Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với 'lợi ích nhóm' gia tăng
Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được “nhắc tên” trong báo cáo của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.
Ngày 8/11, Quốc hội dành thời gian cả ngày để thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, năm 2022 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.
“Kết quả công tác phòng chống tham nhũng đã tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được bạn bè quốc tế ghi nhận” -bà Nga nói.
Các cơ quan chức năng đã làm rõ, khởi tố mới nhiều vụ án, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương quản lý.
Chẳng hạn, liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý. sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Phạm Xuân Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp các cơ quan Thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra.
Chẳng hạn, như vụ việc Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bến Tre để xảy ra sai phạm trong mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 3,4 tỷ đồng. Cơ quan Thanh tra đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền sai phạm, đồng thời kiến nghị Sở Y tế kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc CDC Bến Tre.
Qua xem xét kết quả kiểm tra đối với đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bến Tre đã quyết định xử lý kỷ luật Giám đốc CDC Bến Tre và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra để xử lý.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Cụ thể như: Vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra trong việc thực hiện Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp cũng nhắc đến, vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất, Xuất nhập khẩu Bình Dương. Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC); Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng nêu, năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người).