'Tình trạng tham nhũng vặt như chiếc vòi bạch tuộc, vừa nhiều vòi, vừa bám chặt'
Nhiều vụ việc đòi hỏi phải bôi trơn và ngày càng trở nên phổ biến, có thể gặp trong mọi lĩnh vực, từ khám chữa bệnh, làm thủ tục hải quan, mua bán đất đai, bổ nhiệm cán bộ,
Ngày 8/11, Quốc hội dành thời gian cả ngày để thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đã đề cập tới vấn nạn tham nhũng vặt đang diễn ra với những hình thức đa dạng và ngày càng tình vi. Mà theo ông “những hành vi này có thể gây phiên hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc theo cách “bóp chặt”, “hù dọa” người dân, khiến người dân phải đi lại nhiều lần, biếu xén quà cắp”.
Ông Trí chỉ rõ: Nhiều vụ việc đòi hỏi phải bôi trơn và ngày càng trở nên phổ biến, có thể gặp trong mọi lĩnh vực, từ khám chữa bệnh, làm thủ tục hải quan, mua bán đất đai, bổ nhiệm cán bộ, tới các kỳ thi âm nhạc, bảo vệ luận án, học hàm, học vị.
“Các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở cơ chế pháp luật, sự thiếu hiểu biết của công dân và vị trí công tác để “đòi hỏi lót tay, yêu cầu bôi trơn”. “Tình trạng tham nhũng vặt như chiếc vòi bạch tuộc, vừa nhiều vòi, vừa bám chặt đã gây bức xúc lớn cho nhân dân, doanh nghiệp, làm trùn bước nhà đầu tư và hoạt động xã hội bị chậm lại, thậm chí đổ vỡ.; làm xói mòn niềm tin của nhân dân về đội ngũ “công bộc” nhân dân”-ông Trí bức xúc.
Dẫn phát biểu của Tổng thanh tra chính phủ Đoàn Hồng Phong tại phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua về việc “có tình trạng gây phiên hà, nhũng nhiễu người dân ở một số cán bộ”, ông Trí mong muốn các đơn vị tập trung hơn nữa phòng chống tiêu cực, tham nhũng vặt.
Vị đại biểu đoàn Hà Nội cũng đánh giá cao nỗ lực chống tham nhũng tiêu cực của các cơ quan liên qua khi vào cuộc kịp thời, điều tra, xét xử nhiều vụ việc tham nhũng lớn, nhất là vụ Việt Á gây rúng động xã hội. Tuy nhiên, số liệu các vụ việc, đối tượng vi phạm, theo ông Trí còn “khiêm tốn” so với thực tế đang diễn ra. Báo cáo Uỷ ban Tư pháp về công tác phòng chống tham nhũng đã chỉ ra 3 nguyên nhân hạn chế trong chống tiêu cực, đó vai trò của người đứng đầu, năng lực của cán bộ công chức, về việc thể chế hóa chủ trương phòng chống tham nhũng và kể cả thu nhập cán bộ công chức.
Ông Trí nhấn mạnh: Việc phòng chống tham nhũng vặt chỉ có thể làm được hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là của quần chúng nhân dân. Vì vậy, cần phổ biến pháp luật tốt hơn để nhân dân hiểu hơn, tham gia hiệu quả hơn. Chỉ khi nhân dân vào cuộc, nói ra thì phòng chống tham nhũng vặt mới hiệu quả. Do đó cần có sự tăng cường tham gia của HĐND các cấp, Quốc hội, các tổ chức chính trị xã hội như MTTQ Việt Nam. Chính phủ, các cơ quan ban ngành cũng cần xem phòng chống tham nhũng vặt là việc quan trọng, thường xuyên hơn phát hiện, ngăn chặn tham nhũng vặt. Hy vọng phòng chống tham nhũng vặt của Việt Nam sẽ bước sang một chương mới tốt hơn đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.