Đấu giá biển số ô tô: Mức giá khởi điểm nào là hợp lý?

H.Vũ 08/11/2022 06:32

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 7/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về “Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá”.

Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về “Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá”. Ảnh: Quang Vinh.

Một hay nhiều mức giá?

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, Nghị quyết đưa ra mức giá khởi điểm chung là 40 triệu đồng, không phân biệt vùng. Đây là quy định hợp lý, đảm bảo công bằng cho người đấu giá ở tất cả các địa phương. Quy định về cấp quyền đăng ký cũng phù hợp, đảm bảo lợi ích của người dân. Tuy nhiên cần có sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn, đảm bảo thuận tiện cho người dân.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre), dự thảo Nghị quyết quy định, giá khởi điểm của biển số khi đưa ra đấu giá vùng 1 (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) là 40 triệu đồng, còn vùng 2 (các địa phương khác) là 20 triệu đồng. “Theo ý kiến của đại biểu Quốc hội thì đề xuất theo hướng thống nhất 1 mức giá khởi điểm là 40 triệu. Quan trọng là đưa ra mức giá khởi điểm như thế nào có thể thu hút được nhiều người tham gia đấu giá sẽ tốt hơn và thu được cho ngân sách nhiều hơn”- bà Nhi nói.

Cũng theo bà Nhi, trong điều kiện hiện nay phân khúc xe ô tô chủ yếu ở tầm trung nên không phải ai cũng sẵn sàng chi thêm 40 triệu đồng để có biển số chỉ có ý nghĩa với cá nhân họ. Nếu không ai đăng ký biển số xe đó thì biển cũng đưa vào kho để cấp cho tổ chức cá nhân. Như thế cũng thất thu ngân sách. Còn biển “đẹp, độc, lạ” cũng không bị ảnh hưởng gì về mức giá khởi điểm bởi sẽ có nhiều người đăng ký và tham gia trả giá cạnh tranh. Vì vậy giá khởi điểm có thể giữ 40 triệu đồng với vùng 1 (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), còn vùng 2 (các tỉnh còn lại) chỉ nên 10 triệu đồng và mức 10 triệu đồng đã gấp 10 lần so với lệ phí được cấp hiện nay tại các tỉnh, nhất là lệ phí tại các huyện hiện nay chỉ có 200 nghìn đồng. “Như vậy sẽ thu hút đông đảo sự tham gia đấu giá của người dân, nhất là số chỉ có ý nghĩa với cá nhân và từ đó thu ngân sách nhiều hơn nếu đưa ra mức khởi điểm cao nhưng ít hoặc không có người tham gia” - bà Nhi bày tỏ.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang), đề nghị giá khởi điểm đấu giá cần thấp hơn để nhiều người dân quan tâm và tham gia vào đấu giá lựa chọn bởi khái niệm đẹp phụ thuộc vào từng người khác nhau ở từng miền. Việc hạ thấp giá khởi điểm, theo bà Cầm, nhằm để hướng tới lựa chọn biển số xe ô tô phù hợp với sở thích riêng. Làm như vậy phù hợp với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, thu hút đông người tham gia và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

“Vì là thí điểm nên cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm quốc tế và lắng nghe ý kiến người dân. Như người tham gia đấu giá ở Singapore chỉ nộp số tiền đấu giá ban đầu là 1.000 USD. Nếu khởi điểm ở giá cao nhiều người dân không được thực hiện cơ hội tham gia đấu giá để có được sở hữu biển số xe theo như mong muốn của mình” - bà Cầm cho hay.

Mở rộng quyền của người trúng đấu giá

Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, theo đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) biển số tài sản đặc biệt và là công cụ quản lý nhà nước. Vì vậy để đảm bảo thuận lợi cho công tác quản lý biển số trúng đấu giá cũng như tránh trường hợp biển số trúng đấu giá bị hỏng, bị thất lạc, thậm chí bị hủy hoại hoặc các phát sinh không muốn khác thì cần hướng dẫn một số nội dung quy định như: người trúng đấu giá chỉ được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá, còn biển số trúng đấu giá sẽ giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, biển số xe được chọn qua đấu giá là tài sản có thể có giá trị rất lớn qua đấu giá hoặc khi chuyển nhượng. Do đó, để đảm bảo công bằng xã hội, tránh các hành vi lợi dụng trục lợi khi kê khai tài sản, kê khai lệ phí trước bạ khi đăng ký xe, kê khai thu nhập của tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế cần thực hiện đăng ký tài sản là biển số xe qua đấu giá và thu thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản là biển số xe.

“Hiện nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012 và Nghị định số 10 năm 2022 của Chính phủ về lệ phí trước bạ chưa có hai đối tượng thu nhập và tài sản này. Vì vậy, Chính phủ và Quốc hội nghiên cứu xem xét, bổ sung quy định này vào trong nội dung Nghị quyết và Nghị định” - ông Thịnh cho hay.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, biển số xe ô tô cũng như điện thoại di động là những tài sản nằm trong kho tài nguyên số do nhà nước quản lý. Không có văn bản nào quy định nhưng số điện thoại di động được coi là tài sản của công dân và có quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế. Theo ông Thịnh, chủ trương đấu giá biển số ô tô nhằm bổ sung ngân sách. Do đó, cần mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển xe ô tô.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, người nhận chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe của mình mà không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác của mình, không được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác là không phù hợp.

“Liệu biển số xe trúng đấu giá đã nhận chuyển nhượng sẽ được dùng vào việc gì và cơ quan chức năng quản lý biển số xe này như thế nào? Do đó cần nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh theo hướng quy định người nhận chuyển nhượng được phép giữ lại biển số xe để đăng ký cho xe khác của mình” - ông Mạnh bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Trên cơ sở các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến về một số nội dung chính như: tên gọi Nghị quyết, phạm vi thí điểm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, biển số xe được đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước, việc quản lý, sử dụng tiền thu được thông qua đấu giá, quy trình thủ tục đưa ra đấu giá… “Bộ sẽ tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng để báo cáo lên Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội để tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cử tri để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Quốc hội thông qua theo đúng quy định của pháp luật”- Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

H.Vũ