Cần cấp bách tăng lương, phụ cấp cho giáo viên
Một trong những vấn đề “nóng” nhất của kỳ họp Quốc hội lần này là chuyện giáo viên nghỉ việc. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đang đề xuất tăng lương và tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên để nâng cao chất lượng đời sống cho giáo viên, theo tinh thần “có thực thì đạo mới vực được”.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi báo cáo tới các đại biểu quốc hội cho biết, năm học 2021-2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục; trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người; phân theo cấp học thì giáo viên mầm non nghỉ việc nhiều nhất.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống. Hiện nay, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, áp lực công việc đối với giáo viên rất lớn - phân công nhiệm vụ chưa hợp lý, thiếu khoa học; tổ chức quản lý thiếu dân chủ, nặng về áp đặt, mệnh lệnh từ trên xuống dưới - từ đó ảnh hưởng đến tinh thần làm việc, hạn chế sự sáng tạo của giáo viên. Cộng với đồng lương thấp, nhiều người sẽ lựa chọn rời đi.
Tuy nhiên, ngay cả với mức thu nhập từ lương và phụ cấp là 6 triệu đồng/tháng mà người đứng đầu ngành giáo dục nêu cũng khiến nhiều người giật mình. Bởi trên thực tế, trong 5 năm đầu tiên, rất ít giáo viên được lĩnh tới 6 triệu đồng/tháng nếu không công tác ở khu vực đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% và nhóm các trường chuyên biệt.
Thông thường, lương giáo viên công tác 5 năm sẽ được tính theo công thức: Năm đầu tiên tập sự, 3 năm đầu hưởng lương hệ số 2,34, sau 3 năm được lên 2,67 nhân với 1.490.000 đồng lương cơ sở, cộng phụ cấp 30% nữa là tổng cộng 5.171.000 đồng. Nếu trừ đi tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn phí… Như vậy giáo viên lĩnh mỗi tháng chưa được 4 triệu đồng. Đó là chưa kể nhiều khoản ủng hộ, chia sẻ, các quỹ khác trừ trực tiếp vào lương mà cả trường cùng đóng.
Cô Nguyễn Thị Liên (Trường mầm non A xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, thông tin lương cơ sở tới đây tăng khiến nhiều giáo viên trong trường phấn khởi. Bởi sống ở thành phố, mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng cô đang nhận rất chật vật để xoay sở việc nuôi 2 con nhỏ. Giáo viên mầm non cũng khó làm thêm việc gì để cải thiện thu nhập vì hơn 6h sáng đã ra khỏi nhà, chiều gần 6h mới về đến nhà, mọi việc may có chồng và bà cùng giúp đỡ. “Tôi đang lo “lương chưa tăng giá cả đã tăng” hay lương tăng 1 mà giá tăng 2. Ngay những ngày cuối năm này, giá nhiều mặt hàng đã tăng chóng mặt dù mức lương mới vẫn còn xa mới được áp dụng” - cô Liên bày tỏ.
TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) nhìn nhận việc gần 40.000 người thôi việc, trong đó có 16.000 giáo viên là hồi chuông báo động không nhỏ đối với các cơ quan hoạch định chính sách. Trước hết là chính sách về lương. “Ai cũng biết lương của cán bộ công chức viên chức về cơ bản là không đủ cho họ và gia đình. Con người ta đi làm để làm gì nếu không phải là kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình. Lương ở cơ quan không đủ sống thì buộc phải kiếm sống ở khu vực tư. Lương khu vực tư bao giờ cũng cao hơn khu vực công. Những người có năng lực, thực tài sẽ được trả lương tương xứng trong khu vực tư. Một trong những hấp dẫn của khu vực tư chính là coi trọng thực tài, trả lương theo kết quả công việc” - ông Hòa nói và chỉ ra bất cập thứ 2 là chính sách về thăng tiến. Cơ hội bình đẳng thăng tiến trong khu vực công, trong từng cơ quan, tổ chức nhà nước là rất hạn chế do nhiều lý do.
Ông Hòa cho rằng cần có những giải pháp thỏa đáng để khắc phục tình trạng này. Làm sao để thu hút và giữ chân người tài, không tạo thành “làn sóng” giáo viên nghỉ việc khi đã có những người dám bước ra khỏi nghề giáo.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc tăng lương, phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiểu học cần được thực hiện cấp bách. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ chuyên môn. Đặc biệt, về phía nhà giáo, về phía xã hội, về phía phụ huynh, ông mong có được sự chia sẻ, đồng hành cả hai phía. Nhà giáo cũng rất cố gắng, tiên trách kỷ, hậu trách nhân, nhưng về phía xã hội, về phía phụ huynh cũng thực sự chia sẻ và sự chia sẻ này sẽ tốt cho con em chúng ta.