Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng mạnh. Nếu như đầu tháng 9/2022, số ca mắc trong khoảng 500 - 700 ca/tuần, đến cuối tháng 10/2022, ghi nhận 1.200 - 1.400 ca/tuần.
Cộng dồn năm 2022, đến nay số ca mắc SXH ghi nhận trên địa bàn Hà Nội khoảng gần 10.000 ca mắc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, số bệnh nhân ở các quận nội thành ít hơn so với các huyện ngoại thành. Với tốc độ số ca mắc SXH gia tăng như hiện nay, hiện tại một số bệnh viện điều trị các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP Hà Nội có rất đông bệnh nhân.
Ghi nhận thực tế tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa hiện đang điều trị cho hàng trăm ca SXH. Tại Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E hàng ngày tiếp nhận lượng bệnh nhân đến khám đông, sau khi lượt điều trị khỏi bệnh ra, sẽ có lượt mắc SXH mới vào. Ngoài ra, số ca mắc SXH tăng đột biến cũng tạo áp lực không nhỏ đến các bệnh viện nói chung và đội ngũ y bác sĩ nói riêng.
Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc SXH có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch. Do đó, nguy cơ ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong. Với tình hình dịch SXH đang diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân biết về SXH, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần tái khám ngay và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt; Tổ chức tập huấn cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập về phác đồ điều trị, cập nhật những kiến thức về SXH Dengue.
Đối với các bệnh viện, ngành y tế Hà Nội đã thực hiện phân luồng, phân tuyến để phù hợp với mức độ bệnh nhân nặng, nhẹ và chuyển tuyến an toàn; Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện đảm bảo đủ hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc,… trong thu dung, điều trị người bệnh theo đúng quy định. Đặc biệt, trong hoạt động điều trị SXH tại cơ sở y tế cần đảm bảo đầy đủ dung dịch cao phân tử, dịch truyền, máu và các loại thuốc khác để điều trị kịp thời cho bệnh nhân...
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung tăng cường giám sát phát hiện ca mắc tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng. Coi trọng phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng nhằm tránh các biến chứng do phát hiện bệnh muộn. Đồng thời, nâng cao ý thức chủ động phòng, chống bệnh cho người dân. Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống SXH một cách triệt để. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với ngành Y tế trong hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, đảm bảo tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế…