Thu hồi tài sản tham nhũng tăng 290,51% về tiền so với năm 2021
Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Ngày 8/11, Quốc hội dành thời gian cả ngày để thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; trong đó tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội là trọng tâm, then chốt.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 96 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu Quốc hội giao.
Theo ông Lâm, tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 6,69%, song còn diễn biến phức tạp, nhất là giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, xâm phạm sở hữu, chống người thi hành công vụ...
Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Đã điều tra, khám phá đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Bên cạnh đó, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, phòng, chống dịch bệnh.
Chính phủ đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm. Tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
“Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%” -ông Lâm cho hay.
Về kết quả thi hành án đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, định kỳ hàng tháng, Bộ Tư pháp đã kịp thời báo cáo Ban Nội chính Trung ương kết quả thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế và tiến độ xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam; xây dựng báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế của Hệ thống thi hành án dân sự giai đoạn 2016-2021 phục vụ Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế năm 2022 đạt kết quả cao. Tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609 tỷ 972 triệu đồng. Số có điều kiện thi hành là 2.739 việc tương ứng với 43.593 tỷ 296 triệu đồng. Đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989 tỷ 592 triệu đồng, tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021.