'Bức tranh' lợi nhuận ngân hàng
Dù có lợi nhuận cao trong 9 tháng đầu năm, nhưng ngành ngân hàng vẫn lo lắng khi chất lượng tài sản đi xuống, nợ xấu gia tăng. Bên cạnh những ngân hàng lãi nghìn tỷ đồng, cũng có ngân hàng thua lỗ.
Lợi nhuận nghìn tỷ
Mặc dù những tháng giữa năm 2022, các ngân hàng phải đối mặt với tình trạng hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng hạn hẹp, nhưng kết quả kinh doanh quý III/2022 của các ngân hàng vẫn là con số đáng mơ ước.
Chẳng hạn trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 7.566 tỷ đồng, tăng 31,9% so cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 24.939 tỷ đồng, tăng 29% so với 9 tháng đầu năm 2021. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong hệ thống ngân hàng, vượt 1 tỷ USD. Ngoài ra, tổng tài sản Vietcombank đạt gần 1,65 triệu tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 17,6% so với đầu năm và tăng 2,66% so với cuối tháng 6.2022.
Hay như TPBank công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022 với lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 5.926 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm. VIB cũng thông báo kết quả kinh doanh sơ bộ với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Sacombank ghi nhận lợi nhuận quý III/2022 đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỷ trọng thu ngoài lãi là 39,4%.
Tại HDBank lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 2.712 tỷ đồng trong quý III, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 8.016 tỷ đồng, tăng 31,7% và hoàn thành 82% kế hoạch cả năm 2022. Tổng nguồn vốn của ngân hàng này đạt trên 353.000 tỷ đồng, trong đó tiền gửi từ khách hàng tăng 13,4% so với cuối năm 2021 và gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng tiền gửi toàn ngành. Dư nợ tín dụng đạt xấp xỉ 252.000 tỷ đồng, tăng 18,1%.
Thông tin về kết quả kinh doanh của các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, qua trao đổi với lãnh đạo các tổ chức tín dụng, kết quả hoạt động quý III/2022 về cơ bản là tốt. Theo ông Hùng, đây là dấu hiệu đáng mừng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng từ đầu quý III trong khi lãi suất cho vay hầu như không điều chỉnh và mức tăng không nhiều so với tốc độ tăng của lãi suất huy động. Nguyên nhân do các ngân hàng đã mở rộng nhiều hoạt động dịch vụ khác, góp phần giúp lợi nhuận tăng trưởng.
Và những mảng xám
Đến thời điểm này, bức tranh lợi nhuận của ngân hàng dần hoàn thành. Bên cạnh những ngân hàng báo lãi nghìn tỷ, cũng có ngân hàng kinh doanh thua lỗ, có ngân hàng tỷ lệ nợ xấu tăng .
Ngân hàng đầu tiên báo lỗ là NCB, với khoản lỗ được ghi nhận là 199 tỷ đồng trong quý III và lỗ 180 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Nguyên nhân là NCB đã thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với nợ quá hạn, nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại, bên cạnh đó là áp dụng chính sách hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chưa hết, số dư nợ xấu của Ngân hàng NCB tăng gấp 5,3 lần so với cuối năm trước, từ 1.249 tỷ đồng lên 6.648 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3% lên 14,72%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gấp hơn 3 lần, lên 1.353 tỷ đồng.
Tương tự ở khoản nợ xấu gia thay đổi, Eximbank ghi nhận đến ngày 30/9/2022, nợ nhóm 4 giảm 34% nhưng nợ nhóm 3 tăng 24% và nợ nhóm 5 tăng 21%.
Tại VPBank, tính đến 30/9/2022, tổng nợ xấu hợp nhất tăng 24% so với đầu năm. Trong đó, 2 nhóm nợ 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và 4 (nợ nghi ngờ) không thay đổi nhiều nhưng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng gấp 2,8 lần so với đầu năm lên 5.679 tỷ đồng.
Thực tế, khi Thông tư 14/2021-TT/NHNN hết hiệu lực, nhiều ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng cho nợ cơ cấu, nên lợi nhuận sẽ không chịu áp lực. Tuy nhiên, với những ngân hàng chưa trích lập đủ sẽ phải đối mặt với khả năng chi phí tín dụng gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu thời gian tới dự báo tiếp tục phân hóa giữa các ngân hàng. Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa và khách hàng cá nhân thu nhập thấp sẽ khó khăn hơn trong điều kiện lãi suất và lạm phát có xu hướng tăng nhanh.
Giới chuyên gia phân tích, giữa năm 2021 đến đầu 2022 đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, gây tổn thất nặng cho nhiều doanh nghiệp. Hơn nữa, năm nay nền kinh tế toàn cầu còn bị áp lực bởi lạm phát, rủi ro nợ xấu đã được dự báo từ trước. Mặc dù tỷ lệ hình thành nợ xấu được dự báo tăng trong nửa cuối năm 2022 do các khoản vay tái cơ cấu hết thời hạn cơ cấu, song các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng có thể vẫn được kiểm soát nhờ việc các nhà băng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu.
Trước tình hình nợ xấu gia tăng, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã đăng liên tục các thông báo phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, với những khoản nợ có giá trị từ vài trăm triệu đến hàng nghìn tỷ đồng.