Quy hoạch Thủ đô: Khắc phục khiếm khuyết

H.Hương 07/11/2022 14:00

Hà Nội, cứ mưa là ngập, đến giờ cao điểm là tắc đường, cao ốc mọc lên như nấm trong khi không gian xanh ít dần… là những điểm yếu trong quy hoạch đô thị. Kế hoạch khắc phục những khuyết điểm trong quy hoạch kiến trúc Hà Nội sẽ thực hiện như thế nào là điều được dư luận xã hội quan tâm hiện nay.

Hà Nội bị áp lực bởi nhiều tòa cao ốc, thiếu không gian xanh. Ảnh: X.N.

Nhìn nhận các điểm yếu

Tại hội nghị kiểm điểm năm 2021 thuộc lĩnh vực quy hoạch kiến trúc của TP Hà Nội vừa diễn ra, UBND TP Hà Nội cho biết, đã triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, tiến độ triển khai lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô còn chậm; công tác điều chỉnh quy hoạch, công tác lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 còn nhiều vướng mắc do bất cập về pháp luật. Tiến độ thực hiện một số đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị riêng nằm trong kế hoạch còn chậm, chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án tuyến đường, chưa đảm bảo tính khả thi…

Trước những bất cập nói trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch khắc phục toàn diện những hạn chế, khuyết điểm quy hoạch. Rất nhiều người dân cũng như giới chuyên gia bày tỏ sự vui mừng khi nghe thông tin về kế hoạch này. Bởi lâu nay người dân sống ở Hà Nội luôn sống trong cảnh thấp thỏm mưa là ngập, giờ cao điểm là ùn tắc. Đặc biệt, cao ốc mọc lên như nấm nhưng thiếu không gian cây xanh, thiếu bãi đỗ xe, thiếu hồ điều hoà.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, phát triển đô thị đòi hỏi sự đồng bộ ở các lĩnh vực, các ngành và rất cần quy hoạch đi trước một bước cùng với hoàn thiện thể chế phát triển, quản lý đô thị.

Theo ông Nghiêm, quy hoạch đô thị Hà Nội có quá nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế cần khắc phục như, một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng vẫn chưa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định; chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực. Một số công trình hạ tầng thiết yếu như vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo dự án được phê duyệt ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Lâu nay, người ta vẫn cho rằng, tắc đường là “đặc sản” của Hà Nội. Nhiều người dân tại các khu đô thị như Linh Đàm, An Hưng, Gamuda Garden đều bày tỏ, chưa nói đến việc kết nối hạ tầng kỹ thuật, xã hội xung quanh, thì ngay việc giao thông đi lại đã gặp rất nhiều vấn đề, người dân đã quá quen với cảnh ùn tắc trong các giờ cao điểm…

Đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết

Giới chuyên gia cho rằng, tổ chức thực hiện theo quy hoạch kiến trúc vẫn là khâu yếu nhất hiện nay. Quy hoạch lần đầu được rà soát rất kỹ, được nhiều cơ quan, tổ chức, xã hội góp ý để đi đến đồng thuận. Tuy nhiên, đến khi điều chỉnh quy hoạch thì chỉ có một vài cơ quan, một nhóm cán bộ thực hiện. Vì vậy, chất lượng điều chỉnh quy hoạch kiến trúc nhiều khi không kiểm soát được, dẫn tới những hậu quả cho bộ mặt đô thị. Chẳng hạn tại Hà Nội, quy hoạch xây dựng dọc trục Lê Văn Lương - Tố Hữu vào hồi đầu tháng 7 vừa qua đã gây tranh cãi không ít bộ ngành. Có nhiều toà nhà được điều chỉnh thiết kế để tăng số tầng, tăng độ cao.

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, chúng ta phải nhìn thẳng vào các điểm chưa làm được để khắc phục. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch cần được thực hiện nghiêm túc, tránh việc tùy tiện điều chỉnh cục bộ một khu vực khiến tổng thể bị phá vỡ tính thống nhất. Không chỉ Hà Nội và các địa phương cũng cần có một quy hoạch thống nhất, có tầm nhìn và quan trọng là không bị điều chỉnh một cách tùy tiện.

Ông Nghiêm lấy ví dụ, để khắc phục “điệp khúc” mưa là ngập tại Thủ đô, cần sớm xem xét và đánh giá lại toàn bộ các dự án thoát nước của Hà Nội cũng như cần có những giải pháp cục bộ để giải quyết tình trạng úng ngập, đảm bảo đời sống của người dân và bộ mặt đô thị.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã khẳng định, công tác quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng, là định hướng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, quy hoạch luôn phải đi trước với phương pháp và cách làm khoa học, có tầm nhìn chiến lược phát triển, đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị với các quy hoạch chuyên ngành, sát với tình hình thực tiễn và nhu cầu phát triển của thành phố nói chung và mỗi địa phương nói riêng trong từng giai đoạn. Quy hoạch cũng phải từng bước giải quyết được những bất cập, bức xúc trong quá trình phát triển, nhất là tại khu vực nội đô như ùn tắc giao thông, ngập úng cục bộ, quá tải hạ tầng xã hội...

Vì vậy, các cấp, các ngành cần bám sát các quy định của Luật Quy hoạch 2017, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương để khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ phủ kín các quy hoạch còn thiếu trên địa bàn thành phố.

H.Hương