Bệnh nhân ung thư đang ngày càng trẻ hóa

Đức Trân 08/11/2022 06:38

Gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990, và các ca mắc mới ngày càng trẻ hóa theo thời gian.

Một ca phẫu thuật bệnh nhân ung thư.

Những năm gần đây, các bệnh không lây nhiễm trong đó có ung thư đang ngày càng gia tăng. Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nguyên nhân gây tử vong do nhóm bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% nguyên nhân gây tử vong cho con người trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng với ung thư, mỗi năm toàn cầu có hơn 19 triệu ca mắc mới và tử vong do căn bệnh này.

Tại Việt Nam, gánh nặng từ ung thư cũng ngày càng lớn do tình trạng mắc mới và tử vong đều đang gia tăng. Số liệu từ GLOBOCAN (một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế) đã chỉ ra, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư, hiện có 354.000 người “sống chung” với ung thư tại nước ta. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới và 106 người tử vong do ung thư.

Đáng lo ngại hơn, tình trạng trẻ hóa của ung thư trong những năm gần đây. Nếu như trước đây, căn bệnh ung thư thường được phát hiện đối với những người già từ 50-60 tuổi thì hiện nay, số lượng người trẻ mắc ung thư từ tuổi 25 ngày càng nhiều hơn. Chẳng hạn như ung thư dạ dày, gan, vú… trước đây thường gặp bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, nay có những trường hợp 25-30 tuổi đã mắc bệnh. Thậm chí có những bệnh nhân ung thư trực tràng, ung thư dạ dày khi mới chỉ 12, 13 tuổi.

Bác sĩ Hà Hải Nam - Phó Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K cho biết, ông đã từng khám và chẩn đoán ung thư gan cho một bệnh nhân 34 tuổi. “Bệnh nhân tới viện do chán ăn, đau tức vùng hạ sườn phải, kết quả thăm khám cho thấy, bệnh nhân mắc ung thư gan giai đoạn muộn, khối u to 6-8 cm và nhiều khối u nhỏ xung quanh, tiên lượng nặng. Nhận kết quả chẩn đoán, bệnh nhân bàng hoàng, bởi bố anh cũng vừa mất vì ung thư. Khó chấp nhận kết quả này, bệnh nhân còn yêu cầu xét nghiệm lại vì sợ nhầm lẫn”.

PGS. TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cũng thông tin về một bệnh nhân nữ 25 tuổi bị tê yếu nửa người trái, co giật, nhập viện Bạch Mai phát hiện ung thư phổi di căn não giai đoạn 4. Bệnh nhân không có các triệu chứng như sốt, đau ngực, khó thở, ho ra máu..., tiền sử gia đình cũng không có bất thường.

Lý giải về nguyên nhân của xu hướng ung thư trẻ hóa, PGS. TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, tỷ lệ bệnh nhân ung thư gia tăng, đặc biệt tăng nhanh ở những người trẻ tuổi thường do những thói quen ăn uống, sinh hoạt kém lành mạnh.

Ở một góc nhìn khác, TS. BS Bùi Vinh Quang - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội chia sẻ những khó khăn của khía cạnh điều trị căn bệnh nguy hiểm này trong bối cảnh hiện tại: “Với lĩnh vực điều trị ung thư, sự tác động của dịch Covid-19 càng sâu rộng hơn, tăng áp lực và thêm hậu quả xấu tới người bệnh, những người đang cần được điều trị liên tục. Bệnh viện và các cơ sở y tế đã phải phân bổ lại nguồn lực hàng ngày để đương đầu và duy trì đồng thời mục tiêu kép: Điều trị bệnh và kiểm soát dịch”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế khẳng định, những tiến bộ trong điều trị ung thư tại Việt Nam cũng cho thấy, chúng ta có thể phát hiện sớm, kịp thời và chữa khỏi nhờ các công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị. Được biết, một nghiên cứu mới đây được thực hiện trên 100 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ tại 2 bệnh viện K và ung bướu Hà Nội được điều trị bằng phương pháp mới là điều trị đích và điều trị miễn dịch cho thấy tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh đạt mức trên 60% - đây là con số chưa báo cáo nào có được.

TS. BS Bùi Vinh Quang cho hay: “Hiện nay người bệnh ung thư tại Việt Nam đã được tiếp cận với những phương pháp điều trị hiện đại, tính riêng đối với ung thư phổi giai đoạn IV, chúng tôi đã có những bệnh nhân sống thêm 5-7 năm. Đây là những điều mà trước đây chưa bao giờ chúng ta dám nghĩ đến. Những con số về chẩn đoán sớm, điều trị thành công đã minh chứng cho thành công của chúng ta trong tiếp cận, hội nhập khoa học kỹ thuật thế giới về điều trị ung thư”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, với rất nhiều thuốc điều trị thế hệ mới, người bệnh hiện nay đang được điều trị với hiệu quả tối ưu mặc dù ở giai đoạn muộn. Đơn cử với ung thư gan giai đoạn muộn, chúng ta cũng đã áp dụng những pháp đồ điều trị mới giúp kéo dài sống hay với ung thư vú hiện nay tỷ lệ chữa khỏi ở giai đoạn sớm lên tới 90%”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng đánh giá: “Xu hướng e ngại, sợ sệt với bệnh ung thư đang giảm dần. Nhiều người bệnh đã lao động, học tập và chung sống dần với căn bệnh ung thư. Cá nhân tôi nghe nhiều ca bệnh nặng, phát hiện muộn nhưng nhờ các phương pháp điều trị mới, sau 10 năm vẫn sống mạnh khỏe từ Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội… Điều này cho thấy trình độ khoa học công nghệ của chúng ta đã từng bước tiếp cận với chẩn đoán, điều trị ung thư trên thế giới”.

Theo PGS. TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K, có 3 tác nhân gây ung thư chính gồm: Tác nhân vật lý (tia bức xạ, ánh nắng mặt trời...), tác nhân hóa học (phẩm nhuộm...) và tác nhân sinh học (vi khuẩn HP, viêm gan B...) có trong bia rượu, đồ ăn uống. Với lối sống lười vận động, ngồi văn phòng, lệ thuộc máy tính, điện thoại, đi ngủ muộn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe đối với những người trẻ tuổi. Chế độ ăn uống không lành mạnh ít rau quả, nhiều đạm, nhiều muối... Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng chất kích thích cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, sự xem nhẹ các phương pháp bảo vệ sức khỏe và đề phòng bệnh tật cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến số người mắc bệnh nói chung và trẻ tuổi nói riêng ngày càng cao.

Đức Trân