Ì ạch các dự án giao thông xanh
Với tiêu chí thân thiện môi trường, sử dụng các nguồn nguyên liệu xanh (điện, khí nén CNG), nhiều dự án giao thông xanh ở TP HCM đã được lên kế hoạch, thậm chí bắt đầu triển khai với quy mô rất lớn và nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án này hết sức ì ạch...
Nói về quy mô các dự án giao thông xanh ở TP HCM, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết, thành phố có quy hoạch 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT) với chiều dài khoảng 100km. Trong đó tuyến BRT số 1 dài 26km, chạy dọc theo đại lộ Đông - Tây của TPHCM dự kiến sẽ sử dụng phương tiện xe buýt điện. Đây là phương tiện không gây tiếng ồn đô thị, không khói bụi, thân thiện với môi trường... Ngoài ra, ông Lâm cũng cho biết TP HCM đã sử dụng nhiên liệu sạch là khí CNG cho khoảng 20% số xe buýt (tổng số 2.100 xe) đang hoạt động. Tương tự xe buýt điện, xe buýt chạy bằng khí CNG cũng có nhiều ưu điểm với môi trường hơn xe chạy bằng xăng, dầu.
Có thể nói, ưu điểm của các xe chạy bằng nhiên liệu xanh là điều không phải bàn cãi, nhất là trong môi trường đô thị ô nhiễm như ở TP HCM. Tuy nhiên thực tế việc triển khai các dự án này lại rất chậm, hầu hết đều không theo kế hoạch. Tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 dù đã lên kế hoạch từ năm 2013 nhưng sau rất nhiều lần điều chỉnh quy mô, tới nay dự án này vẫn... “nằm trên giấy”. Tất nhiên, các tuyến BRT số 2, số 3 cũng chưa thể triển khai. Ngoài hệ thống BRT nhiều năm chưa hoàn thành, việc phát triển các phương tiện giao thông xanh là xe buýt chạy bằng khí CNG và xe buýt điện cũng không triển khai đúng kế hoạch. Theo đó, số phương tiện xe buýt chạy bằng khí CNG ở TP HCM mới chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch. Việc thay thế các phương tiện chạy bằng xăng dầu sang khí CNG gặp nhiều khó khăn vì thành phố có ít trạm tiếp khí CNG nên các phương tiện phải di chuyển xa, vòng vèo khi nạp nhiên liệu.
Trong khi đó, dự án phát triển xe buýt điện thay thế dần các xe buýt xăng dầu cũng nhận được nhiều kỳ vọng nhưng không phát triển đúng kế hoạch. Theo quy hoạch, TP HCM sẽ có hàng chục tuyến xe buýt chạy bằng điện. Ngay từ năm 2017, một số tuyến xe buýt điện ở trung tâm TP HCM đã đi vào hoạt động nhưng phải dừng vì dịch Covid-19. Tháng 3/2022, TP HCM tiếp tục thử nghiệm tuyến xe buýt điện D4 do công ty Vinbus đầu tư có lộ trình 29km, đi qua nhiều địa điểm. Ngoài ra các tuyến buýt điện VB01, VB02, VB04, VB05 cũng lên kế hoạch triển khai trong năm 2022. Tuy nhiên, hiện nay công ty Vinbus đã xin lùi thời hạn từ năm 2022 sang năm 2023 với 4 tuyến mang ký hiệu VB còn lại. Theo đánh giá chung, dù xe buýt điện nhận được tín hiệu tích cực từ người dân nhưng khá “đơn độc” vì cả TP HCM chỉ có duy nhất 1 tuyến. Ngoài ra, dù nhận được tiền trợ giá từ ngân sách thành phố nhưng xe buýt điện cũng gặp khó vì người dân không mặn mà sử dụng xe buýt. Vì vậy, việc phát triển thêm các tuyến xe buýt điện khác vẫn còn là bài toán nan giải với doanh nghiệp.
Dù có nhiều lợi ích và được quy hoạch triển khai từ khá sớm, nhưng tới nay các dự án giao thông xanh ở TP HCM vì nhiều lý do khác nhau đều không đạt được kỳ vọng. Ngoài việc chậm triển khai, sự đồng bộ giữa hạ tầng đô thị (đường sá thông thoáng, nguyên liệu dồi dào...) cũng là nguyên nhân khiến các dự án này gặp khó.