chi hỗ trợ sinh kế 1.707.581.000 đồng. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng có chính sách hỗ trợ chi phí cho ngư dân học các chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy, UBND huyện Thăng Bình có chính sách hỗ trợ cho chủ tàu đóng mới, cải hoán tàu cá xa bờ…
Tới nay, các khu neo đậu tàu cá của tỉnh Quảng Nam đáp ứng được 70% tàu cá, gồm các khu neo đậu: Cù lao Chàm, Cửa Đại, Hồng Triều, An Hòa và khu neo đậu 3 xã Tam Tiến - Tam Hòa và Tam Xuân 2. Số tàu cá còn lại 30% neo đậu tại các vùng truyền thống. Quảng Nam cũng đã đề xuất trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự án giai đoạn 2 nâng cấp Khu neo đậu An Hòa kết hợp Cảng cá Tam Quang dự kiến 440 tỷ đồng...
Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ này đã mang lại ý nghĩa chính trị, xã hội rất lớn. Đội tàu khai thác hải sản xa bờ của tỉnh Quảng Nam phát triển mạnh cả về số lượng lẫn công suất. Sản lượng và giá trị khai thác hải sản tăng qua các năm. Cơ cấu nghề khai thác hải sản chuyển dịch theo hướng đa nghề, sản xuất quanh năm và vươn khơi khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế, phục vụ xuất khẩu. Cộng đồng ngư dân nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tiếp tục vươn khơi bám biển duy trì sự hiện diện ngư dân ở vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Để nâng cao nhận thức của ngư dân khi hành nghề trên biển chúng ta đã làm những gì thưa ông?
- Hàng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, Hội Nghề cá, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Biển, Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn dưới luật; phổ biến các chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển thủy sản, các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định... UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng Kế hoạch phối hợp tuần tra, xử lý tàu cá khai thác hải sản trái phép, không báo cáo, không theo quy định trên vùng biển tỉnh Quảng Nam; đồng thời chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức thực hiện tốt các nội dung tuyên truyền về Hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về biển, khai thác IUU. Ngày 28/10/2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 nhằm tăng cường phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tàu cá của ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; đồng thời thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển nhằm hỗ trợ ngư dân một cách tốt nhất khi gặp sự cố trên biển.
Có thể nói, việc nâng cao nhận thức của ngư dân về chủ quyền biển đảo, về hành nghề trên biển là nhiệm vụ quan trọng và thực hiện thường xuyên. Thời gian tới tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức; đồng thời đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho ngư dân yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của ngư dân trên biển, bên cạnh việc khai thác hải sản?
- Với ngư dân Quảng Nam, nghề biển là nghề cha truyền con nối. Trước đây, phần lớn tàu cá chỉ khai thác vùng biển gần bờ do phương tiện có trọng tải và công suất nhỏ, tập trung các nghề chủ yếu là câu và lưới rê. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nghề cá đã có sự phát triển vượt bậc, ngư dân đã đầu tư đóng mới nhiều tàu thuyền kích thước, công suất lớn và được trang bị các thiết bị, thông tin liên lạc hiện đại để vươn khơi đánh bắt dài ngày trên biển đạt được hiệu quả kinh tế cao. Đối với ngư dân, nghề đi biển không chỉ là sinh kế nuôi sống bản thân, gia đình mà còn gắn liền với tình yêu với biển, đảo của Tổ quốc.
Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả đó, cần phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, trong đó sự hiện diện của ngư dân trên Biển Đông không chỉ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế mà còn là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hiện tỉnh Quảng Nam đã thành lập được 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu/4.879 lao động tham gia; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu/8.063 lao động tham gia giúp ngư dân yên tâm hơn trong việc vươn khơi, bám biển, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn an ninh chính trị trật tự trên biển; đảm bảo an toàn tính mạng và tàu thuyền khi sản xuất, tăng cường sự hiện diện của tàu cá trên các vùng biển xa, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trân trọng cảm ơn ông!