Du lịch mùa cao điểm: Tìm cách hút khách quốc tế

Minh Quân – Phạm Sỹ 08/11/2022 06:36

Những tháng cuối năm được dự báo là thời điểm du lịch Việt Nam sẽ bước vào cao điểm đón khách quốc tế. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng không được như kỳ vọng, ngành du lịch đang đối mặt với thách thức trước mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022.

Dự báo thời gian tới lượng khách quốc tế tiếp tục tăng mạnh trở lại. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều tín hiệu khả quan

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho hay, tính đến hết tháng 10/2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,35 triệu lượt người, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giảm 83,7% so với cùng kỳ 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Riêng trong tháng 10/2022, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 12,1% so với tháng trước. Nhìn qua, có thể thấy, với mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022, ngành du lịch sẽ phải tăng tốc mạnh mẽ trong 3 tháng cuối năm. Trong khi đó, không ít chuyên gia du lịch dự báo, cho đến hết năm 2022, du lịch Việt Nam khó hoàn thành chỉ tiêu và ước đón được khoảng từ 3,5 đến 4 triệu khách du lịch quốc tế.

Nhìn nhận về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, có thể phải cần tới 8 - 10 tháng nữa, thị trường khách quốc tế tới Việt Nam mới có thể phục hồi hoàn toàn. “Mục tiêu đón 5 triệu khách nước ngoài trong năm nay khá khó khăn” – ông Kỳ nói. Tuy nhiên theo ông Kỳ, tình hình thị trường đang có nhiều chuyển biến tích cực và bộc lộ những tín hiệu tốt. Thể hiện ở trong quá trình chủ động xúc tiến quảng bá tại Các tiểu vương quốc Ả Rập vùng vịnh (GCC) thời gian vừa qua, Vietravel ghi nhận phản ứng của du khách rất khả quan. Đây là những đối tượng khách mang tới doanh thu cao, lượng khách ổn định. Cùng với tốc độ tăng trưởng khá tốt từ khách Thái Lan, thị trường Đông Á, Đông Bắc Á được kỳ vọng sẽ tạo nên nhiều khởi sắc cho du lịch Việt Nam giai đoạn tới.

Khách du lịch quốc tế thích thú với du lịch trải nghiệm ở Việt Nam.

Không thể phủ nhận, thời gian qua dù bị tác động bởi nhiều yếu tố nhưng ngành du lịch nước nhà vẫn đang tích cực xúc tiến, quảng bá nhằm thu hút khách quốc tế, nhất là vào những tháng cao điểm (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau). Đáng chú ý, tại một số địa phương, lượng khách quốc tế tăng mạnh. Đơn cử như các điểm đến Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Lào Cai…

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, tại Hà Nội dịp cuối tuần, số khách du lịch nước ngoài tăng đột biến, đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố và phố cổ. Theo chia sẻ của quản lý các cơ sở lưu trú tại phố cổ cũng như các điểm đến như Nhà hát múa Rối Thăng Long, đền Ngọc Sơn… hiện nay lượng khách quốc tế đặt phòng, đặt tour đã có sự tăng trưởng cao và thường theo đoàn từ 20 đến 30 người, không phải là các khách lẻ như trước.

Cùng với đó, một lợi thế cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới đó là thời tiết đang chuyển sang mùa thu - đông vốn là thời điểm ưa thích của các du khách đến từ Châu Âu. Đặc biệt, Hà Nội chuẩn bị tổ chức Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội với sự tham gia của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ... đang mở ra “cơ hội vàng” cho ngành du lịch cả nước và Thủ đô.

Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam dự báo sẽ “bùng nổ” trong thời gian tới. Ảnh: Quang Vinh.

Bức tranh dần khởi sắc

Thực tế cho thấy, việc hoàn thành chỉ tiêu 5 triệu khách du lịch quốc tế giờ đây không còn là “áp lực” mà đang là tiền đề cho ngành du lịch phát triển. Tổng Giám đốc Công ty CP lữ hành Fiditour Trần Thế Dũng cho biết, những đoàn khách tới Việt Nam hiện vẫn mang tính chất thăm dò, tuy nhiên phản hồi của họ rất tốt, đây sẽ là tiền đề để các đối tác nước ngoài đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam. Với tình hình hiện tại, ngành du lịch kỳ vọng những đoàn khách quốc tế lớn sẽ quay trở lại Việt Nam đều đặn hơn vào quý 2 năm 2023.

Dưới góc nhìn của một du khách, chị Tera (28 tuổi, đến từ Đan Mạch) cho biết, chị đã đến Việt Nam cách đây 5 năm và giờ quay trở lại Tera thấy Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Thủ đô Hà Nội ngày càng hiện đại hơn nhưng các điểm đến di tích văn hóa vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính vốn có. Không những vậy, các dịch vụ đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều. “Giờ đây du khách đến không chỉ để tham quan mà còn được trải nghiệm rất nhiều hoạt động đặc sắc ngoài đường phố. Đặc biệt không còn cảnh chèo kéo khách tại phố cổ như thời điểm cách đây 5 năm khi tôi sang Việt Nam” – Tera chia sẻ.

Nhiều vị khách nước ngoài cũng nhận định, với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có sự phục hồi nhanh chóng, đặc biệt là trong việc mở cửa ngành du lịch. Với người dân ở các nước Bắc Âu, họ ưa thích đi du lịch tại các nước Đông Nam Á vào thời điểm cuối năm, bởi ngoài khí hậu mát mẻ thì đây là thời điểm có rất nhiều chương trình lễ hội và nghệ thuật được tổ chức. Và Việt Nam là điểm đến mà nhiều người dân Bắc Âu hướng tới.

Có thể thấy, sau một thời gian dài ảm đạm bởi dịch Covid-19, bức tranh ngành du lịch Việt Nam đang dần khởi sắc rõ nét. Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2023 sẽ là thời điểm quan trọng để thu hút khách quốc tế. Trong đó, các thị trường gần trong khu vực Đông Nam Á sẽ được ưu tiên bên cạnh thị trường tiềm năng lớn như Ấn Độ. Sau đó, ngành du lịch tính đến khôi phục các thị trường xa hơn như Tây Âu, Úc, Mỹ… Các hoạt động xúc tiến du lịch tổ chức vào thời điểm này chính là một trong những cơ hội tốt để các doanh nghiệp kết nối, chuẩn bị thu hút hút du khách quốc tế trong năm 2023 trước khi khôi phục hoàn toàn vào năm 2024.

Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch , Tổng cục Du lịch:

Mỗi địa phương nên có một sản phẩm du lịch nổi trội

Việc thị trường khách quốc tế hồi phục chậm có những nguyên nhân khách quan, song thời gian tới, thị trường này sẽ tăng trưởng mạnh trở lại. Vì vậy, bên cạnh các phân khúc đã khai thác tốt, cần phát triển phân khúc nghỉ dưỡng dài ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với các hoạt động thể thao ở các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Âu, Úc và thị trường mới nổi là Trung Đông.

Mỗi địa phương nên xác định một số sản phẩm nổi trội, không chồng chéo để tạo thương hiệu của riêng mình. Phát triển sản phẩm du lịch phải phù hợp với nhu cầu, tạo sức hút cho điểm đến. Việc du khách quay lại còn phụ thuộc vào các sản phẩm du lịch Việt Nam. Nếu Việt Nam có nhiều sản phẩm hấp dẫn về nghỉ dưỡng, du khách sẽ quay lại nhiều lần. Ngành du lịch cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để cải thiện một số chỉ số, như nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, công tác quản lý điểm đến, tăng cường quản lý tài nguyên môi trường du lịch, hạ tầng du lịch, môi trường kinh doanh và sẵn sàng các gói sản phẩm thật sự hấp dẫn để phù hợp với thị hiếu của khách. Cùng với việc chú trọng chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, ngành du lịch còn phải đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch hoạt động kinh doanh thuận lợi, phát triển nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở du lịch Hà Nội:

Chú trọng các sự kiện quảng bá du lịch

Từ nay đến cuối năm, du lịch Hà Nội sẽ chú trọng triển khai các chương trình, sự kiện quảng bá du lịch. Cùng với đó tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung phát triển những sản phẩm thế mạnh của thành phố như: Du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao… Song song với đó là tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các thị trường trọng điểm. Tới đây, Sở Du lịch Hà Nội tăng cường triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã. Lựa chọn các điểm đến du lịch phù hợp trên địa bàn thành phố, xây dựng thành các điểm đến an toàn. Phối hợp tổ chức các chương trình quảng bá du lịch, nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch tại một số điểm đến du lịch. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của du lịch Hà Nội từ nay đến cuối năm là triển khai các chương trình, sự kiện du lịch như: Festival Áo dài Hà Nội; cuộc thi tuyển chọn đại sứ du lịch Hà Nội và sáng tác bài hát về du lịch Hà Nội…

Minh Quân – Phạm Sỹ