Sức ép chi phí nặng vai doanh nghiệp
Ngoài áp lực về tỷ giá tăng vọt, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh theo hướng tăng đã khiến cho cộng đồng doanh nghiệp như “ngồi trên lửa”.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, ngay từ đầu năm, khi cuộc xung đột Nga – Ukraine xảy ra khiến tình hình thế giới bất ổn, giá dầu tăng đột biến thì giá bông nguyên liệu và giá sợi thành phẩm đã có những diễn biến trái chiều. Giá bông nhập khẩu tại thị trường Việt Nam liên tục tăng, giá bông tháng 9 tăng khoảng 46% so với thời điểm đầu năm 2022. Trong khi giá sợi xuất khẩu trung bình của Việt Nam có xu hướng giảm mạnh từ cuối tháng 5/2022, hiện ở quanh mức 2,8 USD/kg sợi, giảm 15% so với thời điểm đầu năm 2022.
Dự báo, trong các tháng cuối năm 2022, giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị vẫn tiếp tục cao do doanh nghiệp đã mua tại thời điểm giá bông đạt đỉnh, trong khi tình hình thị trường sợi vẫn ảm đạm. Các đơn vị sản xuất sợi gần như phải lường trước khả năng lượng sợi tồn kho tăng cao, lỗ rất sâu, các đơn vị phải cân nhắc giảm sản xuất hoặc dừng sản xuất.
Theo ông Hiếu, các doanh nghiệp (DN) sản xuất đang gặp khó về hợp đồng xuất khẩu. Điều đáng nói là giai đoạn cuối năm, tỷ giá leo thang khiến cho lợi nhuận bị san sẻ.
Với diễn biến tăng mạnh của tỷ giá trong nước, về lý thuyết, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho DN xuất khẩu và gây thiệt hại cho DN nhập khẩu. Nhưng trên thực tế, các DN đều đang phải chịu những ảnh hưởng nhất định, đa phần theo hướng tiêu cực.
Là DN chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, đại diện một DN tại Vĩnh Phúc cho biết, nguyên liệu để sản xuất đa phần là nhập khẩu, nên đợt nhập nguyên liệu mới đây rơi vào thời điểm tỷ giá giữa USD và VND tăng lên tới 5%, nghĩa là chi phí sản xuất sẽ tăng thêm từ 6-7%, trong khi không thể điều chỉnh ngay giá bán hàng vì vấn đề hợp đồng, cũng như tâm lý khách hàng sẽ khó chấp nhận việc DN tăng giá, hoặc là chuyển sang mua hàng của đối tác khác, hoặc là giảm ngay lượng tiêu thụ sản phẩm.
Áp lực tỷ giá là thế, hoạt động của các DN còn đang phải đối mặt với bối cảnh lãi suất tăng cao.
Thu không đủ bù chi
Đại diện một DN ngành xây dựng tại Hà Nội chia sẻ, từ đầu năm đến nay, phía ngân hàng đã 2 lần thông báo tăng lãi suất cho vay. Theo khảo sát, lãi suất cho vay bình quân với DN hiện đã lên tới 11-12%/năm, thậm chí nhiều DN phản ánh, để được giải ngân, các DN còn phải chịu thêm chính sách “mua bia kèm lạc”, nghĩa là phải mua bảo hiểm cho khoản vay, khiến lãi suất cho vay thực tế cao hơn hợp đồng chính thức.
Như vậy, tính toán sơ bộ, một DN hoạt động xuất nhập khẩu không chỉ phải chịu lãi suất cho vay tăng thêm từ 2-3% mà còn phải cộng với mức biến động trên 5% của tỷ giá, khiến chi phí kinh doanh tăng lên tới 10%. Chưa kể, tỷ giá và lãi suất cũng khiến các chi phí liên quan đến vận tải, logistics và nguyên liệu cũng sẽ bị đẩy lên, khiến không ít DN phải “than thở” rằng, thời gian này chỉ “ăn đong”, phải nương theo tình hình, cầm cự hoạt động để duy trì lương cho nhân viên.
Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, biến động về giá đang tạo nên sức ép lớn đối với nhiều DN. Giá cả nguyên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của DN. Có những gói thầu tăng giá từ 18-30%, giá logistics tăng 3-5 lần, thậm chí có những thị trường tăng giá gấp 10 lần. Hơn nữa, chủ DN còn gặp phải các vấn đề về tăng chi phí trả lương nhân viên theo chính sách tăng lương tối thiểu. Vì vậy, mức tăng doanh thu của DN không đủ bù đắp mức tăng chi phí.
Bên cạnh đó, theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động hiện vẫn còn tiếp diễn ở một số ngành. Nhiều DN trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đang gặp khó do phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện, trong khi giá hàng hóa thế giới tăng kéo theo giá đầu vào cho sản xuất tăng.
“Có thể nói, thách thức đến với DN nói riêng, nền kinh tế nói chung nhanh đến mức không kịp dự báo. Thậm chí chính sách vừa được ban hành hôm trước, hôm sau đã phải sửa đổi hoặc có chính sách khác để theo kịp biến động” - bà Thủy nhận định.