Nhà máy gốm sứ Thanh Hà phả khói giữa khu dân cư

Ngô Hùng 09/11/2022 07:27

Nằm giữa khu dân cư, nhiều năm nay, nhà máy gốm sứ Thanh Hà ở phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) hoạt động gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bất bình.

Nhà máy gốm sứ Thanh Hà nằm lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc.

Có mặt tại phường Phong Châu, giữa khu dân cư đông đúc, chúng tôi chứng kiến nhà máy gốm sứ Thanh Hà quy mô lớn đang hoạt động, ống khói không ngừng phả ra mùi khét lẹt, nhà dân xung quanh “cửa đóng then cài” nhưng vẫn phủ bụi. Thấy phóng viên, nhiều người dân tập trung tìm đến, bày tỏ bức xúc. “Ống khói giờ còn thấp hơn cả nóc nhà dân, mỗi lần hoạt động, mùi khét từ đây phả ra khiến chúng tôi bị tức ngực, khó thở” - chỉ tay về phía cột ống đang nhả khói, anh Đinh Xuân Đại, người dân phường Phong Châu nói.

Còn theo bà Lê Thị Thanh Hải - người dân sống tại tổ 2A, khu dân cư Phú Hà, phường Phong Châu, hiện các cửa xung quanh nhà máy cũng đã được mở ra khiến mỗi lần nhà máy đốt lò, tiếng ồn và hơi nóng ập vào các nhà dân xung quanh. “Nhiều đêm tiếng ồn cùng với khói khiến tôi khó thở, không tài nào ngủ được” - bà Hải cho biết.

Theo người dân nơi đây, việc nhà máy hoạt động gây ô nhiễm đã diễn ra nhiều năm nay, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng có ý kiến. “Chúng tôi nhiều lần được nghe hứa hẹn, thông báo về việc di dời nhà máy này ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đến nay vẫn chưa thực hiện được” - bà Nhung, người dân sống cạnh nhà máy gốm sứ Thanh Hà cho biết thêm.

Theo bà Phạm Thị Thu Giang - Phó Chủ tịch UBND phường Phong Châu, phường có nhận được phản ánh của người dân về việc nhà máy gốm sứ hoạt động gây ô nhiễm. Trước đây, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, xác định có tình trạng nhà máy hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Hiện đã có chủ trương di dời nhà máy đi chỗ khác, phần đất hiện tại của nhà máy cũng đã được quy hoạch thành khu dân cư. “Không chỉ người dân mà chính quyền địa phương cũng rất mong muốn việc này sẽ sớm được thực hiện. Tới đây, phường sẽ có ý kiến trực tiếp với các cơ quan cấp trên để xử lý dứt điểm việc này” - bà Giang nói.

Được biết, ngày 24/9/2020, UBND tỉnh Phú Thọ đã có quyết định về việc thu hồi đất của Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà, giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất quản lý tại phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ. Theo đó, quyết định này thu hồi 27.571m2 đất phi nông nghiệp và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BA 403997 được UBND tỉnh Phú Thọ cấp ngày 11/5/2010 của Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà tại phường Phong Châu.

Ngày 21/6/2022, UBND thị xã Phú Thọ có tờ trình gửi UBND tỉnh Phú Thọ về việc đề nghị thẩm định và phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở đô thị tại phường Phong Châu với diện tích 31.598,5m2 (phần lớn diện tích là đất của nhà máy gốm sứ Thanh Hà). Đến ngày 22/8/2022, UBND tỉnh Phú Thọ có quyết định về việc phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết trên.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Xuân Sơn - Chủ tịch UBND thị xã Phú Thọ cho biết, Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà đã được giao đất ở vị trí mới. Chỗ nhà máy gốm sứ Thanh Hà hiện tại phải ngừng hoạt động, đóng cửa để thực hiện quy hoạch đất ở. “Tôi đã báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu cần thiết thì thành lập đoàn thanh, kiểm tra để lấy đất thực hiện đấu giá làm khu nhà ở đô thị theo tinh thần và chỉ đạo của tỉnh” - ông Sơn cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà, năm 2017, công ty đã chủ động xin di dời nhà máy khỏi khu dân cư. Năm 2020, tỉnh Phú Thọ có quyết định thu hồi đất nhà máy để làm dự án đô thị. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đền bù tài sản trên đất nên công ty vẫn duy trì sản xuất để chờ đợi thủ tục đền bù. “Giờ nhà máy có hơn 100 lao động, không thể dừng hoạt động được. Tôi đã có ý kiến với lãnh đạo tỉnh rồi, nếu lấy đất để làm trường học hay công trình công cộng, tôi sẵn sàng chuyển đi ngay, còn lấy đất làm khu đô thị thì đơn vị trúng đấu giá phải thoả thuận bồi thường tài sản trên đất cho công ty. Một phương án nữa là để cho công ty được làm hạ tầng khu đất ở đô thị này” - ông Truyền nói.

Ngô Hùng