Giá gas quay đầu tăng sau 6 tháng giảm liên tiếp
Kể từ đầu tháng 11, hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh gas trên cả nước đưa ra thông báo tăng giá gas bán lẻ sau 6 tháng giảm liên tiếp. Cụ thể, giá bán lẻ mặt hàng này tăng cao nhất lên đến 81.900 đồng cho bình 48kg.
Tại Hà Nội, đối với bình 48kg, gas Petrolimex từ 1.628.000 đồng lên 1.710.800 đồng/bình, tăng 81.9000 đồng; gas City Petro bình 45kg từ 1.599.000 đồng lên 1.678.000 đồng/bình. Đối với bình gas 12kg, gas City Petro từ 440.550 đồng lên 462.500 đồng/bình, tăng 21.950 đồng; gas Petrolimex từ 406.200 đồng lên 427.700 đồng/bình, tăng 21.500 đồng; gas HN Petro xám từ 405.000 đồng lên 427.000 đồng/bình, tăng 22.000 đồng. Một số loại bình xăng nhỏ dưới 6kg, bình du lịch dao động từ 200.000-250.000 đồng/bình…
Như vậy, đến thời điểm này đây là tháng đầu tiên giá gas quay đầu tăng sau 6 lần giảm liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas bán lẻ trong nước đã có 4 lần tăng và 7 lần giảm.
Nhiều đại lý kinh doanh gas bán lẻ tại các quận trung tâm Hà Nội cho biết, ngay từ đầu tháng, các đại lý bán lẻ đều nhận được thông báo tăng giá gas từ công ty nguồn nên các đại lý phải điều chỉnh theo. Tuy nhiên, mặc dù có sự điều chỉnh song giá gas vẫn ở mức thấp hơn so với thời điểm đầu tháng 3, khi giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng lên mức hơn 500.000 đồng/bình 12kg và hơn 2 triệu đồng/bình 45kg.
Một doanh nghiệp kinh doanh khí gas cũng cho biết, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 11 là 610 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng trước khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh. Cùng đó tỷ giá USD tăng cao trong thời gian này kèm theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước tăng... cũng là lý do để thúc đẩy giá gas.
Được biết, ảnh hưởng tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới, đặc biệt vấn đề về nguồn cung, biến động giá... ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu tiêu thụ LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng), LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng). Vì thế, hoạt động kinh doanh LPG của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như các đơn vị thành viên liên quan trong thời gian tới sẽ tiếp tục chịu tác động của nhiều yếu tố. Vì vậy cần thiết phải bổ sung các cơ chế chính sách để đảm bảo quản lý kinh doanh LNG phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh việc nhận diện khó khăn thách thức, các đơn vị cần chủ động nghiên cứu thị trường, nắm bắt kịp thời những cơ hội mở ra trong tình hình xu thế chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam hiện đang và dự kiến sẽ có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ hơn đến thị trường tiêu thụ LPG. Đặc biệt cần rút kinh nghiệm từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng xăng thời gian qua, để mặt hàng gas luôn ở thế chủ động và hạ thấp giá bán.