Nỗ lực vì một Thành phố sáng tạo

Phạm Sỹ 10/11/2022 06:53

Kể từ khi chính thức trở thành thành viên của mạng lưới Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực tích cực trong việc thúc đẩy mạnh mẽ thực hiện các sáng kiến. Nhờ đó, không khí sáng tạo đã lan tỏa khắp thành phố. Song theo các chuyên gia, Hà Nội vẫn cần một nền tảng có thể kết nối, hội tụ và lan tỏa.

Không gian sáng tạo Complex 01.

Giàu tiềm năng

Tháng 10/2019 là tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” cũng là lúc Thủ đô của cả nước được công nhận là một Thành phố sáng tạo. Mục tiêu lớn của Hà Nội trong tương lai gần là sẽ trở thành “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa Thủ đô trở thành một trong những “điểm sáng” văn hóa của khu vực và thế giới.

Sau 3 năm, Hà Nội đang triển khai xây dựng Đề án phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo trên địa bàn Thủ đô với mục tiêu tạo ra một Trung tâm ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng của các nhà thiết kế trẻ và thúc đẩy hợp tác quốc tế, từng bước thực hiện một trong số các sáng kiến, cam kết với UNESCO.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng, Hà Nội đã và đang có đầy đủ lợi thế, trở thành vườn ươm, nơi hội tụ, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa chất lượng có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế.

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội - ông Christan Manhart - đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo. Vị này cho rằng, từ khi gia nhập mạng lưới, Hà Nội đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các sáng kiến, qua đó tạo nên không khí sáng tạo bao trùm. Tuy nhiên, ông Christan Manhart cho rằng, Hà Nội vẫn cần nhiều giải pháp hơn để trở thành nơi ươm mầm, hội tụ và lan tỏa tinh thần sáng tạo hiệu quả nhất.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, để tham gia Mạng lưới, các thành phố cần xác định một lĩnh vực thế mạnh dựa trên các tiêu chí như chính sách, biện pháp lồng ghép văn hóa, sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác công - tư, không gian sáng tạo, mở rộng cơ hội cho những người thực hành sáng tạo, nâng cao việc tiếp cận, tham gia đối với các nhóm, cá nhân yếu thế, dễ bị tổn thương...

Bên cạnh đó, các thành phố cần xác định lộ trình và kế hoạch cụ thể nhằm triển khai đăng ký tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, tăng cường kết nối quốc tế, tạo dựng thương hiệu sáng tạo cho thành phố phát triển bền vững trong tương lai.

Chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia mình, tại hội thảo “Xây dựng Trung tâm Thiết kế Sáng tạo - Kinh nghiệm từ các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực”, ông Thierry Vergon - Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội cho biết, mỗi thành phố sáng tạo của Pháp đáp ứng tối thiểu một tiêu chí mà UNESCO đặt ra cho Mạng lưới các Thành phố sáng tạo. Ví dụ như Saint-Étienne chuyển đổi từ thành phố công nghiệp sang thành phố sáng tạo văn hóa theo tiêu chí thiết kế, nơi quy tụ những trường phái thiết kế được ưa chuộng nhất đất nước, từ thiết kế xã hội, công nghiệp… đến kiến trúc, mỹ thuật, nhờ chính sách phát triển công nghiệp văn hóa hiệu quả của chính quyền.

Con đường bích họa Phùng Hưng (Hà Nội) là một không gian sáng tạo cộng đồng.

Không gian sáng tạo trong thành phố sáng tạo

Cũng tại hội thảo “Xây dựng Trung tâm Thiết kế Sáng tạo - Kinh nghiệm từ các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực”, đại biểu đại diện các thành phố sáng tạo của các nước như Indonesia, Hàn Quốc, Singapore… đã tập trung chia sẻ về quá trình xây dựng, hình thành các Trung tâm thiết kế sáng tạo của các thành phố; Tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, hoạt động của Trung tâm thiết kế sáng tạo; Kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thường niên, các sự kiện theo mùa, các kết quả đã được thực hiện; Nguồn kinh phí cho các hoạt động của Trung tâm.

Nêu kinh nghiệm về xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo từ Dongdaemun design plaza của Seoul (Hàn Quốc), bà Kim Haesoo Estella - Điều phối viên dự án về giải thưởng quốc tế và quan hệ công chúng tại Quỹ thiết kế Seoul, cho biết, kiến trúc công trình đóng vai trò quan trọng trong thu hút nguồn lực cũng như khơi dậy đam mê sáng tạo.

Thành phố Bandung (tỉnh Tây Java, Indonesia) là Thành phố sáng tạo nổi tiếng với 56% hoạt động kinh tế liên quan đến thiết kế với trọng tâm là trang phục, thiết kế đồ họa và truyền thông kỹ thuật số. Năm 2014, Ủy ban Kinh tế Sáng tạo Bandung được thành lập, với nhiệm vụ là tạo ra một lộ trình và các chương trình nhằm nâng cao tiềm năng sáng tạo của thành phố.

Tiến sĩ Dwinita Larasati - Tổng Thư ký Diễn đàn Thành phố sáng tạo Bandung, Indonesia cho biết: "Chúng tôi đã tập trung khai thác các công trình của Nhà nước đang bỏ không, hoặc chưa tận dụng hết công suất cho các không gian sáng tạo để không lãng phí tài nguyên. Quy hoạch thành phố bằng việc đề cao thế mạnh của từng quận, như về ẩm thực, thời trang… để thu hút đông đảo người đến tham quan, làm việc".

Là thành viên sáng lập, người tiên phong trong việc hình thành ý tưởng xây dựng những không gian sáng tạo cho Hà Nội như X98 (số 98 Hoàng Cầu), Creative City (số 1 Lương Yên)…, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho biết, ngay từ khi xây dựng trung tâm sáng tạo, ông đã chú trọng mời các cá nhân, tập thể hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa nghệ thuật đến và xác định họ chính là chủ nhân của trung tâm.

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội - ông Christan Manhart - đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo. “Từ khi gia nhập mạng lưới, Hà Nội đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các sáng kiến, qua đó tạo nên không khí sáng tạo bao trùm” - ông Christan Manhart nói và cho rằng, Hà Nội vẫn cần nhiều giải pháp hơn để trở thành nơi ươm mầm, hội tụ và lan tỏa tinh thần sáng tạo hiệu quả nhất.

Phạm Sỹ