Nước Mỹ bầu cử giữa nhiệm kỳ
Hôm nay (8/11), diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ - sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm của nước Mỹ. Kết quả bầu cử sẽ quyết định đảng Dân chủ hay Cộng hòa sẽ kiểm soát Quốc hội và nhiều vị trí quan trọng tại các bang.
Cho đến trước ngày bầu cử chính thức (trừ một số nơi đặc thù được bỏ phiếu trước), hàng loạt cuộc tranh luận giữa các ứng viên đảng Dân chủ và Cộng hòa được tổ chức tại các bang "chiến địa" - những nơi được coi là quyết định đảng nào sẽ kiểm soát Thượng viện và Hạ viện Mỹ sau ngày 8/11.
Càng sát ngày bầu cử, không khí vận động tranh cử càng nóng. Cựu Tổng thống Obama, rồi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden liên tục đi các bang để vận động cho thành viên đảng Dân chủ. Ở chiều ngược lại, cựu Tổng thống Donald Trump, cựu Phó Tổng thống Mike Pence cũng nhiều lần đăng đàn bày tỏ ủng hộ cho các thành viên đảng Cộng hòa.
Cuộc bỏ phiếu lần này sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện; 35 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện và 36 Thống đốc bang. Ngày 7/11, nghĩa là 1 ngày trước khi bỏ phiếu, giới phân tích chính trị Mỹ nghiêng về khả năng đảng Cộng hòa thắng thế tại Hạ viện. Còn tại Thượng viện “có thể” sẽ thuộc về đảng Dân chủ trong tình huống buộc phải cần đến lá phiếu quyết định của bà Kamala Harris - Phó Tổng thống.
Cuộc bầu cử giữa kỳ lần này của nước Mỹ được cho là cực kỳ gay cấn khi mà cả phe Cộng hòa lẫn Dân chủ liên tục đưa ra những thông điệp đối chọi nhau. Đáng chú ý, nhiều ứng viên Cộng hòa đã ám chỉ sẽ bác bỏ kết quả nếu thất bại. Trước tình thế đó, ông Biden tuyên bố “điều đó chỉ dẫn tới sự hỗn loạn cho nước Mỹ”. Cũng từ việc này người ta nhớ lại việc ông Donal Trump sau khi thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống trước ông Joe Biden đã không công nhận kết quả và tuyên bố đó là một cuộc bầu cử “bị đánh cắp”.
Trong số những người ám chỉ việc sẽ phản đối kết quả bầu cử nếu bất lợi, có bà Kari Lake, người được ông Donald Trump hậu thuẫn trong cuộc đua vào ghế Thống đốc bang Arizona. Trả lời câu hỏi của CNN liệu bà có nhận thua nếu thất bại trong cuộc đua tranh cử chức Thống đốc bang Arizona với ứng viên Dân chủ Katie Hobbs hay không? bà Lake không trả lời thẳng vào câu hỏi mà nói: "Tôi sẽ thắng cuộc bầu cử và tôi sẽ chấp nhận kết quả đó".
Bang Arizona là điểm nóng trong bầu cử giữa kỳ năm nay khi tất cả 4 ứng viên đảng Cộng hòa, gồm bà Lake và 3 ứng viên cho vị trí Thượng nghị sĩ, Tổng chưởng lý và Tổng thư ký bang đều là những người sẵn sàng từ chối chấp nhận kết quả bầu cử, nếu bất lợi.
Tuyên bố của bà Lake được cho là “tuyên ngôn của phe Cộng hòa” trước cuộc bầu cử, khiến ông Fred Wertheimer - Chủ tịch nhóm phi đảng phái Democracy 21 phải thốt lên: "Nguy cơ chiến thuật bác bỏ kết quả bầu cử của ông Trump sẽ lan khắp các bang ở Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Nếu những người như vậy thua với tỷ lệ sát sao trong bầu cử giữa kỳ, họ nhiều khả năng sẽ từ chối chấp nhận kết quả và như thế thì thật là hỗn loạn".
Giới quan sát cho rằng rất có thể nhiều ứng viên Cộng hòa sẽ phủ nhận kết quả bất lợi, cho thấy rắc rối có thể xảy ra. Trong khi đó, Trung tâm Carter do cựu Tổng thống Jimmy Carter và phu nhân Rosalynn thành lập cho biết họ sẽ tập trung ứng phó với nguy cơ hỗn loạn sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Nathan Stock - Phó Giám đốc chương trình giải quyết tranh chấp của Trung tâm Carter, nói rằng các ứng viên cần thực hiện 5 nguyên tắc cốt lõi để đảm bảo các cuộc bầu cử đáng tin cậy. Mà một trong những nguyên tắc đó là chấp nhận kết quả sau khi phiếu bầu được kiểm đếm và xác nhận.
"Chúng tôi muốn nói rằng bạn có thể kiện ra tòa, nhưng một khi các đơn kiện đã được giải quyết và kết quả kiểm phiếu được chứng nhận, bạn phải chấp nhận nó'" - ông Stock nói.
Theo quy định, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ được tổ chức vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11. Năm nay, bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ sẽ diễn ra vào thứ Ba, 8/11.
Cuộc bầu cử giữa kỳ liên quan đến Quốc hội, bao gồm Hạ viện và Thượng viện, là cơ quan lập pháp của Mỹ. Hạ viện sẽ là cánh cửa đầu tiên để quyết định dự luật đó có được biểu quyết để đưa tới Thượng viện hay không. Thượng viện sau đó sẽ quyết định thông qua hoặc không thông qua các luật đó. Phần lớn thành viên của Quốc hội Mỹ đều được bầu lại trong bầu cử giữa nhiệm kỳ, bao gồm toàn bộ 435 ghế của Hạ viện nhiệm kỳ 2 năm, cùng với 33 hoặc 35 ghế trong 100 ghế của Thượng viện nhiệm kỳ 6 năm.
Bên cạnh cuộc bầu cử giữa kỳ, nhiều bang cũng tổ chức bầu cử Thống đốc và một số quan chức địa phương. Nhiệm kỳ Thống đốc của mỗi bang là khác nhau. 48 bang trong số 50 tiểu bang của Mỹ bầu các Thống đốc với nhiệm kỳ 4 năm. Trong khi đó, 2 bang New Hampshire và Vermont bầu Thống đốc nhiệm kỳ 2 năm. 36 bang tổ chức bầu cử Thống đốc trong các năm bầu cử giữa kỳ.
Cho tới trước ngày bầu cử 8/11, đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden nắm quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện, tuy nhiên sự chênh lệch rất ít: Đảng Dân chủ giữ 222 ghế so với 213 ghế của đảng Cộng hòa ở Hạ viện. Ở Thượng viện, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cân bằng 50-50 ghế nhưng phe Dân chủ nắm thế đa số nhờ lá phiếu quyết định của Phó Tổng thống Kamala Harris.