Hải Phòng: Gỡ khó cho vận tải thuỷ nội địa phát triển
Tỷ trọng vận tải thuỷ nội địa của Hải Phòng mới đạt hơn 5,8% tổng sản lượng vận tải hàng hóa trên địa bàn. Vận tải thuỷ nội địa chưa đóng góp nhiều cho vận tải hàng hoá do nhiều bến thuỷ nội địa quy mô nhỏ, công nghệ xếp dỡ lạc hậu, một số bến thủy nội địa hết thời hạn giấy phép hoạt động do vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển tuyến thuỷ nội địa.
Quy hoạch chưa theo kip thực tế
Năm 2016, Hải Phòng quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay, Hải Phòng đã có 1 cảng trong vùng nước cảng biển; 15 cảng trên đường thủy nội địa quốc gia; 215 bến thuỷ nội địa, trong đó 200 bến hàng hóa và 15 bến hành khách; 33 bến khách ngang sông.

Theo đánh giá của Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông vận tải TP Hải Phòng, sau thời gian thực hiện quy hoạch, hệ thống cảng thuỷ nội địa “lộ” nhiều bất cập. Có những cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển, bến thuỷ nội địa được chủ doanh nghiệp thuê, sử dụng đất ổn định từ nhiều năm trước nhưng không phù hợp quy hoạch nên không được cấp phép lại, chỉ được cấp phép tạm, thời gian năm/lần. Do chỉ được cấp phép hoạt động tạm khiến chủ các bến thuỷ không yên tâm đầu tư, đổi mới trang thiết bị, khơi thông luồng lạch làm giảm năng lực vận hành, vận tải của tuyến đường thuỷ nội địa.
Đặc biệt, từ năm 2021, Nghị định 08/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động đường thuỷ nội địa có hiệu lực thi hành, nhiều bến thủy nội địa (trừ bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính), khu neo đậu không đáp ứng đủ điều kiện cấp phép hoạt động bến thuỷ nội địa, không còn phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải dừng hoạt động càng làm cho cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thuỷ nội địa đã “yếu” lại dẫn đến “thiếu” so với nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ nội địa đang ngày càng gia tăng. Nhiều cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thuỷ hoạt động từ nhiều năm trước cũng trong tình trạng không phù hợp quy hoạch, không được cấp phép hoạt động bến cảng, buộc phải đóng cửa.
Ngoài ra, việc xin phép mở các bến thuỷ tạm thời phục vụ nhu cầu thi công các dự án lớn cũng gặp không ít khó khăn. Tháng 4/2021, Công ty CP Cơ giới và Xây lắp Hùng Giang xin phép mở bến thuỷ tạm thời trên sông Văn Úc (đoạn qua địa bàn huyện Tiên Lãng) để phục vụ thi công dự án xây dựng hạ tầng. Đến nay, hơn một năm, qua nhiều cuộc họp nhưng việc cấp phép tạm cho bến thuỷ nội địa vẫn chưa được thực hiện với lý do diện tích đất doanh nghiệp dự kiến mở bến tạm là đất bãi bồi ven sông, mục đích sử dụng làm đất nuôi trồng thuỷ sản, không phù hợp quy hoạch, mục đích sử dụng đất làm bến thuỷ nội địa …
Cần bổ sung quy hoạch cảng, bến thuỷ nội địa
Theo thông tin từ Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng & ATGT, Sở Giao thông vận tải TP Hải Phòng, vận tải thuỷ nội địa có những ưu điểm chuyên chở tất cả các loại hàng hoá, cước phí vận tải khá thấp, ít gặp sự cố. Việc lưu thông hàng hoá ngày càng gia tăng, đòi hỏi có nhiều phương tiện vận chuyển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, với việc quy hoạch “cứng” hệ thống bến cảng, vận tải thuỷ nội địa khó phát huy hết vai trò, thế mạnh của mình cũng như như giảm bớt quá tải của các loại hình vận tải khác.
Để khắc phục tình trạng này, Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng & ATGT, Sở Giao thông vận tải TP Hải Phòng đề xuất cấp phép tạm cho các cơ sở bến thuỷ nội địa, khu neo đậu đã hoạt động từ trước. Đồng thời, Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng & ATGT cũng đề nghị các doanh nghiệp lập dự án đầu tư cần chủ động thông tin với cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư tập hợp nhu cầu của doanh nghiệp xin mở bến thuỷ nội địa đã có sẵn quỹ đất, có vị trí, quy mô đề xuất thành phố bổ sung vào đề án quy hoạch bến thuỷ chung để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở bến thuỷ nội địa. Đối với các bến thuỷ tạm phục vụ thi công các công trình xây dựng, Sở Kế hoạch & Đầu tư bổ sung hạng mục này vào dự án đầu tư thì Sở Giao thông vận tải cũng sẽ cấp phép bến thuỷ tạm, bằng thời gian xây dựng công trình để khai thác tuyến vận tải thuỷ.
Ngoài vướng về quy hoạch bến thuỷ nội địa, vận tải thuỷ nội địa Hải Phòng cũng có những hạn chế như tuyến đường thuỷ từ Cảng Hải Phòng đi các tỉnh Tây Bắc qua sông Kinh Thầy, sông Đuống thường bị hạn chế do độ cao thông thuyền của cầu An Thái trên sông Kinh Thầy (tỉnh Hải Dương), cầu Đuống trên sông Đuống (Hà Nội). Các cầu này chỉ có thông thuyền khoảng 7 m, những tàu hoặc sà lan có trọng tải dưới 3.000 tấn chở hàng dời có thể đi qua dễ dàng. Bởi vậy, sà lan chở container từ cảng Hải Phòng đi các cảng container nội địa Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), Tân cảng Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) qua các tuyến đường thuỷ này cũng bị hạn chế khai thác.
Để nâng cao năng lực tuyến vận tải thuỷ nội địa được đánh giá tấp nập bậc nhất khu vực phía Bắc, Sở Giao thông vận tải TP Hải Phòng cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải sớm cải tạo, nâng tĩnh không các cầu Đuống, cầu An Thái, xây dựng hệ thống kè bảo vệ bờ sông để giải quyết điểm nghẽn vướng mắc hạ tầng tuyến vận tải thuỷ nội địa trên tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì.