Hòa Bình - nơi kết tinh các giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội
Tỉnh Hòa Bình triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân…
Điều kiện văn hóa - xã hội
Là nơi kết tinh các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, tỉnh Hòa Bình đã và đang lưu giữ một số lượng lớn di sản văn hóa các dân tộc vô cùng phong phú và đa dạng. Trong đó có tới 786 di sản văn hóa phi vật thể (tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian); hơn 18 nghìn hiện vật có giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình"… đã được khôi phục, bảo tồn và phát huy, góp phần gìn giữ giá trị bản sắc truyền thống; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đây là nét đặc sắc, đặc trưng riêng có của tỉnh Hòa Bình, rất cần được phát huy, phát triển trong thời gian tới.
Quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống.
Tỉnh Hòa Bình luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa góp phần bài trừ các hủ tục lạc hậu.
Hàng năm, cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân; cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng thường xuyên thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ trong bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với phát huy vai trò nòng cốt của các nghệ nhân, người am hiểu văn hóa truyền thống.
Trên địa bàn tỉnh hiện có các dân tộc cùng sinh sống, đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63,3%; dân tộc Kinh chiếm 27,73%; dân tộc Thái chiếm 3,9%; dân tộc Dao chiếm 1,7%; dân tộc Tày chiếm 2,7%; dân tộc Mông chiếm 0,52%; ngoài ra còn có dân tộc Hoa và các dân tộc khác sống rải rác ở các địa phương trong tỉnh.
Trải qua hàng chục nghìn năm xây dựng và phát triển, đến nay các dân tộc tại tỉnh Hòa Bình xây dựng nên một nền văn hóa đặc sắc, đây cũng là vùng đất cổ, nơi tổ tiên tiền sử người Việt đã tồn tại và phát triển. Điều này được thể hiện qua nhiều bộ sử thi huyền thoại như "Mo Mường", "Ẳm Ệt", “Tản viên Sơn Thánh”...
Đây còn là miền đất âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng, vùng của những lễ hội giàu bản sắc dân tộc Tây Bắc, của kho tàng phong phú về văn nghệ dân gian các dân tộc... là quê hương của những làn điệu dân ca ngọt ngào và trong trẻo.
Khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế giúp đồng bào phát triển kinh tế
Chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, đây còn là phương tiện để giới thiệu quảng bá về hình ảnh vùng đất con người cho các du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện để thực hiện chiến lược phát triển du lịch Hòa Bình góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Việc gìn giữ các giá trị văn hóa không phải là bảo quản trong tủ kính mà cần gắn với việc phát huy để làm tỏa sáng các giá trị ấy trong đời sống. Kết hợp bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống với loại bỏ các hủ tục, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, nhưng vẫn đậm bản sắc.
Thời gian gần đây đã có những tín hiệu tích cực trong công tác bảo tồn trong nhân dân như: Sự phát triển của hệ thống lễ hội truyền thống; sự phát triển của Chiêng Mường; giá trị của Mo Mường và vai trò của các ông Mo đã được nhân dân coi trọng, tôn vinh. Đã xuất hiện nhiều lớp truyền dạy chữ Dao, Tày, Thái, Mông và trình tấu Chiêng Mường, múa Mường... thể hiện ý thức của nhân dân đã có sự thay đổi tích cực. Người dân tự hào về những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc mình nên đã có ý thức bảo tồn, phát huy.
Nhiều lễ hội truyền thống được các địa phương tổ chức đã phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Từ đó, tạo sức hút đối với khách du lịch nội địa và quốc tế đến tham quan du lịch.
Hòa Bình đã và đang từng bước quảng bá hình ảnh ấn tượng, hấp dẫn về con người, bản sắc văn hoá tới bạn bè trong nước, quốc tế. Qua đó, vừa giữ được hồn cốt dân tộc, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.