Thị xã Kỳ Anh đẩy mạnh thu hút đầu tư để vững vàng tiến lên thành phố
Trung bình mỗi năm, Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đóng góp xấp xỉ 60% tổng thu toàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo thông tin từ Ban Quản lý KKT tỉnh, trong năm 2021, Ban đã cấp phép đầu tư 10 dự án trong nước với số vốn đăng ký 11.713 tỷ đồng.
Lợi thế hiếm có
Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có địa thế thuận lợi, phù hợp để phát triển kinh tế công nghiệp, cảng biển và Logistics; có Khu kinh tế Vũng Áng, trong đó có cụm Cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương lớn nhất Việt Nam đủ điều kiện cho tàu 300.000 tấn hoạt động.
Cảng nước sâu Vũng Áng nằm trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế, là cửa ngõ ngắn nhất thông ra các hải cảng quốc tế của khu vực Miền Trung Việt Nam, Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Có hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam, Đông - Tây thuận tiện đã tạo nên một vùng “lõi” thu hút hàng loạt dự án đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng.
Năm 2015, thị xã (TX) Kỳ Anh được thành lập theo Nghị quyết 903 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, từ việc tách một phần địa giới hành chính của huyện Kỳ Anh (cũ).
Hiện nay thị xã có 11 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 6 phường, 5 xã), là một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như khu vực Bắc Trung Bộ. TX Kỳ Anh đã được công nhận là đô thị loại III vào tháng 7/2020 và phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025.
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Kỳ Anh lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã khẳng định: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, sáng tạo; khai thác có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là KKT Vũng Áng, xây dựng thị xã Kỳ Anh trở thành thành phố vào năm 2025, phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp, hiện đại”.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, sau Đại hội đến nay (tháng 10/2022), TX Kỳ Anh đã ban hành 9 nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo, trọng tâm là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; ưu tiên cho công tác cải cách hành chính, công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng nhằm thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn.
Điểm sáng ở cửa ngõ phía Nam Hà Tĩnh
Nổi bật nhất trên địa bàn TX Kỳ Anh có Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng - Hạt nhân chính là cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương (sâu nhất khu vực Bắc Trung Bộ), một trong 8 KKT trọng điểm ven biển quốc gia được tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Với địa kinh tế đặc biệt thuận lợi, hiện nay, riêng KKT Vũng Áng có 84 dự án trong nước với tổng mức vốn đăng ký 48.700 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức vốn đăng ký 13,6 tỷ USD. Giai đoạn từ năm 2021 - 2025, KKT Vũng Áng đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư mới đạt từ 3,5 - 5,5 tỷ USD.
Các dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động tại KKT Vũng Áng như Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, Tổng kho Xăng dầu - Dầu khí Vũng Áng, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn An Việt Phát,…
Trong đó, dự án Khu liên hiệp Gang thép và Cảng biển nước sâu Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 12,8 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư, vốn đầu tư 1,56 tỷ USD cũng đã hoàn thành và hòa vào lưới điện quốc gia năm 2013.
Các doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng trở thành nguồn đóng góp chủ đạo vào ngân sách. Trung bình mỗi năm, KKT Vũng Áng đóng góp xấp xỉ 60% tổng thu toàn tỉnh. Theo thông tin từ Ban Quản lý KKT tỉnh, trong năm 2021, Ban đã cấp phép đầu tư 10 dự án trong nước với số vốn đăng ký 11.713 tỷ đồng.
Ngoài ra, hai dự án lớn gồm: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II có tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD theo hình thức BOT,được khởi công tháng 10/2021 đến nay đã đạt 23% khối lượng thi công.
Dự án Nhà máy Sản xuất Pin VinES của Tập đoàn Vingroup với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 4.000 tỷ đồng, khởi công tháng 12/2021, được thi công thần tốc trong vòng 9 tháng. Đến nay dự án đã hoàn thiện phần xây lắp, đang tiến hành lắp đặt thiết bị vận hành, đã chính thức đặt dấu mốc mới cho sự phát triển của TX Kỳ Anh nói riêng và Hà Tĩnh nói chung.
Bên cạnh đó, TX Kỳ Anh còn sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi khi nằm giữa hai sân bay quốc gia, cách sân bay Vinh 100 km, cách sân bay Đồng Hới 60 km. Các tuyến giao thông chính của quốc gia đều chạy qua như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam có thể kết nối với mọi vùng trong cả nước; Quốc lộ 8A, Quốc lộ 12 kết nối với đường Hồ Chí Minh là tuyến đường bộ ngắn nhất từ cảng biển Việt Nam đến Lào và các tỉnh Đông Bắc - Thái Lan.
Thời gian tới, KKT Vũng Áng nói riêng và TX Kỳ Anh nói chung sẽ càng có nhiều tiềm năng phát triển, thu hút nhà đầu tư hơn nữa khi 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 chính thức được khởi động.
Trong đó, có 90 km cao tốc 4 làn xe đi qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh và 58 km cao tốc nối Hà Tĩnh với Quảng Bình. Cụ thể, dự án thành phần đầu tiên là cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi có chiều dài 36 km, tổng mức đầu tư 7.403 tỷ đồng. Dự án thứ hai là cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng có chiều dài 54 km, với tổng mức đầu tư 10.185 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự án thành phần thứ ba Vũng Áng - Bùng có chiều dài 58 km, tổng mức đầu tư 11.785 tỷ đồng sau khi hoàn thành cũng giúp kết nối tỉnh Hà Tĩnh nói chung và KKT Vũng Áng, TX Kỳ Anh nói riêng với tỉnh Quảng Bình.
Tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, với lợi thế từ Khu kinh tế Vũng Áng, nhiều doanh nghiệp lớn sẽ quyết định đầu tư góp phần đưa thị xã Kỳ Anh phát triển nhanh, bền vững, vững vàng tiến lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025.